.

Điều gì sẽ xảy ra sau ngày 31-12 ?

.
Theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP về danh mục vốn pháp định của các tổ chức tín dụng, chậm nhất đến 31-12-2010, tất cả các ngân hàng (NH) phải đạt vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên. Như vậy, chỉ còn khoảng hơn 70 ngày nữa, thời hạn cuối về vốn điều lệ sẽ chính thức có hiệu lực.

Mô tả ảnh.
Ký kết hợp tác toàn diện giữa NH Hàng hải và NH Phát triển Việt Nam.
 
Trước yêu cầu có phần quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều NH chưa đủ vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng đang nỗ lực hết mình để về đích trước 31-12, bởi nếu NH nào không bổ sung kịp vốn điều lệ sẽ phải có phương án chấm dứt tư cách pháp nhân  và tự chọn cho mình các hình thức như sáp nhập, hợp nhất, mua lại, tự giải thể… Chính vì vậy từ nay đến cuối năm, dự báo sẽ có không ít các cuộc hợp nhất, liên doanh, sáp nhập xảy ra. Không chỉ dừng lại ở việc tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, nhiều NH nhân cơ hội này đã xin tăng vốn lên mức cao hơn, để đón đầu khả năng vốn điều lệ sẽ còn tăng nữa trong thời gian tiếp theo. 

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank) đã được Thống đốc NHNN Việt Nam cho phép tăng vốn điều lệ năm 2010 từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông Maritime Bank thông qua. Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng đã hoàn tất thủ tục bán 15% cổ phần, tương đương với 60 triệu cổ phiếu của mình cho NH Commonwealth Bank (CBA). Theo đó, vốn điều lệ của VIB tăng thêm 600 tỷ đồng, đạt 4.000 tỷ đồng. Trước đó, một số NH như An Bình, Kỹ Thương, Công Thương… cũng đã thực hiện việc bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài. 

Trong khi các NH đủ vốn tìm cách tăng vốn lên cao hơn nữa, thì các NH chưa đủ vốn phải “chạy đôn, chạy đáo” tìm mọi cách để có đủ vốn điều lệ bằng phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu, kêu gọi đầu tư, thậm chí mua lại hoặc sáp nhập để đạt được số vốn tối thiểu theo quy định mới. Từ năm 2009 đến nay, đã có nhiều thương vụ sáp nhập và mua bán thành công diễn ra giữa các doanh nghiệp (DN) và NH cũng như giữa NH nước ngoài và NH trong nước như Petro Vietnam và NH Đại Dương, NH Tín Nghĩa và NH Đại Á, NH BNP Paribas và NH Phương Đông, NH Maybank và NH An Bình... Trong tháng 9 vừa qua, không ít NHTMCP đã làm thủ tục xin phép tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng như Việt Nam Thương Tín (VietBank), Bảo Việt (BaoVietBank), Phương Tây - Western Bank), Bắc Á (BacABank), Sài Gòn Công thương, Phát triển Mê Kông…
Theo NHNN cho biết, hiện hệ thống có 37 NHTM, trong đó 7 NH có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, 3 NH có vốn 4.000 tỷ đồng, 1 NH có vốn 3.500 tỷ đồng và 3 NH có vốn từ 3.000-3.200 tỷ đồng, 23 NH còn lại có mức vốn điều lệ dưới 3.000 tỷ đồng (các NH này đã có hồ sơ đề nghị chấp thuận tăng vốn).

Tăng vốn điều lệ là yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực tài chính trong bối cảnh hội nhập, tạo điều kiện thuận lợi giúp NH mở rộng quy mô hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ, tăng cường khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm dịch vụ ngày càng gia tăng của khách hàng. Đây cũng là điều kiện để thu hút khách hàng, đồng thời giúp các NH đứng vững trước rủi ro, tăng trưởng nhanh hơn về quy mô kinh doanh và khả năng sinh lời. Vì vậy, việc bán cổ phần hoặc sáp nhập sẽ giúp các NH đủ vốn điều lệ, nâng cao được năng lực điều hành và sức mạnh cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, để thực hiện được mục tiêu trên là bài toán khó đối với nhiều NH.

Bài và ảnh: Thành Lân
;
.
.
.
.
.