.

Các kiểu trốn thuế

.
Bán hàng không xuất hóa đơn, cạo sửa hóa đơn mua hàng, ghi hóa đơn chênh lệch giá... là những hành vi mà một số đơn vị bán hàng trên địa bàn thành phố đã thực hiện để trốn thuế, gây thất thu ngân sách của Nhà nước.

Mô tả ảnh.
Người mua hàng cần yêu cầu cửa hàng xuất hóa đơn VAT khi thanh toán.
 
Hóa đơn đỏ: Người bán không đưa, người mua cũng chẳng cần

Điện thoại di động bị hư, anh Trương Đăng Nam ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu, quyết định mua điện thoại mới. Ngày 1-10, anh đến cửa hàng điện thoại di động QH khá lớn nằm trên đường Lê Duẩn để chọn lựa. Anh Nam cho biết: Sau khi chọn chiếc di động C3 của hãng Nokia mới cứng với giá 2,766 triệu đồng, anh chỉ nhận được phiếu xuất hàng chứ tuyệt nhiên không thấy hóa đơn đỏ (VAT) như đã quy định. “Khi tôi hỏi qua về hóa đơn VAT, nhân viên bán hàng còn khó chịu: “Anh mua cá nhân chứ có mua cho tập thể đâu mà cần hóa đơn làm gì.
 
Với lại mua ở chỗ em đã rẻ hơn các nơi khác rồi, anh còn đòi hỏi gì nữa”. Thấy phiền phức quá, tôi thôi luôn, mà mình cũng đâu cần hóa đơn đó để làm gì”. Còn chị Lê Thị Hoa ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ,  mới mua một chiếc máy xay đậu nành hiệu Gali tại một cửa hàng trên đường Hùng Vương với giá 900 ngàn đồng và cũng chỉ có phiếu tính tiền chứ không hề nhận được hóa đơn đỏ. Chị Hoa cho biết: “Lâu nay, khi đi mua hàng điện máy cho gia đình hầu như không khi nào tôi nhận được hóa đơn VAT, mà tôi cũng chẳng hỏi làm gì cho thêm phiền phức, miễn nơi nào bán nhẹ giá hơn thì tôi mua thôi”.

Dẫn bà dì đi mua máy giặt, sau khi đi nhiều cửa hàng, bà chọn mua chiếc hiệu LG tại một cửa hàng khá lớn nằm trên đường Phan Châu Trinh với giá 3 triệu đồng, chị bán hàng cũng chỉ đưa ra hóa đơn bán lẻ. Khi tôi khăng khăng đòi hóa đơn đỏ, chị nói chờ 2 ngày nữa đến lấy. Hai ngày sau đến thì chị bán hàng khó chịu: “Mấy chị này rắc rối quá, đâu có ai hỏi hóa đơn VAT như mấy chị. Để chiều chị kế toán đến em lấy cho”. Bà dì tôi chán quá bàn lùi: “Thôi cháu ơi, lấy về làm gì đâu, lại thêm việc vào thân cho khổ”.

Theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ, bán hàng trị giá trên 200 ngàn đồng, phải xuất hóa đơn. Đây là trách nhiệm của người bán nhưng người mua hàng dù là cá nhân hay doanh nghiệp đều phải đòi được nhận hóa đơn VAT. Tuy nhiên, lâu nay hầu hết người mua hàng do không biết hoặc biết nhưng sợ phiền phức đều không yêu cầu điều này.

Ghi giá “ảo”, bỏ túi hàng chục triệu đồng

Chiếc xe máy hiệu Sachs-Madass được anh Phạm Trung Trường (quận Hải Châu) mua ở một cửa hàng tại thành phố Đà Nẵng cách đây vài tháng với giá gần 80 triệu đồng. Xe được nhập từ nước Đức nên giá cao là điều không lạ, tuy nhiên lạ ở chỗ người bán ghi trên hóa đơn chỉ có 14,7 triệu đồng. Như vậy, số tiền thực tế chênh lệch với hóa đơn gần 65 triệu đồng, chủ cửa hàng đã trốn thuế 8 triệu đồng. Còn với người mua xe phải đóng lệ phí trước bạ 5% thì đã giảm đi hơn 3 triệu đồng.
 
Nhẩm tính, một chiếc xe mà Nhà nước đã thất thu thuế hơn 11 triệu đồng. Theo phản ánh của khá nhiều người, việc ghi hóa đơn thấp hơn giá thực tế không phải hiếm xảy ra, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước như thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và lệ phí trước bạ. Thông thường, tình trạng trốn thuế thông qua việc ghi hóa đơn chênh lệch giá thường xảy ra nhiều nhất vào lúc khan hàng. Do khách hàng quá chuộng nên sản phẩm bị đội giá lên cao, trong khi chủ cửa hàng ghi trong hóa đơn giá vẫn không thay đổi theo giá thực tế.

Trở lại chuyện mua điện thoại di động của anh Trương Đăng Nam nêu ở trên đã thấy sự chênh lệch giá khá lớn. Chẳng hạn cũng điện thoại C3 của hãng Nokia tại cửa hàng QH nằm trên đường Lê Duẩn có giá 2,766 triệu đồng nhưng khi đến một cửa hàng khác cũng trên đường Lê Duẩn thì lên tới 2,9 triệu đồng (chênh lệch gần 150 ngàn đồng). Có thể do giá thuê mặt bằng và các chi phí khác của các cửa hàng khác nhau nhưng chênh lệch tới 150 ngàn đồng thì không loại trừ khả năng bán hàng ngoài luồng, trốn thuế.

Như vậy, những hành vi gian lận để trốn thuế như trên đã diễn ra lâu nay và không phải cơ quan quản lý thuế không biết nhưng để phát hiện và xử lý là không dễ. Vấn đề là người tiêu dùng cần yêu cầu bên bán xuất hóa đơn và ghi đúng với giá đã mua. Hóa đơn VAT đã có thuế giá trị gia tăng nên người mua không phải trả thêm khoản nào sau khi đã thanh toán tiền. Người tiêu dùng cần biết để tránh trường hợp doanh nghiệp gây khó dễ khi bị đòi hóa đơn VAT.

Bài và ảnh: Phương Trà
;
.
.
.
.
.