.

Cảng Đà Nẵng - Khẳng định thương hiệu

.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ như: đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống hậu cần của cảng, tăng cường tìm kiếm đối tác, tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh các hoạt động marketing, tuyên truyền quảng bá, đổi mới công nghệ..., nên mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, song Cảng Đà Nẵng không những đứng vững mà còn làm ăn có hiệu quả.

Sẽ về đích sớm

Bốc dỡ hàng tại Cảng Đà Nẵng.    Ảnh: THÀNH LÂN


Theo ông Nguyễn Hữu Sia - Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của Cảng Đà Nẵng, mục tiêu đặt ra cho đơn vị trong năm 2009 là bước qua ngưỡng 3 triệu tấn hàng/năm. Đến thời điểm này (tức qua 10 tháng đầu năm), Cảng đã đạt hơn 2,7 triệu tấn hàng qua cảng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng đều tăng như: doanh thu tăng 9%, lãi tăng 12%, nộp ngân sách tăng 30%....

Để có được kết quả khá ấn tượng trên trong điều kiện nền kinh tế đang khó khăn thì yếu tố có tính động lực, thúc đẩy sự tăng trưởng của đơn vị là nhờ công tác đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, đồng thời quan tâm đổi mới công nghệ. Từ đó đã thu hút được một lượng rất lớn hàng hóa trong khu vực về với cảng.
 
Ông Nguyễn Hữu Sia khẳng định: “Việc đầu tư tốt sẽ dẫn đến chất lượng dịch vụ tốt hơn, năng suất cao hơn, và với việc có đầy đủ hệ thống kho tàng, bến bãi để bảo đảm lưu chứa hàng hóa của khách hàng là nhân tố cực kỳ quan trọng để Cảng Đà Nẵng tạo được niềm tin, sẵn sàng lưu chuyển hàng hóa qua cảng của mọi khách hàng trong và ngoài nước”. Đây là sự chuyển biến khá tích cực mà nhiều cảng khác đã không làm được.

Tuy nhiên, bên cạnh lý do kể trên, theo đánh giá của Ban Giám đốc Cảng Đà Nẵng thì nhờ chính sách kích cầu của Chính phủ đã kịp thời phục hồi sức sản xuất của các DN, từ đó mà lượng hàng cung ứng trên thị trường qua cảng liên tục tăng.

Cụ thể, các mặt hàng nội, nhất là vật liệu xây dựng đã tăng trưởng khá (từ 20-30%), hàng container tăng 0,5%. Đối với các mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là hàng may mặc, giày da, thủy sản, tinh bột sắn... gần đây cũng đã có bước tăng trưởng khá ấn tượng.

Như vậy, với tốc độ tăng trưởng của nhiều nhóm mặt hàng kể trên, Cảng Đà Nẵng đang có nhiều thuận lợi để đạt được con số 3 triệu tấn hàng trong năm 2009. Điều này cũng đã được đơn vị dự báo sẽ về đích sớm hơn kế hoạch.

Xây dựng chiến lược với nhiều giải pháp đồng bộ

Ngay từ đầu năm, Ban Giám đốc Cảng Đà Nẵng đã nhận thức được sự khó khăn sẽ còn kéo dài do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Dù kinh tế trong nước đang có dấu hiệu hồi phục, song nếu đơn vị không có chiến lược phát triển rõ ràng sẽ không thể trụ vững. Từ đó, Cảng Đà Nẵng đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chiến lược cạnh tranh của mình bằng nhiều giải pháp với một mục tiêu khá rõ ràng: “Phải không ngừng đưa Cảng Đà Nẵng vươn lên, xứng đáng với một cảng trung tâm của khu vực miền Trung và cả nước”.

Để thực hiện mục tiêu này, Ban Giám đốc Cảng Đà Nẵng thống nhất đưa ra nhóm giải pháp ưu tiên là tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng hệ thống kho tàng, bến bãi, bảo đảm tiếp nhận lưu chuyển hàng hóa từ miền Trung-Tây Nguyên và các nước bạn Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan về. Đồng thời, các vấn đề hậu cần sau cảng như: hoa tiêu, kiểm dịch, biên phòng, xuất nhập khẩu hải quan... phải được quan tâm, có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cấp, các ngành có liên quan, qua đó tạo sự an tâm và an toàn, nhanh chóng cho khách hàng.

Theo ông Nguyễn Hữu Sia, sở dĩ nhóm giải pháp kể trên được Ban Giám đốc ưu tiên đặt ra hàng đầu là do Cảng nhận thấy được tầm quan trọng của mình đối với sự phát triển của khu vực và cả nước. Ông Sia khẳng định: Cảng Đà Nẵng là điểm cuối của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây. Từ đây hàng có thể vận chuyển đi các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và cả nước cũng như sang nước bạn Lào, Campuchia, khu vực Đông Bắc Thái Lan và chiều ngược lại.

Đặc biệt, riêng với khu vực Tây Nguyên, các nước Lào, Campuchia, Đông Bắc Thái Lan đang là khu vực thị trường tiềm ẩn có nhiều tiềm năng kinh tế, trong đó Lào và Campuchia sẽ là nơi sản xuất, cung cấp chủ yếu cho thị trường các mặt hàng về nông sản, lâm sản, khoáng sản; Đông Bắc Thái Lan có trữ lượng khá lớn về quặng các loại và gạo, cao su...

Tuy nhiên hiện nay, lượng hàng từ khu vực này qua Cảng Đà Nẵng vẫn còn quá khiêm tốn (mới từ 3-5%). Vì vậy, mục tiêu chiến lược của Cảng Đà Nẵng là phấn đấu đến năm 2010-2012, lượng hàng của khu vực này qua cảng phải đạt 20% và đến năm 2015 là 30% và có khối lượng hàng hóa qua cảng tương đương 4 triệu tấn vào năm 2012 và 6 triệu tấn vào năm 2015 (tăng gấp đôi so với hiện nay).

Cùng với nhóm giải pháp trên, một nhóm giải pháp khác cũng đang được Cảng Đà Nẵng triển khai thực hiện là đầu tư, mở rộng cảng để đón các nhà đầu tư vào Đà Nẵng và khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong những năm tới. Để thực hiện nhóm giải pháp này, từ năm 2010-2012, Cảng Đà Nẵng tập trung vốn, kỹ thuật để đầu tư xây dựng Cảng Sơn Trà (500m cầu) thay Cảng Sông Hàn; đầu tư giai đoạn 2 Cảng Tiên Sa (500m cầu, mớn nước 14m cho tàu 4,5 đến 5 vạn tấn và tàu container 3.000 TEU cập cảng).

Như vậy, để tiến đến mục tiêu xây dựng Cảng Đà Nẵng thành một cảng lớn trung tâm của khu vực miền Trung và cả nước, lãnh đạo đơn vị đã đề ra chiến lược cạnh tranh đồng bộ với nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là vừa đầu tư cơ sở hạ tầng, vừa xem trọng thị trường. Tuy nhiên, để đi đến thành công, hiện nay Cảng đang quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ công nhân kỹ thuật và cán bộ quản lý lành nghề; xây dựng chiến lược tuyển chọn cán bộ đào tạo khi thị trường yêu cầu.
 
Bên cạnh đó, cũng đang tiếp tục đổi mới công nghệ, mở rộng tìm kiếm đối tác và thị trường trên cơ sở tăng cường quảng bá, tuyên truyền, mời gọi các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế, hàng hải, cảng lớn trên thế giới đến tham quan, tìm hiểu và hợp tác làm ăn; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ, phối hợp, giúp đỡ của chính quyền, các ngành có liên quan để từng bước tạo môi trường phát triển lành mạnh, bền vững.

ĐÌNH TĂNG

;
.
.
.
.
.