.
Thiếu nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản:

Bài toán cần một lời giải

.

Với bờ biển dài hơn 30km, Đà Nẵng có tiềm năng phát triển kinh tế biển như đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản. Thế nhưng, vấn đề thiếu nguyên liệu sản xuất hiện đang làm đau đầu các nhà máy và công ty kinh doanh trong lĩnh vực này.

Trữ lượng nhiều nhưng vẫn thiếu

Được làm việc như thế này là mong muốn của nhiều công nhân

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, vùng biển Đà Nẵng có nguồn thủy sản phong phú, số lượng lớn. Khả năng khai thác hằng năm khoảng 60-70 nghìn tấn, trong đó sản lượng khai thác trung bình đạt khoảng 25 nghìn tấn/năm, chủ yếu là cá nổi ven bờ. Ngoài ra, vùng biển Thọ Quang có nhiều điều kiện để nuôi bè với cá mú, cá cam; các vùng Hòa Cường, Nại Hiên Đông, chân đèo Hải Vân có thể hình thành khu vực nuôi tôm. Tiềm năng tương đối lớn, nhưng 8 nhà máy và 15 công ty khai thác và chế biến thủy hải sản đóng trên địa bàn KCN Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang luôn hoạt động cầm chừng, hầu như chưa có doanh nghiệp nào hoạt động hết 100% công suất thiết kế.

Mỗi ngày Công ty CP Thủy sản Nhật Hoàng cần trung bình 30 tấn nguyên liệu, để chế biến thành 15 tấn thành phẩm. Thế nhưng sau 3 năm chính thức đi vào hoạt động, công suất chế biến của công ty chỉ khoảng 60%. Ông Lê Minh Hoàng, Giám đốc công ty cho biết, việc thiếu nguyên liệu xảy ra thường xuyên, đặc biệt từ tháng 11 đến tháng 12, công suất hoạt động của các nhà máy chỉ đạt 20%. 100% sản phẩm xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc… nên việc bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng là mục tiêu sống còn, do đó ngoài 40% nguyên liệu ở Đà Nẵng, nguồn nguyên liệu chính được thu mua từ Quảng Ngãi, Hội An, Huế, Nghệ An… Hiện nay chưa đến mùa mưa bão nên nguồn cá, tôm xuất xứ Hội An và Đà Nẵng là chính để giảm bớt chi phí vận chuyển.

Nhiều ngư dân cho hay, hiện các chủ cung cấp xăng, dầu và các sản phẩm ướp như đá, muối… đã không cho “nợ” như trước mà phải “tiền trao cháo múc”. Điều này làm cho nhiều ngư dân lâm cảnh khó khăn bởi họ đã thiếu vốn nay nếu không được “nợ” dầu trước khi xuất bến thì rất khó ra khơi. Mặt khác, sản lượng hải sản khai thác của ngư dân ngày càng ít đi. Những mẻ lưới đánh bắt được chỉ là những loại cá tạp, chất lượng kém. Những mặt hàng có chất lượng hơn thì sản lượng không nhiều, chỉ đủ để tiêu thụ cho các nhà hàng, khách sạn. Điều này đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Lê Tất Phước - Trưởng ban Xuất khẩu Công ty cổ phần XNK Thủy sản miền Trung cho biết, ngoài tôm sú và tôm thẻ chân trắng là sản phẩm chủ đạo, công ty còn xuất khẩu các loại mực nang, mực ống, cá biển, bạch tuộc... sang Mỹ, Nhật. Để bảo đảm công đoạn sản xuất, công ty đã phải bỏ ra một nguồn kinh phí vận chuyển lớn để thu mua nguyên liệu từ khắp các tỉnh, thành trong nước vì nguyên liệu tại Đà Nẵng chỉ đáp ứng 20% nhu cầu.

Từ khi cảng cá Thuận Phước chuyển sang địa điểm mới, bình quân mỗi ngày có khoảng 30-40 chuyến tàu cập bến, 80-90 tấn cá lên bờ so với 150 tấn/ngày trước đây. Nói về sự suy giảm này, ông Nguyễn Tuấn Ngọc-Giám đốc Xí nghiệp Quản lý khai thác Cảng cá Thuận Phước chia sẻ: “Sản lượng giảm đi đáng kể do tàu bè chưa quen với địa điểm mới. Một số ngư dân vẫn cho tàu nằm bờ dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền dầu; chi phí cho một chuyến ra khơi quá lớn nên một số hộ đã chuyển đổi cơ cấu ngành nghề thích hợp”.

Theo ông Lê Minh Việt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Thanh Khê Đông, hiện nay gần 90% tàu làm nghề câu mực của phường bị ảnh hưởng bão. Nhiều ngư dân bỏ nghề biển, nguồn nguyên liệu cung cấp cho các công ty giảm một phần đáng kể. Phần lớn bà con ngư dân còn nghèo nên rất khó đầu tư được tàu to, lưới tốt và có kỹ thuật đúng tầm. Rõ ràng, cái khó của ngành khai thác thủy sản là ngư trường gần thì đã cạn kiệt do bị lạm dụng khai thác, ngư trường xa thì không đủ tàu công suất lớn, bảo đảm độ an toàn và kỹ thuật bảo quản còn khá thủ công nên kéo theo ngành chế biến trên bờ “đói” nguyên liệu trầm trọng. Trong khi đó, Đà Nẵng chưa có được những tàu đánh bắt xa bờ với những trang thiết bị hiện đại cũng như những tàu chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là thu mua tôm, cá ngay ngoài khơi để giảm chi phí vận chuyển.

Bao giờ có được tiếng nói chung?

Lượng cá tạp khá nhiều khiến cho các công ty thiếu nguồn hàng có chất lượng

Thực tế hiện nay cho thấy, chính quyền, doanh nghiệp và ngư dân vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc tìm hướng tháo gỡ vấn đề thiếu nguyên liệu chế biến. Các cơ quan chức năng kêu gọi các doanh nghiệp nỗ lực dựa vào các mùa vụ để mua nguyên liệu dự trữ, hướng đến vấn đề tự chủ vùng nguyên liệu như nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Nhưng theo ông Lê Minh Hoàng, phần lớn các công ty thủy hải sản tập trung tại Đà Nẵng là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nên vấn đề vừa bảo đảm công suất hoạt động, vừa tổ chức nuôi trồng thủy hải sản là điều không thể, nhất là khi lãi suất vay ngân hàng từ 8% tăng lên 21%. Điều này cũng khiến cho nhiều doanh nghiệp chế biến hải sản duy trì sản xuất, trả được vốn vay với mức lãi suất quá cao, trong khi nguồn nguyên liệu thì luôn thiếu và không ổn định.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước nói: Trong khi doanh nghiệp đang đau đầu với việc thiếu hụt sản lượng (chưa tính đến chất lượng) nguyên liệu thì mọi chi phí sản xuất đã tăng từ 25-30% so với cùng kỳ năm 2007. Giá thủy sản xuất khẩu tăng không đáng kể, khoảng 10%. Do không đủ nguyên liệu nên công nhân làm việc không liên tục. Đội ngũ công nhân lành nghề mai một dần vì mức lương hiện tại không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt. Để duy trì sản xuất và phát triển, công ty đang lên kế hoạch nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ bên ngoài.

Các doanh nghiệp đang áp dụng phương pháp tăng cường giá trị cho sản phẩm như chế biến thành phẩm thay vì xuất thô như trước đây và làm đa dạng mặt hàng. Phương thức này giúp công nhân có thêm việc làm, tăng thu nhập và bảo đảm duy trì sản xuất. Ông Trần Phước Tài, Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng việc thiếu nguyên liệu thủy sản đang là tình hình khó khăn chung của cả nước chứ không riêng gì Đà Nẵng. Biện pháp chủ yếu vẫn là kêu gọi sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản của thành phố liệu có yếu đi? Thiết nghĩ, các cơ quan, ban, ngành cần tìm ra những hướng đi phù hợp, có hiệu quả, quy hoạch vùng nguyên liệu nhằm mang lại nguồn lợi cho sự phát triển của cả thành phố, doanh nghiệp và những ngư dân suốt đời lênh đênh trên biển.

 

Đầu năm 2008, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có công văn gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phương án nhập khẩu nguyên liệu thủy sản. Theo đó, để đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt từ 7,5 - 8 tỷ USD vào năm 2020, phải nhập khẩu 2 tỷ USD nguyên liệu thủy sản.

Hiện nay công suất cấp đông của các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh đã lên đến trên 1,5-1,7 triệu tấn thành phẩm mỗi năm, tương ứng với khoảng 4,5-5,1 triệu tấn nguyên liệu. Các nhà máy đông lạnh chỉ hoạt động dưới 50% công suất thiết kế, gây lãng phí lớn về đầu tư.

 

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.