.

Thách thức trong giám sát vận hành hồ chứa

.

Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị (Tổng Hội Xây dựng Việt Nam) vừa tổ chức hội thảo về thực trạng giám sát của cộng đồng đối với việc vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn. Qua các nghiên cứu của các học giả, việc tham gia giám sát cộng đồng đang đặt ra nhiều thách thức…

Hệ thống thủy điện bậc thang trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn đang có tác động bất lợi đến môi trường và xã hội nên cần có cơ chế giám sát.
Hệ thống thủy điện bậc thang trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn đang có tác động bất lợi đến môi trường và xã hội nên cần có cơ chế giám sát.

TS Quách Thị Xuân, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng, khi nghiên cứu việc giám sát từ cộng đồng đối với thủy điện A Vương đã nêu ra nhiều vướng mắc để hoàn thiện quy trình và hiệu quả đầu tư khai thác ở hệ thống các hồ chứa lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn. Những thông tin khảo sát cho biết, người dân chưa được nắm rõ tình hình quy hoạch và đầu tư phát triển thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn, ngay cả chính quyền cấp huyện cũng không nắm rõ tình hình phát triển thủy điện.

Theo thiết kế, thủy điện Đắk Mi 4 phải chuyển dòng đổ nước về sông Vu Gia, nhưng chủ dự án đã chuyển nước về sông Thu Bồn. Điều này làm cho khả năng giám sát của cộng đồng đối với hoạt động khai thác nguồn nước của các thủy điện bị hạn chế. Theo đó, quyền được khai thác sử dụng tài nguyên nước và khả năng phòng chống lũ của các cư dân bị ảnh hưởng.

Nghiên cứu từ việc cộng đồng tham gia giám sát vận hành hồ chứa thủy điện A Vương, nhóm nghiên cứu ghi nhận kiến nghị từ các đối tượng khảo sát đề nghị hệ thống cảnh báo, thông báo lũ cần tăng cường mật độ biển báo cảnh báo lũ, mật độ loa âm thanh và các phương tiện thông tin khác; xác định ranh giới bị ảnh hưởng của lũ qua bản đồ ngập. Đối với nhận thức vận hành hồ chứa cần có thêm đơn vị độc lập chuyên ngành để giám sát việc vận hành của các chủ dự án.

Theo chủ dự án thủy điện A Vương, việc giám sát cũng mở rộng phạm vi bởi một số hồ chứa chưa tham gia triển khai mô hình giám sát cộng đồng và hỗ trợ các khu vực bị ảnh hưởng do xả lũ như thủy điện A Vương đã làm.

TS Quách Thị Xuân cho biết, chủ dự án nhiều hồ chứa đã né tránh việc thông báo xả lũ và có hiện tượng “hùa theo” xả lũ theo cơ sở tính toán xả lũ của thủy điện khác. Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với hoạt động giám sát hồ chứa, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên nước khu vực sông Vu Gia-Thu Bồn cần sớm thành lập Ban Quản lý lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn có đại diện tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng với các nhiệm vụ quản lý, giám sát và nghiên cứu thường xuyên về nguồn tài nguyên nước ở khu vực.

Chuyên gia Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, chuyên viên đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) giám sát hồ thủy điện A Vương cho biết, 5 năm qua, những hệ lụy của việc phát triển thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn đã được nhìn thấy. Rõ nhất là người dân sống trong lưu vực đã chịu nhiều thiệt hại và tổn thương về tinh thần, tác động đến sinh kế. Ông Lê Anh Tuấn nhận định: “Nhiều bằng chứng cho thấy các chủ dự án thủy điện đã không thực hiện đúng cam kết giảm thiểu thiệt hại so với cam kết của họ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong khi đó, các biện pháp giám sát và chế tài xử lý còn hạn chế”.

Hệ thống lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn được Bộ Công thương phê duyệt 10 dự án thủy điện bậc thang, công suất 1.141MW với 4.518 tỷ kWh/năm. Hệ thống thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn là trường hợp điển hình của Việt Nam và của thế giới về sự tác động bất lợi đến môi trường và xã hội. Việc giám sát của cộng đồng đối với hồ chứa thủy điện lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn là cấp thiết, nhưng để có hiệu quả thì phải công khai minh bạch về thông tin trữ lượng nguồn tài nguyên nước, quy trình vận hành hồ chứa để giám sát quyền lợi của cộng đồng và buộc chủ dự án phải có trách nhiệm giảm thiểu, khắc phục và đền bù. Hiện người dân và chính quyền địa phương chưa có đủ tài liệu hướng dẫn và tư vấn để thực hiện giám sát quyền lợi chính đáng của mình.

Bài và ảnh: TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.