Ấm áp nghĩa tình

.

Lại một lần nữa, câu khẩu hiệu ấm lòng vốn ra đời từ những năm tháng chiến đấu ác liệt chống giặc ngoại xâm lại trở về với chúng ta hôm nay, trong những ngày chống dịch Covid-19: “Tiền tuyến gọi, hậu phương đáp lời”. “Tiền tuyến”, lúc này, là Đà Nẵng, là Quảng Nam đang căng mình chống dịch. “Hậu phương” ở đây là những địa phương tuy chưa phải đã thật sự an toàn, đang phải đề cao cảnh giác trước sự xâm nhập của SARS-CoV-2 nhưng dù sao cũng đang trong trạng thái bình thường mới, với nhịp sống bình thường trong bối cảnh đại dịch.

Liên tục mấy ngày nay, thông tin về những đoàn cán bộ, bác sĩ, các chuyên gia giàu kinh nghiệm của ngành y tế ở Trung ương lần lượt có mặt kịp thời tại Đà Nẵng để hỗ trợ ngành y tế Đà Nẵng vượt qua những khó khăn ban đầu, và sau đó tiếp tục ở lại “ba cùng” với Đà Nẵng để truy vết, khoanh vùng, kiểm tra y tế, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19... đã thật sự làm ấm lòng người dân thành phố. Những đơn vị tinh nhuệ của các binh chủng đặc biệt cũng đã hành quân vào tuyến đầu Đà Nẵng, làm sạch môi trường, khử trùng triệt để những điểm dịch xung yếu.

Tiếp nữa, ngay sau khi Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng có văn bản gửi UBND một số tỉnh, thành phố về việc kêu gọi hỗ trợ nhân lực y tế giúp Đà Nẵng phòng, chống và điều trị Covid-19, thêm nhiều đoàn bác sĩ, điều dưỡng từ thành phố Hải Phòng kết nghĩa từ những năm chiến tranh, đến Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Định và một số địa phương khác đã khẩn trương đến với tâm dịch Đà Nẵng cùng chia sẻ với những người đồng nghiệp miền Trung về kinh nghiệm nghề nghiệp, chia sẻ cả những khó khăn thách thức, kể cả những bất trắc hiểm nguy. Không chỉ nhân lực kỹ thuật cao, rất nhiều vật lực và nguồn lực tài chính cũng đã được các địa phương dành cho Đà Nẵng.

Các trang mạng xã hội cũng dồn dập những lời động viên, khích lệ. Đà Nẵng cố lên! Đà Nẵng vững tin! Đà Nẵng chiến thắng!

Bản thân người Đà Nẵng cũng thể hiện quyết tâm chiến thắng đại dịch, thể hiện tinh thần hợp tác với các cơ quan y tế để kiểm tra tình trạng sức khỏe bản thân. Nhiều điểm tự nguyện phát không khẩu trang y tế xuất hiện trên một số tuyến phố. Nhiều hoạt động từ thiện vẫn không ngừng nghỉ trong những ngày đại dịch. Những tên gọi thân thương như “Quỹ Vì một thành phố đáng sống” ra đời trong những ngày giãn cách xã hội. Những lời kêu gọi chung tay với những chiến binh trên tuyến đầu chống dịch được diễn đạt nôm na mà thật nghĩa tình: “Bác sĩ khỏe, chúng ta khỏe”.

Đã trở thành câu chuyện thường ngày, khi có một cô gái vượt hàng chục cây số với những túi đồ được bọc cẩn thận dừng lại trước rào chắn cổng bệnh viện nhờ chuyển đến đội ngũ y, bác sỹ đang thực hiện cách ly. Và những tốp thanh niên dùng xe bán tải chở những thùng nước cam mát lạnh đem đến cho các chiến sĩ Công an đang trực trước cổng bệnh viện và cho các y, bác sĩ đang túc trực bên trong. Trong khi đó, những tốp công nhân làm việc xuyên đêm, các ca kíp túc trực 24/24 bảo đảm 72 giờ hoàn thành bộ khung bệnh viện dã chiến ở Cung thể thao Tiên Sơn, khẩn trương đưa thiết bị y tế sẵn sàng tiếp nhận người bệnh.

Có một sự liên tưởng trong ký ức của những người cao tuổi từng kinh qua chiến tranh. Hình như cuộc chiến đấu đã làm cho con người xích lại gần nhau hơn. Và một khi con người đã gắn bó với nhau thành một khối thì không kẻ thù nào có thể ngăn bước chúng ta đi tới chiến thắng. Chắc chắn là sẽ đến lúc các nhà khoa học chân chính có thể giúp cho cả loài người nhận diện rõ ràng con virus ấy. Nhưng đó là câu chuyện của các nhà khoa học, các nhà xã hội học.

Công việc của chúng ta lúc này là kiên quyết khẩn trương dập dịch, ngăn chặn không cho dịch lây lan, chiến thắng dứt điểm trong trận quyết chiến với “kẻ thù” còn đang tàng ẩn, trả lại môi trường an lành của một thành phố giàu mạnh, an bình, văn minh, hiện đại. Đó là quyết tâm chính trị, là niềm tin có cơ sở của chúng ta. Chen lẫn với niềm tin là ấm áp nghĩa tình. Đó là thứ “vốn xã hội” vốn tiềm tàng trong cộng đồng người Đà Nẵng. Và, nó lại càng được nhân lên bội phần với nghĩa tình của cả nước chung tay hướng về Đà Nẵng đang trên tuyến đầu chống dịch.

NẠI hIÊN

 

;
;
.
.
.
.
.