Gian nan đòi nợ bảo hiểm xã hội - Bài 2: Nỗi lòng người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội

.

Người lao động vì bị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nên nhiều năm liền không được thanh toán chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… Những người khác đến tuổi nghỉ hưu không được chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ hưu trí, khiến họ luôn bấp bênh trước áp lực cuộc sống.

Nhận quyết định nghỉ việc từ tháng 9-2019 nhưng một số lao động Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 vẫn chưa được giải quyết chế độ. Ảnh: X.HẬU
Nhận quyết định nghỉ việc từ tháng 9-2019 nhưng một số lao động Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 vẫn chưa được giải quyết chế độ. Ảnh: X.HẬU

Quyền lợi bị “treo”

Một trong những quyền lợi hợp pháp, chính đáng mà người lao động được hưởng sau khi ký kết hợp đồng lao động với doanh nghiệp là chế độ về BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nợ đọng BHXH kéo dài, thậm chí cố tình chây ỳ, khiến người lao động bị thiệt thòi về quyền lợi theo quy định. Trên thực tế, dù các doanh nghiệp chậm đóng BHXH khiến người lao động bị mất quyền lợi hợp pháp như được thanh toán các chế độ ốm đau, thai sản,… nhưng rất nhiều người lao động không dám lên tiếng vì sợ chủ doanh nghiệp gây khó khăn, mất việc làm.

“Công ty nợ BHXH thì mình bị thiệt hại nhiều đó nhưng cũng không biết kêu ai. Mà có kêu, nếu đến tai lãnh đạo lại sợ mất việc làm, rồi ảnh hưởng khi mình xin chốt sổ BHXH sau này. Bây giờ tìm công việc mới cũng khó khăn”, một người lao động bị nợ BHXH bày tỏ. Trong khi đó, với những người lao động đã nghỉ việc, nhiều quyền lợi vẫn bị “treo”. Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (SN 1985), từng làm việc tại Công ty TNHH Empire Hospitality - đơn vị vận hành một số khách sạn của dự án Tổ hợp giải trí Cocobay cho biết, công ty nợ BHXH người lao động từ tháng 8-2019, trước cả thời điểm dịch bệnh nên lý do vì dịch là không hợp lý. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người lao động vẫn đồng ý giảm lương, đồng hành cùng doanh nghiệp lúc khó khăn.

“Chúng tôi nỗ lực vì miếng cơm manh áo của gia đình, đồng hành cùng doanh nghiệp lúc khó khăn nhưng đổi lại những quyền lợi của mình trong những ngày đi làm đều không được nhận. Nhiều người lao động đã nghỉ việc rất lâu khi liên hệ công ty để giải quyết thì chỉ nhận lại những lời hứa”, chị Vân tâm sự.

Anh Đỗ Hữu Nam (SN 1981), từng là tài xế Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1, nhiều lần phải chi trả 100% chi phí điều trị vì công ty nợ BHXH, điển hình là anh phải nhập viện mổ cấp cứu vào tháng 8-2018. “Mỗi tháng đi làm, tôi đều bị trừ gần 500.000 đồng tiền BHXH nhưng lại không có thẻ BHYT để khám, chữa bệnh. Công ty có hứa là tôi cứ thanh toán các chi phí, sau đó mang hóa đơn về, công ty sẽ chi trả lại. Tuy nhiên, đến tận bây giờ khi đã nghỉ việc, sổ BHXH của tôi vẫn chưa được chốt, các chi phí khám chữa bệnh không được thanh toán”, anh Nam cho biết.

Anh Nam và hơn 120 tài xế, phụ xe từng làm việc cho Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 bị ảnh hưởng quyền lợi khi doanh nghiệp nợ chây ỳ BHXH. Nhiều năm qua, những người lao động này đã kiên trì cùng nhau đi đòi sổ BHXH. “Chúng tôi chuẩn bị rất nhiều hồ sơ để mang đến nhờ chính quyền, Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ pháp lý. Hy vọng sẽ sớm được giải quyết”, anh Nam nói.

Ngược xuôi đi đòi nợ bảo hiểm xã hội

Chị Huỳnh Thị Bình (SN 1997), làm việc tại Công ty TNHH Empire Hospitality, phải ngược xuôi nhiều lần để đòi nợ BHXH. Chị Bình cho biết, công ty tuyển dụng lao động vào làm việc có ký kết hợp đồng lao động, cam kết đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN. Chị đi làm từ tháng 7-2017, đều đặn mỗi tháng, doanh nghiệp trừ phần tiền lương theo quy định khi tham gia BHXH. Tuy nhiên, đến tháng 8-2019, chị Bình biết được doanh nghiệp đang nợ BHXH của người lao động. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn và nghĩ rồi công ty sẽ đóng đủ nếu mình còn làm việc nên chị vẫn làm việc theo hợp đồng.

Tháng 3-2020, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, chị Bình xin nghỉ việc để tìm công việc khác. “Tôi liên hệ công ty hỏi chốt sổ BHXH thì họ bảo tôi tự đến BHXH quận Ngũ Hành Sơn để làm. Khi tôi đến xin chốt sổ BHXH để nhận BHTN thì được thông báo không làm được vì công ty nợ BHXH từ tháng 8-2019. Tôi lại quay về công ty để hỏi rõ thì họ bảo chờ để giải quyết. Sau đó, bộ phận nhân sự làm việc với tôi bị thay đổi người liên tục, những người sau không nắm thông tin gì. Đến nay đã hơn 3 năm, tôi vẫn chưa được công ty giải quyết”, chị Bình chia sẻ.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Lê Văn Đại cho biết, theo quy định hiện nay, khi doanh nghiệp còn hoạt động nhưng nợ BHXH, người lao động muốn được chốt sổ BHXH thì vẫn thực hiện được. Thời điểm chốt sổ sẽ là lúc doanh nghiệp không nợ BHXH và người lao động phải đồng ý chốt sổ tại thời điểm đó. Tuy nhiên, dù được chốt sổ nhưng người lao động sẽ không được hưởng một số chế độ cho đến khi doanh nghiệp thanh toán hết các khoản nợ, ví như người lao động muốn rút BHXH một lần hay hưởng lương hưu là không thực hiện được. Đối với các doanh nghiệp đang làm thủ tục phá sản, hay đã có quyết định phá sản của tòa án, hoặc không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký hay không có người đại diện theo pháp luật mà vẫn còn nợ BHXH thì trong quá trình làm việc người lao động không được hưởng BHYT và khi nghỉ việc, không thể làm thủ tục hưởng BHTN. Bên cạnh đó, việc khởi kiện doanh nghiệp để đòi nợ BHXH cũng gặp vô vàn khó khăn. Vụ việc 196 người lao động khi ủy quyền cho LĐLĐ thành phố khởi kiện Công ty TNHH một thành viên TBO VINA (Công ty TBO), đã thắng kiện. LĐLĐ thành phố mất gần 2 năm đeo đuổi vụ kiện và gần 1 năm thi hành án. Dù thắng kiện nhưng quá trình thi hành án để thu hồi tài sản giải quyết nợ BHXH rất khó khăn bởi chủ doanh nghiệp đã bỏ trốn. Tuy nhiên, tài sản thu hồi được ưu tiên thực hiện việc trả nợ tiền lương, người lao động của đơn vị này khi làm BHXH rút 1 lần hay hưởng lương hưu đều phải chịu thiệt thòi hơn.

Cũng theo ông Đại, mặc dù các cơ quan chức năng rất nỗ lực trong công tác đòi nợ BHXH nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chây ỳ, hứa hẹn, tìm lý do để tránh né. Trường hợp như Công ty CP Công nghiệp Quảng An, LĐLĐ thành phố, BHXH thành phố, Sở Lao động,Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải đã nhiều lần làm việc, lập biên bản. Trong đó, ông Đại cùng đoàn đã đến trực tiếp trụ sở công ty tại tỉnh Bắc Ninh để làm việc với chủ doanh nghiệp. Nhưng chỉ xử lý được việc trả nợ lương, còn nợ BHXH thì doanh nghiệp cam kết rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được.

XUÂN HẬU - NGUYỄN QUANG

;
;
.
.
.
.
.