Chính trị - Xã hội

Phản bác luận điệu xuyên tạc dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi)

09:19, 28/04/2023 (GMT+7)

Nhân việc Chính phủ ngày 1-4-2023 có tờ trình về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), trong đó có chỉnh lý tên gọi từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành “Luật Căn cước”, các thế lực thù địch đã rêu rao rằng chúng ta đang quay lại làm căn cước như thời chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước ngày 30-4-1975.

Về vấn đề này, cần phải khẳng định rõ hiện nay có nhiều loại giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp đang lưu hành hợp pháp cũng không gắn từ “công dân” vào phía sau như hộ chiếu, bảo hiểm… Đối chiếu với một số quốc gia trên thế giới cũng có cách gọi tên ngắn gọn là căn cước. Và sự điều chỉnh này xuất phát từ việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý dân cư, mở rộng đối tượng cho trường hợp “công dân gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam không có quốc tịch” (Điều 2, dự thảo luật).

Vậy nên, việc thay đổi tên gọi hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và thông lệ quốc tế và không gây ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị hay mâu thuẫn, chồng chéo với hệ thống pháp luật hiện hành. Từ “thẻ căn cước” không có hàm ý khu biệt mà mang tính rộng mở, càng phù hợp với thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Và việc thay đổi tên gọi đơn thuần là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế theo hướng tiết kiệm, phù hợp chứ không phải là màn “quay xe” hay “cài số lùi” như lời đơm đặt của các thế lực phản động.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch đánh vào tâm lý ngại thay đổi của người dân, tung hỏa mù rằng “Luật Căn cước mới có hiệu lực thì người dân phải làm lại căn cước”. Đây là đòn đánh thâm độc, tạo nên sự bức xúc, bất mãn, chống đối việc triển khai chiến dịch cấp thẻ căn cước của các địa phương thời gian qua. Tuy nhiên, thông tin này là hoàn toàn bịa đặt. Trong dự thảo luật đã nêu rất rõ căn cước công dân được cấp trước ngày dự thảo luật căn cước mới có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ.

Về chủ trương gắn chip điện tử vào thẻ căn cước, các đối tượng chống phá đưa ra các thông tin ác ý: “Sử dụng thẻ cước công dân gắn chíp là vi phạm đời tư cá nhân”, “Gắn chip thẻ căn cước công dân chỉ có một vài quốc gia “kém dân chủ” mới sử dụng”…

Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ “Chip điện tử lưu trữ thông tin cơ bản của công dân được gắn ở mặt sau thẻ căn cước công dân” (điểm d, khoản 3, Điều 3 Thông tư số 06/2021/TT-BCA ngày 23-1-2021 của Bộ Công an). Chip điện tử gắn vào thẻ căn cước không theo dõi được công dân vì không có chức năng định vị. Tất cả các thông tin được lưu trữ đều được bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin bởi Ban Cơ yếu Chính phủ. Vậy nên, đây là thông tin bịa đặt vô căn cứ, xuyên tạc sự thật đáng lên án.

Ngoài ra, chúng ta cần nhận thức về tính năng ưu việt của thẻ căn cước mới chính là tích hợp được nhiều thông tin của công dân trên thẻ hơn so với căn cước công dân mã vạch trước đây, nên khi người dân đi làm các thủ tục hành chính hoặc các giao dịch khác, chỉ cần mang thẻ căn cước công dân gắn chip. Đây chính là nỗ lực lớn của Đảng và Nhà nước ta trên hành trình xây dựng cơ sở quốc gia về dữ liệu dân cư - trái tim của chuyển đổi số.

Có thể nói, việc xuyên tạc chính sách mới của ta về hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nói chung và tờ trình dự thảo Luật Căn cước nói riêng là đòn thâm hiểm của các thế lực thù địch. Vì vậy cần nêu cao cảnh giác và tin tưởng rằng việc cấp căn cước gắn chip điện tử sẽ tạo nên bước đột phá cơ bản trong hành trình chuyển đổi số ở Việt Nam.

TRƯƠNG THỊ ĐIỆP

.