Thi công các cầu vượt lũ

.

Hiện nay, các đơn vị, địa phương đã khởi công, xây dựng một số cầu vượt lũ bắc qua các sông, khe, suối để bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân và giúp một số khu vực ở huyện Hòa Vang không còn bị cô lập, chia cắt do lũ.

Công trình Tuyến đường giao thông kết nối đường ĐT.601 và thôn Lộc Mỹ đang được triển khai thi công.  Ảnh: H.H
Công trình Tuyến đường giao thông kết nối đường ĐT.601 và thôn Lộc Mỹ đang được triển khai thi công. Ảnh: H.H

Xây cầu cao hơn mức lũ lịch sử năm 1999

Vào mùa mưa bão, thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) thường bị chia cắt bởi núi cao và sông Cu Đê cùng khe Bàu Bàng. Trước đây, người dân, học sinh ở thôn phải đi thuyền qua sông Cu Đê ở bến Sạn để ra đường ĐT.601 bên kia sông. Năm 2013, thành phố đã đầu tư xây dựng tuyến đường tràn và cống 3 cửa, bắc qua khe Bàu Bàng cùng đường nối thôn Lộc Mỹ với đường từ phía bắc Thủy Tú đến Phò Nam (đường ADB 5).

Tuy nhiên, do khe Bàu Bàng tiếp nhận trữ lượng nước rất lớn vào mùa lũ nên đường tràn thường hay bị ngập lũ, nước chảy xiết, gây cô lập thôn này. Do đó, tháng 2-2023, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng khởi công dự án Tuyến đường giao thông kết nối đường ĐT.601 và thôn Lộc Mỹ với tổng mức đầu tư hơn 93 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Dự án có 2 đường nhánh và 2 cầu bắc qua sông Cu Đê và khe Bàu Bàng. Cầu qua sông Cu Đê (trên đường nhánh chính) gồm 3 nhịp dầm bê-tông cốt thép dự ứng lực với chiều dài 133,5m, bề rộng mặt cầu phần xe chạy là 7,5m, phần bộ hành và gờ lan can mỗi bên rộng 2,25m.

Cầu qua khe Bàu Bàng có 1 nhịp dầm bê-tông cốt thép dự ứng lực với chiều dài 57,5m, có bề rộng mặt cầu phần xe chạy là 7,5m, phần bộ hành và gờ lan can mỗi bên rộng 2,25m. Cả 2 cầu được thiết kế ứng với tần suất lũ 1% (100 năm mới có 1 năm có mức lũ ngang mặt cầu), cao hơn mực nước lũ lịch sử năm 1999 trên sông Cu Đê 9cm và cao hơn mực nước lũ trung bình hằng năm đến 3,55m nên sẽ không thường xuyên chia cắt, cô lập vào mùa lũ như những năm qua.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, dự án sẽ được hoàn thành vào tháng 12-2024. Cũng tại xã Hòa Bắc, đơn vị đã hoàn thành tháo dỡ cầu sắt Bưu điện bắc qua đường ĐT.601 cũ tại thôn Nam Mỹ và bàn giao cho UBND huyện Hòa Vang để tận dụng làm cầu dẫn bắc qua khe Áo của thôn Tà Lang, tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Vào mùa lũ, tuyến đường tràn An Châu thường hay bị ngập lũ, gây chia cắt tuyến đường giao thông huyết mạch giữa 2 xã Hòa Phong và Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Một cây cầu thay thế đường tràn là niềm mong ước nhiều năm của nhiều người dân 2 xã. Ngày 11-3, UBND huyện Hòa Vang đã khởi công hạng mục cầu vượt lũ qua đường tràn An Châu (thuộc công trình các tuyến đường ngang nối quốc lộ 14B và các xã thuộc huyện Hòa Vang) nối liền 2 xã Hòa Phong, Hòa Phú. Cầu có chiều dài 64m, rộng 9m, thiết kế cầu ứng với tần suất lũ 2% (trong 100 năm chỉ có 2 năm có mực nước lũ ngang mặt cầu), tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2023.

Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng công trình Nghĩa Hạnh Đinh Văn Lê Phúc cho biết: “Chúng tôi đã triển khai thi công cầu vượt lũ này và quyết tâm hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. Qua đó, mong muốn chính quyền địa phương khẩn trương hoàn thành đền bù cây cối cho người dân, sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng để công trình này được hoàn thành trước mùa mưa lũ năm nay, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho nhân dân 2 xã và bảo đảm công tác cứu hộ, cứu nạn nhân dân trong mùa lũ”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng cho rằng, việc đầu tư xây dựng các cầu vượt lũ và các tuyến giao thông trên địa bàn huyện không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân, bảo đảm an toàn giao thông và hoàn thiện trục giao thông kết nối các thôn, xã, mà còn góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Đặc biệt, việc xây dựng hạ tầng giao thông là một lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên đầu tư để huyện hướng đến mục tiêu trở thành thị xã vào năm 2025.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.