Chủ động ứng phó vùng áp thấp và mưa, lũ

.

ĐNO – Ngày 6-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng có công điện đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện triển khai ứng phó với vùng áp thấp trên Biển Đông và mưa lớn trên diện rộng.

Cửa phai tại hồ Thạc Gián đã được mở trước mưa để hạ thấp mực nước trong hồ để giảm ngập úng cho khu vực xung quanh. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Cửa phai tại hồ Thạc Gián đã được mở trước mưa để hạ thấp mực nước trong hồ nhằm giảm ngập úng cho khu vực xung quanh. Ảnh: HOÀNG HIỆP

* Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đã có công điện đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện triển khai ứng phó với vùng áp thấp trên Biển Đông và mưa lớn trên diện rộng.

Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố và Đài Thông tin Duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh; thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm trên biển; chủ động thực hiện việc quản lý tàu thuyền ra khơi và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết...

Các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (các khu vực nằm trong phạm vi kênh thoát lũ tổng thể xã Hòa Liên, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi…).

Sẵn sàng triển khai sơ tán nhân dân theo phương án đã được phê duyệt; thông báo cho nhân dân biết tình hình mưa lớn để chủ động phòng chống; sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở liên quan đến ngành xây dựng và các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án các công trình đang thi công triển khai phương án phòng chống mưa lũ cho các công trình, triển khai các biện pháp phòng chống ngập úng, khơi thông dòng chảy cho các khu dân cư đang thi công dỡ dang.

Sở Xây dựng phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng triển khai phương án phòng chống ngập, lụt, khơi thông cống rãnh thoát nước các khu vực đô thị, khu dân cư, các tuyến đường giao thông.

Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng và UBND huyện Hòa Vang thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa, thường xuyên kiểm tra đánh giá an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn; tổ chức trực ban phòng chống thiên tai các hồ chứa nước; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, bảo đảm an toàn công trình...

* Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hiện có 1.006 tàu cá đang hoạt động trong khu vực dự kiến ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, gồm 2 tàu của Thanh Hóa, 1 tàu của Nghệ An, 1 tàu của Quảng Trị, 13 tàu của Đà Nẵng, 95 tàu của Quảng Nam, 345 tàu của Quảng Ngãi, 374 tàu của Bình Định, 60 tàu của Khánh Hòa, 112 tàu của Phú Yên, 1 tàu của Bình Thuận, 2 tàu của Bà Rịa- Vũng Tàu.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp, mưa, lũ, dông, lốc, sét kịp thời cảnh báo và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền. Sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các khu nuôi trồng thủy sản ven biển, các tuyến đê biển xung yếu hoặc đang thi công.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn.

Rà soát, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ từ 10-15km/giờ và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7 giờ ngày 7-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa khoảng 180km về phía đông với sức gió mạnh nhất cấp 6-7, giật cấp 9.


HOÀNG HIỆP

 

;
;
.
.
.
.
.