Sức trẻ

.

Đất nước 4.000 năm tuổi, nhưng ở mỗi chặng đường của thời gian dằng dặc đó, bên cạnh “đội cận vệ già” dày dạn kinh nghiệm, những lớp người trẻ tuổi luôn là đội quân xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đoàn bác sĩ tình nguyện khám bệnh cho người nghèo.Ảnh: Thanh Tình
Đoàn bác sĩ tình nguyện khám bệnh cho người nghèo. Ảnh: THANH TÌNH

Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ hiểm nguy chống kẻ thù ngoại xâm, người ta nói đến việc “chín sớm” của một thế hệ thanh niên trưởng thành trong chiến đấu. Quả thật, kẻ thù xâm lăng không đợi cho một thế hệ thanh-thiếu niên “đủ chín” rồi mới đem quân, mang bom đạn gieo rắc lên đất nước ta. Và những thiếu niên 12, 13 tuổi cũng trở thành người lính, làm liên lạc, tham gia du kích bảo vệ xóm làng. Họ lên đường chiến đấu không hề tính toán thiệt hơn. Nhiều người trong họ đã hy sinh khi tuổi đời vừa mười tám, đôi mươi. Chiến tranh là vậy, có khi “một chiếc áo có thể sống lâu hơn một đời người” (thơ Thanh Thảo).

Nhưng không phải chỉ trong chiến tranh mới có một thế hệ “chín sớm” như vậy. Cuộc sống luôn đòi hỏi mỗi người trẻ tuổi phải nhanh chóng vươn lên đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo không ngừng. Vì vậy, có thể nói, “chín sớm”, trưởng thành nhanh được xem như là một phẩm chất của thế hệ trẻ, cả trong chiến đấu và trong xây dựng hòa bình. Nhất là trong bối cảnh phát triển vũ bão của thế giới hiện đại.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 đã trao lại cho thế hệ kế tiếp một giang sơn hùng vĩ, một kỷ nguyên độc lập thống nhất được đổi bằng bao nhiêu máu xương. Không thể để cho bất cứ thế lực nào, cả từ phía con người lẫn thảm họa tự nhiên, có thể xâm hại, tàn phá giang sơn gấm vóc này. Và thế hệ trưởng thành cùng 30 tháng 4 tiếp nối truyền thống cha anh đã lao vào cuộc chiến đấu mới chống lại các thế lực bành trướng ở biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam. Tiếp đó là hơn 40 năm xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sức trẻ thực sự được phát huy và được tin cậy chính là ở nội lực thực chất của nó. Thời kỳ cách mạng còn đang trong trứng nước, một thế hệ đã tự nguyện hiến dâng toàn bộ sức trẻ của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc bằng nhiệt huyết thực, không đắn đo. Cuộc khảo sát công bằng nhất là khảo sát của lịch sử. Nhà thơ Tố Hữu từng viết trong những ngày tù ngục của thực dân Pháp: Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai/ Là thân sống chỉ coi còn một nửa.  

Chuyển qua cơ chế thị trường, trước sức ép nhiều mặt, cuộc đấu tranh giữa quyền lợi cá nhân và lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng diễn ra quyết liệt hơn. Hài hòa lợi ích giữa “cái Tôi” cá nhân và “cái Ta” của cả đất nước, dân tộc là bài toán không dễ tìm ra đáp số. Nhưng bằng sức trẻ của mình - trẻ cả về thể chất lẫn về nhiệt huyết và tư duy - nhiều người trẻ tuổi giàu nhiệt huyết và bản lĩnh đã tự giải bài toán mà cuộc sống đang đặt ra.

Họ đã phát huy bản chất cần cù, thông minh của người Việt, bền bỉ phấn đấu làm chủ tri thức khoa học công nghệ, cập nhật những kiến thức mới nhất để vươn tới tầm trí tuệ nhân loại hiện đại, từ đó có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho đất nước, trong đó có cá nhân và gia đình mình. Họ tự trọng và tự nguyện tham gia những cuộc sát hạch nghiêm khắc nhất để chứng minh năng-lực-thực của mình mà không nhờ vả đến những tác động, những sự “gửi gắm” bên ngoài.

Những tên tuổi của Ngô Bảo Châu, Đặng Thái Sơn và hàng trăm, hàng ngàn những tài năng khác đã làm rạng danh cho trí tuệ và tài năng người Việt. Gần đây, tầm ảnh hưởng của sức trẻ Việt Nam còn được thể hiện mở rộng hơn trên nhiều lĩnh vực công nghệ thông tin, thể thao, nhan sắc Việt…, điều mà chỉ vài thập kỷ trước đây, khó mà nghĩ tới.

Tuy nhiên điều đáng nói, đáng suy nghĩ là không phải người trẻ tuổi nào cũng đủ bản lĩnh và tự trọng trong thể hiện năng lực thực tế của mình để có thể tìm được một chỗ đứng phù hợp trong guồng máy xã hội.

Thêm nữa, có một thời, câu chuyện công khai minh bạch không phải lúc nào cũng đặt ra một cách nghiêm khắc, đã tạo thêm cơ hội cho những “thí sinh” len lách qua những cuộc sát hạch luôn được che đậy bởi sự bảo đảm luôn luôn “đúng quy trình” nhưng thực ra vẫn còn rất nhiều khe hở. Một bộ phận những người trẻ tuổi thiếu năng lực nhưng nhiều tham vọng đã đi lên, đã thăng tiến bằng những lối đi “nhỏ hẹp nhưng an toàn” đó.

Hậu quả của nó là trong bộ máy công quyền của chúng ta đã tồn tại một loại công chức hữu danh vô thực, họ giống như một người được khoác trên mình chiếc áo quá rộng so với cơ thể; điều nguy hại hơn, là một số người tự tin, tự mãn với chiếc áo quyền lực quá rộng đó, trở nên xa rời quần chúng, đứng trên quần chúng, những người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gọi là những ông “quan cách mạng”. Dù tỷ lệ của họ rất ít trong cộng đồng xã hội nhưng cũng phần nào trở thành lực cản cho sự phát triển, làm giảm đi sức trẻ của xã hội.

Đảng và Nhà nước ta, bên cạnh chủ trương mạnh mẽ và nhất quán trong việc quan tâm đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ trẻ trên tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên cũng đã kịp thời đề ra những chủ trương xử lý nghiêm khắc những sai phạm trong công tác cán bộ, kể cả việc ngăn chặn từ khâu đầu vào của những kỳ thi, những đợt tuyển chọn nhân sự, nhằm bảo đảm công bằng cho tất cả những người trẻ tuổi có thực tài đều có cơ hội phát triển năng lực của mình.

Một số trường hợp đề bạt, cất nhắc theo lối “thần tốc” đã bị đưa ra ánh sáng, một số khác đã yên vị nhưng năng lực và phẩm chất không đáp ứng với vị trí được giao đã phải nhường chỗ cho những người xứng đáng. Gần đây nhất, những vụ việc gian lận trong thi cử ở một số địa phương đã được xử lý nghiêm khắc, công bằng, công tâm, tạo niềm tin vào công tác chọn lựa người có năng lực thực chất trong giới trẻ.

Đã 44 năm kể từ thắng lợi vĩ đại mùa Xuân 1975 lịch sử. Một thế hệ hoài thai trong chiến tranh, trưởng thành sau 1975 đang dần dần thay thế cho lớp cha anh, trở thành chủ công để bước vào thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, thế kỷ của hội nhập và phát triển. Và tiếp bước họ, lứa 8x, 9x đang đứng trước những thách thức của thời đại công nghệ 4.0. Có người so sánh những thách thức của chiến tranh với thách thức của cuộc chiến đấu chống nghèo nàn, lạc hậu, tụt hậu trong thời bình. Điều so sánh đó là cần thiết, vì quả thật, chiến tranh là sinh mạng một mất một còn, là phút giây sinh tử, là khoảnh khắc sống-chết.

Tuy nhiên, cuộc chiến nào cũng vậy, đều đòi hỏi ý chí, bản lĩnh và sự dấn thân. Đòi hỏi của đất nước ngày hôm nay đối với mỗi công dân - nhất là thế hệ trẻ - ngày càng to lớn. Rõ ràng là để thể hiện sức trẻ của mình, những người trẻ tuổi phải phấn đấu một cách thực chất, xuất phát từ khát vọng tự thân. Và điều quan trọng là sự phấn đấu không chỉ ở một số người có tính chất đại diện, tiêu biểu, mà phải là công việc của cả một thế hệ.

Chỉ có như vậy mới tạo được nguồn lực nội sinh mạnh mẽ của đất nước. Chỉ có như vậy, sức trẻ Việt Nam mới gánh vác sứ mệnh lịch sử, góp phần đưa dân tộc ta “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nào, trong buổi khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập năm 1945.  

NẠI HIÊN

;
;
.
.
.
.
.