Đà Nẵng những tháng đầu giải phóng 1975

Tổ chức hồi cư và phát động lực lượng trí thức

.

Thành phố Đà Nẵng với đặc thù là một đô thị lớn thứ hai miền Nam Việt Nam trước năm 1975 nên có một vị trí quan trọng trong việc thực hiện các chính sách của Trung ương và Khu ủy 5 ngay sau khi được giải phóng cũng như trong thời gian “hỗ trợ” giải phóng Sài Gòn cho đến lúc sáp nhập tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Trong đó, có hai nhiệm vụ cấp bách của đô thị Đà Nẵng là tổ chức dân hồi cư và phát động lực lượng trí thức, để nhanh chóng ổn định tình hình, góp phần cùng Khu ủy 5 và Trung ương đề ra các chính sách phù hợp cho các đô thị miền Nam.

Đọc quyết tâm thư tại Lễ đài Sân vận động Chi Lăng ngày 15-5-1975. (Ảnh tư liệu)
Đọc quyết tâm thư tại Lễ đài Sân vận động Chi Lăng ngày 15-5-1975. (Ảnh tư liệu)

Tổ chức cho dân hồi cư

Số liệu báo cáo cho biết, ngay trước thời điểm giải phóng (3-1975), thành phố Đà Nẵng có trên 40 vạn dân của các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và các huyện phía nam của Đặc khu Quảng Đà, cùng với gần 15 vạn binh lính, sĩ quan, công chức, viên chức của chính quyền Sài Gòn.

Tính riêng tại quận I Đà Nẵng “có trên 2 vạn người, khoảng 35 vạn người trong diện di tản vào tháng 3-1975 đang sống chen chúc nhiều nơi trong thành phố, nhiều người đang bị đói khát” (1). Việc đưa số dân này hồi cư về quê cũ là nhiệm vụ có tính cấp bách, vừa bảo đảm cho việc tổ chức, quản lý thành phố với tính chất riêng biệt, vừa bảo đảm cho việc cung cấp lực lượng lao động ở nông thôn sau giải phóng.

Chính vì vậy, ngày 4-4-1975, Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Hồ Nghinh gửi Trung ương, đồng gửi Ban miền Nam Mật điện số 02/B05, nêu rõ: “Đồng bào Trị Thiên bị địch cưỡng ép vào Đà Nẵng hiện còn trên 30 vạn đang gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng chúng tôi thiếu phương tiện vận tải để đưa số đồng bào này trở lại địa phương. Đề nghị xin Trung ương cho 100 xe ca Hải Âu để vào chở số này trong thời gian ngắn. Đường từ Hà Nội vào Đà Nẵng thông suốt xe chạy liên tục 4 ngày đến nơi. Nếu các anh đồng ý đề nghị trả lời cho biết ngay để kịp thời tổ chức.

Tình hình giá cả tại Đà Nẵng nhảy vọt, quần chúng xôn xao bàn tán về đồng bạc miền Nam không còn giá trị nên chạy đua mua vàng. Các cửa hiệu đóng cửa chưa bán, đời sống quần chúng có khó khăn” (2).

Vì thực hiện các biện pháp đồng bộ trong việc tổ chức dân hồi cư (cho cả đồng bào ở gần và ở xa thành phố), nên công tác này thực sự góp phần vào việc nhanh chóng ổn định tình hình Đà Nẵng trong những tháng đầu sau giải phóng.

Xin dẫn chứng số liệu thống kê tình hình dân số Đà Nẵng trước và sau giải phóng để thấy kết quả công tác này. Cụ thể như sau: “Tính đến 30-5-1975, “trước giải phóng: quận I: 175.456 người; quận II: 182.204 người; quận III: 130.814 người. Sau giải phóng: quận I: 125.623 người; quận II: 92.116 người; quận III: 91.045 người. Trong đó số người trong tuổi lao động có: quận I: 55.854 người, quận II: 40.907 người, quận III: 37.397 người” (3).

Theo đó, trước giải phóng, tổng dân số của thành phố (3 quận) là 488.474 người, thì đến cuối tháng 5-1975 giảm xuống còn 226.247 người (hơn 50%). Rõ ràng, tình hình dân số Đà Nẵng có giảm dần qua công tác vận động về quê cũ.

Một vấn đề có tính bổ sung trong công tác cho dân hồi cư là công tác tiếp nhận cán bộ để đảm nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ ở đô thị Đà Nẵng, vì thực tế việc lãnh đạo, tổ chức thực hiện đời sống nhân dân khu vực đô thị đòi hỏi nhiều sự năng động, sáng tạo, bởi vì đây là công việc mới mẻ.

Trong Mật điện số 09/B06 ngày 20-4-1975, Khu ủy 5 gửi Ban Bí thư báo cáo như sau: “Khu đã điều 1.600 cán bộ gồm 110 đại học, 87 trung cấp, 400 sơ cấp về giúp các tỉnh tiếp quản, riêng Đà Nẵng là 600. Ủy ban Quân quản thành phố Đà Nẵng có 9 đồng chí do đồng chí Phước (Hồ Nghinh) - Thường vụ Khu ủy làm Chủ tịch, 2 đồng chí thiếu tướng và đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy làm Phó Chủ tịch” (4).

Theo đó, kết quả qua một số nơi như sau: “Cảng Đà Nẵng có 5 đại học và trung cấp của Khu về ty (giám đốc cảng và các trưởng ty của địch bỏ đi), như vậy là bước đầu nắm tình hình và có bộ phận đã hoạt động. Sân bay do quân sự tiếp quản, riêng bộ phận xưởng và cơ quan khoa học kỹ thuật có 600 nhân viên của địch, còn lại 300 ở vài bộ phận như điện, tổng đài điện thoại đã có mấy công nhân viên ra làm việc. Máy móc rất hiện đại, đang kiểm kê có bộ phận đã hoạt động. Ở các bệnh viện, trường học, số giáo viên, nhân viên của địch ở lại nhiều đã phục hồi hoạt động gần được bình thường. Có cơ sở như điện ở quận III thuộc Đà Nẵng do thiếu cán bộ kỹ thuật nên còn khó khăn” (5).

Công tác phát động lực lượng trí thức

Ngay sau giải phóng, ngày 2-4-1975, Đặc Khu ủy Quảng Đà ban hành Chỉ thị về những nhiệm vụ cấp bách trước mắt, trong đó có yêu cầu: “Tổ chức nắm chặt các giới (chú ý công nhân lao động); chú ý công tác mặt trận, tôn giáo, trí thức, tư sản... Dựa vào công nhân, nhân dân lao động, nông dân, đoàn kết toàn dân, lấy công nông làm nền tảng, mở rộng Mặt trận Dân tộc giải phóng, thu hút tư sản, trí thức lớp trên, phú nông, nhân sĩ yêu nước tiến bộ và các tôn giáo, nhất là Phật giáo, không có mặt trận liên minh, lực lượng thứ ba” (6).

Theo đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đà Nẵng thời gian này là thực hiện các đợt phát động lực lượng trí thức Quảng Đà, gồm sinh viên; giáo chức cấp II, III; kỹ sư (kể cả cán bộ kỹ thuật trung cấp); bác sĩ (kể cả y sĩ, nha sĩ, dược sĩ, nữ hộ sinh quốc gia); giới luật sư... Đây là một lực lượng tương đối đông đảo, nhằm phổ biến các chính sách của Đảng về hòa hợp dân tộc, về xây dựng phát triển kinh tế để tất cả các thành phần, để nói lên nguyện vọng chính đáng của mình, tham gia xây dựng quê hương, đất nước.

Đợt phát động bắt đầu từ ngày 11-7-1975, Đoàn cán bộ của Khu 5 đã họp với Ban Vận động Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng Quảng Đà với cán bộ địa phương để nắm tình hình các mặt của sinh viên, giáo chức Quảng Đà.

Trên thực tế, sau giải phóng, tại Quảng Đà (chủ yếu ở Đà Nẵng), “sinh viên có số lượng: 352 người (chỉ tính số có đăng ký), Sài Gòn về 424 người, Huế về 247 người, Đà Lạt về 48 người, Nha Trang - Cần Thơ về 8 người, tổng 1.071 người, trong số này, nữ chiếm 40%.

Thành phần sinh viên của Quảng Đà (kể cả số nơi khác về) phần lớn là con em tầng lớp dưới (khoảng 70%)” (7). Số đi học ở Sài Gòn về phần lớn cũng là sinh viên nghèo, thường học giỏi, tiến bộ. Xu hướng học tập là toán, lý hóa, phần sư phạm và văn yếu. Phần lớn số sinh viên học tại Quảng Đà đã tham gia các lực lượng sinh viên, học sinh bảo vệ Đà Nẵng.

Để bảo đảm kế hoạch tiến hành tốt, Khu ủy 5 phối hợp với Đặc khu Quảng Đà thành lập Đoàn phát động gồm: Ông Lê Huấn - Phó ban Tuyên huấn Khu làm Trưởng đoàn; ông Phạm Hồng Quang (Tân) - Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng Quảng Đà làm Phó Trưởng đoàn; thành viên là đại diện các cơ quan, đoàn thể liên quan. Đoàn đã chọn phương pháp “để cho anh chị em suy nghĩ nói hết những thắc mắc từ trong đáy lòng mình rồi mới lên lớp trình bày những vấn đề theo yêu cầu của mình, kết hợp chặt chẽ với việc giải đáp những thắc mắc cụ thể của quần chúng. Sau đó, lại để anh chị em thảo luận, tạo không khí cởi mở, không gò bó” (8).

Cuộc sống của nhân dân Đà Nẵng nhanh chóng ổn định trong chế độ mới. (Ảnh tư liệu)
Cuộc sống của nhân dân Đà Nẵng nhanh chóng ổn định trong chế độ mới. (Ảnh tư liệu)

Ngày 11-7-1975, Đoàn phát động họp với Hội Liên hiệp sinh viên giải phóng Quảng Đà về tình hình sinh viên; sau đó, họp với cán bộ trong Ban Chấp hành Công đoàn Quảng Đà, Ban Liên lạc trí thức Ty Giáo dục, đại biểu khối trường tư thục nghe tình hình giáo chức, y bác sĩ, kỹ sư, luật sư.

Từ ngày 12 đến ngày 14-7-1975, đoàn phân công một số cán bộ đi thăm các đối tượng và họp với số cán bộ kháng chiến cũ, đảng viên cũ; tối ngày 14-7, họp rút kinh nghiệm đợt đi thăm; chiều ngày 16-7, họp chung giữa Đoàn phát động của Khu và Đặc khu Quảng Đà thành lập Đoàn phát động sinh viên trí thức Quảng Đà. Từ ngày 18-7 đến 26-7-1975, bồi dưỡng cốt cán cho các khối: Khối sinh viên từ ngày 18 đến 25-7; khối giáo chức từ 19 đến 26-7; khối bác sĩ, kỹ sư làm ban đêm bắt đầu từ 19 tháng 7.

Từ ngày 28 đến 20-7, bắt đầu đợt tập huấn cho toàn bộ giáo viên cấp III và số cán bộ kháng chiến cũ. Từ ngày 5 đến ngày 10-8, tập huấn cho toàn bộ giáo viên cấp II Quảng Đà. Từ ngày 4-8-1975, tập huấn cho 600 sinh viên” (9). Đợt phát động này thực sự là một sinh hoạt chính trị sâu rộng đối với lực lượng trí thức sau giải phóng, qua đó nhằm tập hợp đoàn kết toàn dân, nhất là thanh niên trí thức, kêu gọi họ cùng chung tay phấn đấu xây dựng quê hương trong những tháng sau giải phóng thành phố Đà Nẵng.

Tóm lại, với hai nhiệm vụ cấp bách là tổ chức dân hồi cư và phát động lực lượng trí thức, thành phố Đà Nẵng đã góp phần cùng Khu ủy 5 và Trung ương thực hiện tốt các nhiệm vụ to lớn hơn ở miền Nam, nhất là cùng với Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh thực hiện đúng vai trò trung tâm của mình.

Võ Hà

(1) Đảng bộ quận Hải Châu: Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng, phát triển quận Hải Châu (1930-2005), Nxb. Đà Nẵng, 2005, tr. 235.

(2) Mật điện số 02/B05 ngày 4-4-1975. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

(3) Tổng số thôn xã Quảng Đà đến ngày 30-5-1975. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

(4) Mật điện số 09/B06 ngày 20-4-1975. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

(5) Mật điện số 09/B06 ngày 20-4-1975, đã dẫn.

(6) Chỉ thị số 05/CT ngày 2-4-1975 về những nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

(7) Báo cáo đợt phát động các lực lượng trí thức Quảng Đà 1975. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.

(8) Báo cáo đợt phát động các lực lượng trí thức Quảng Đà 1975, đã dẫn.

(9) Báo cáo đợt phát động các lực lượng trí thức Quảng Đà 1975, đã dẫn.

 


 

;
;
.
.
.
.
.