Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động hỗ trợ nạn nhân da cam

.

Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng (Hội) có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực trong chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam; tuy nhiên cũng còn gặp một số khó khăn, nhất là trong việc huy động tài trợ.

Trước thềm Đại hội Hội lần thứ 4 (nhiệm kỳ 2018-2023), phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Tô Năm, Chủ tịch Hội, về tình hình hoạt động và những nhiệm vụ trong thời gian đến.

Người nước ngoài giao lưu với trẻ em là nạn nhân da cam tại Đà Nẵng.
Người nước ngoài giao lưu với trẻ em là nạn nhân da cam tại Đà Nẵng.

* Xin ông cho biết kết quả nổi bật của Hội trong thời gian qua, nhất là những hoạt động hỗ trợ các nạn nhân da cam học nghề, hỗ trợ vốn, sinh kế?

Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng.
Ông Tô Năm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Đà Nẵng.

- Vận động quỹ Hội là công tác trọng tâm của chúng tôi nhằm tạo điều kiện cho Hội có nguồn thu ổn định để duy trì và tổ chức các hoạt động hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng và tại các cơ sở thuộc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh do Hội quản lý.

Bằng nhiều chương trình, hình thức đa dạng và thông qua các hoạt động tuyên truyền, chúng tôi đã kêu gọi, vận động và nhận được sự quan tâm ủng hộ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với gần 60 tỷ đồng (bao gồm hỗ trợ tiền, quà, trang thiết bị, nhu yếu phẩm và các nguồn dự án…).

Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam tại cộng đồng luôn được Hội quan tâm và đầu tư. Từ nguồn kinh phí vận động, Hội đã bố trí hơn 10,7 tỷ đồng để phục vụ các hoạt động: tặng quà, hỗ trợ vốn buôn bán nhỏ, vốn chăn nuôi, sản xuất, hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà tình thương, trợ dưỡng thường xuyên và hỗ trợ học bổng cho các cháu có điều kiện học tập…

Nổi bật nhất là việc tổ chức và duy trì tốt mô hình chăm sóc bán trú tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh, mô hình Trung tâm Xông hơi, giải độc và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam. Đó là điểm đến thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế, các nhà tài trợ trong và ngoài nước.

Công tác tuyên truyền đối ngoại của Hội thời gian qua đã góp phần mở rộng việc giao lưu, quảng bá rộng rãi các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; qua đó, nhiều tổ chức nhân đạo, nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiểu rõ hơn các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam, góp tiếng nói chung ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Điều đó đã tác động tích cực đến kết quả vận động tài trợ cả trong và ngoài nước, giúp bảo đảm kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu của Hội. Chúng tôi đã tiếp đón và làm việc với hơn 100 tổ chức và gần 500 cá nhân người nước ngoài đến thăm, tìm hiểu và hỗ trợ cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn thành phố.

Tính từ năm 2015 đến nay, chúng tôi đã triển khai thực hiện các dự án, các nguồn viện trợ lẻ; các tổ chức, cá nhân quốc tế đã hỗ trợ Hội gần 10 tỷ đồng (hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tiền, quà, trang thiết bị....).

* Được biết, thời gian qua, Hội gặp một số khó khăn trong công tác kêu gọi, vận động tài trợ. Hội sẽ làm gì để khắc phục những khó khăn đó thưa ông?

- Đúng là trong thời gian qua, chúng tôi gặp một số khó khăn. Công tác kêu gọi vận động quỹ còn chồng chéo, bất cập, vì nhiều tổ chức, cá nhân cùng vận động, nhiều nhà tài trợ hiện nay đã chuyển hướng hỗ trợ cho các tổ chức xã hội khác.

Việc nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu ở trung tâm và cộng đồng đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, trong khi nguồn tài chính của Hội ngày một eo hẹp. Chỉ tính riêng mỗi tháng, Hội phải chi lo ăn uống, đưa đón các cháu, chi trả lương cho các nhân viên và hoạt động khác lên đến 150 triệu đồng.

Bên cạnh đó, một số quận, huyện Hội hoạt động chưa đều, chưa thực sự chủ động trong công việc, lúng túng trong hoạt động gây quỹ và vận động tài trợ nên nguồn kinh phí chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chưa nhiều.

Các chi hội ở xã, phường không có kinh phí hoạt động, cán bộ kiêm nhiệm không lương nên hoạt động còn khó khăn. Hiện cũng có nhiều nạn nhân chưa được trợ giúp, mức trợ dưỡng thường xuyên đối với các cháu còn thấp (100.000 đồng/cháu), chưa thực sự giảm bớt gánh nặng cho gia đình các nạn nhân.

Thời gian đến, chúng tôi rất cần sự quan tâm hơn nữa từ Trung ương Hội, Thành ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các ngành, đoàn thể thành phố Đà Nẵng, sự phối hợp với các đơn vị tổ chức sự kiện để vận động quỹ.

Cụ thể, Hội sẽ tổ chức các chương trình như: “Mùa Xuân cho em”, “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam”... để kêu gọi và kết nối với các nhà tài trợ trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm dự án hỗ trợ cho hoạt động Hội. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức, cá nhân nhận trợ dưỡng thường xuyên cho nạn nhân chất độc da cam ở cộng đồng và vận động hỗ trợ các trang thiết bị, dụng cụ cho trung tâm hoạt động.

Các quận, huyện Hội nghiên cứu phối hợp với Phòng Giáo dục-Đào tạo các quận, huyện thành lập các chi hội nạn nhân chất độc da cam để chỉ đạo giáo dục học sinh về hậu quả chất độc hóa học và vận động hỗ trợ giúp đỡ nạn nhân.

Chúng tôi cũng sẽ tiến hành rà soát số liệu về nạn nhân chất độc da cam để có kế hoạch toàn diện về hỗ trợ, chăm sóc nạn nhân; đồng thời vận động kết nạp hội viên và thành lập các câu lạc bộ tình nguyện tham gia hoạt động của Hội.

* Việc dạy nghề cho các em ở các Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh như thế nào? Làm sao để phát huy hiệu quả thưa ông?

- Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố duy trì hoạt động tốt tại 2 cơ sở ở quận Thanh Khê và huyện Hòa Vang. Một số hoạt động thường xuyên tại trung tâm như: nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy học, phục hồi chức năng, các hoạt động vui chơi… nhằm giúp các em từng bước phục hồi chức năng về vận động và trí tuệ.

Đặc biệt, đối với một số em tiến bộ, các chức năng vận động về tay chân dần phục hồi, chúng tôi tiếp tục sàng lọc và áp dụng hình thức đào tạo nghề phù hợp, với một số nghề đơn giản như: làm hoa, đan cườm, làm nhang, học may, học vi tính... để giúp các cháu tự tin, hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng hệ thống trồng rau sạch, cơ sở làm nấm, chăn nuôi heo, gà…

Xác định công tác giáo dục hòa nhập cho nạn nhân chất độc da cam là hoạt động nhân văn sâu sắc, thời gian đến, chúng tôi tăng cường công tác quản lý và thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp giáo dục hòa nhập cho nạn nhân chất độc da cam và trẻ khuyết tật.

Trong bối cảnh nguồn kinh phí hạn hẹp, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động sự hỗ trợ của cộng đồng đối với nạn nhân chất độc da cam. Đó cũng là nền tảng cơ bản để từng bước đưa công tác giao quyền tự chủ cho các Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh.

* Xin cảm ơn ông.

PHƯƠNG TRÀ (thực hiện)

;
.
.
.
.
.
.