Niềm vui của người làm báo, đôi khi chỉ có thế!

.

Một ngày nửa cuối tháng 5-2018, tôi nhận tin nhắn: “Anh ơi, người dân đang chặn xe từ sáng sớm đến nay… Nếu có thể anh lên đưa tin giúp bà con”. Người nhắn tin ở tận thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Đồng hồ điểm đúng 12 giờ 10. Vợ nhìn tôi và hỏi: “Ôi, anh lại đi à?”.

Một bạn đọc 99 tuổi đến gửi đơn kiến nghị tại Báo Đà Nẵng. Ảnh: TRỌNG HUY
Một bạn đọc 99 tuổi đến gửi đơn kiến nghị tại Báo Đà Nẵng. Ảnh: TRỌNG HUY

Con đường từ quận Sơn Trà về xã Hòa Bắc không xa lạ với tôi. Tôi cứ nghĩ chỉ cần đi tầm hơn 30 phút là đến nơi nên hứa với người báo thông tin như thế. Nhưng khi vượt qua đường Nguyễn Tất Thành nối dài để rẽ sang đường ĐT 601 - đoạn qua xã Hòa Liên, tôi buộc phải đi chậm lại vì ổ trâu, ổ gà ngổn ngang, lại thêm nắng chói chang…

Bắt đầu từ cầu chui đường tránh Nam hầm Hải Vân, đường bớt hục nhưng có chướng ngại vật đáng sợ hơn nhiều. Đá cục nhỏ như ngón tay lổn nhổn khắp mặt đường. Chạy dọc đoạn này về thôn Nam Mỹ có rất nhiều chướng ngại vật do người dân sống dọc hai bên đường đặt để ngăn cản tốc độ của xe tải. Chướng ngại vật là tất cả những vật dụng cũ, từ tivi, bàn ghế, sofa, bình nước, can nhựa, đến thanh gỗ, hay bất cứ thứ gì có thể cản được tốc độ xe tải chạy công trình.

Từ đầu thôn Nam Mỹ, vượt qua dốc tiến về phía thôn Giàn Bí là dãy dài xe tải chạy phục vụ công trình thi công dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan) nối đuôi nhau. Tôi đến nhà ông Huỳnh Hận, người “đứng đầu” hành động chặn xe tải vì bức xúc khi mấy ngày qua không có đơn vị thi công nào tưới nước trên đường để giảm bụi.

Lúc này, tôi mới phát hiện ra khắp người mình phủ bụi dày, từ mắt kính, khẩu trang đến áo quần vàng thẫm một màu. Tôi ghi nhận sự việc, lắng nghe ý kiến các bên, trong đó có ý kiến của người dân và chính quyền địa phương xã Hòa Bắc, rồi vội về trụ sở báo để viết bài cho kịp gửi tòa soạn. Bài được đăng ngay trong số báo ra sáng hôm sau.

4 ngày sau, vẫn người báo tin đó nhắn cho tôi lúc hơn 22 giờ rằng, sáng mai sẽ có cuộc họp liên ngành do Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì để thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố về giải quyết các kiến nghị, phản ánh xe thi công công trình chạy gây bụi, ô nhiễm môi trường. Nhưng tôi không có giấy mời dự họp, chẳng biết có được vào hay không. Rất may, dù đó là cuộc họp kín nhưng tôi vẫn vào được, chứ không thì tôi sẽ bị “chế tài” vì để sót thông tin. Lần này, bài cũng được đăng trong số báo ra sáng hôm sau.

Đoàn xe tải trọng lớn phục vụ thi công dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan) dừng trên đường kéo dài khoảng 2km do bị người dân chặn lại tại khu vực thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.
Đoàn xe tải trọng lớn phục vụ thi công dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan) dừng trên đường kéo dài khoảng 2km do bị người dân chặn lại tại khu vực thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang.

Trong gần chục năm làm báo, phụ trách công tác Bạn đọc, tôi nhận rất nhiều cuộc gọi, tin nhắn vào thời điểm bất chợt như thế, lúc giữa trưa, lúc đêm khuya… Dẫu vậy, không phải cứ ai gọi, ai nhắn là xách xe chạy. Dĩ nhiên, tôi phải tự mình phân tích, đánh giá tình huống và nội dung phản ánh để có định hướng tốt nhất khi xử lý vụ việc. Nhưng có lúc dù đã phân tích kỹ, vượt quãng đường khá xa để đến nơi thì cũng không thể viết được gì bởi mức độ nghiêm trọng của vụ việc không như nội dung phản ánh, thậm chí trái ngược hẳn. 

Có vụ việc xảy ra cách đây đã khá lâu trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), một người đàn ông góa vợ, không con, khiếu nại nhà bên cạnh lấn một đường luồng đi lại khoảng 16m2. Sau khi sự việc được phản ánh trên báo, các cơ quan chức năng vào cuộc, đường luồng về lại với chủ. Người đàn ông này đến Phòng Bạn đọc - Báo Đà Nẵng báo tin vui và giúi vào tay tôi 200.000 đồng, nói rằng “cảm ơn em nhiều lắm”. Ông cũng giúi vào tay trưởng phòng 200.000 đồng. Tất nhiên, chúng tôi cảm ơn và từ chối.

Ông Nguyễn Văn Xứng, “già làng” Làng Vân, những lần đầu gặp tôi thì tỏ ra thiếu thiện cảm, thậm chí xua đuổi chỉ vì… không tin nhà báo. Nhưng về sau, lúc nào tôi đến nhà, ông cũng chỉ vào tủ lạnh và bảo rằng đã dành bia để chờ tôi. Suốt hơn năm nay tôi không ghé nhà ông. Thi thoảng tôi điện thoại, ông cứ hỏi thăm về sức khỏe của gia đình ra sao, công việc của tôi có ổn không, ân cần cứ như một người thân thiết. Niềm vui người làm báo, với tôi, đôi khi chỉ có thế!

TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.
.