Buông lỏng quản lý chung cư

.

Sau thời gian ngắn siết chặt quản lý chung cư, thu hồi căn hộ chung cư sử dụng không đúng đối tượng, tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu đầu tư sửa chữa hiện tái diễn; điển hình là chung cư phía bắc đường Phan Tứ, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.

Người dân thiếu chỗ để xe nhưng bảo vệ chiếm dụng nhiều diện tích để sử dụng riêng.  Trong ảnh: Cảnh sản xuất, sinh hoạt nhếch nhác ở chung cư do gia đình bảo vệ chiếm dụng.
Người dân thiếu chỗ để xe nhưng bảo vệ chiếm dụng nhiều diện tích để sử dụng riêng. Trong ảnh: Cảnh sản xuất, sinh hoạt nhếch nhác ở chung cư do gia đình bảo vệ chiếm dụng.

Khu chung cư (KCC) phía bắc đường Phan Tứ (thuộc tổ dân phố 32, phường Mỹ An) được đưa vào sử dụng từ năm 2004 với khoảng 50 căn hộ. Thế nhưng, suốt nhiều năm qua, số hộ có nhu cầu ở và sinh hoạt tổ dân phố thường xuyên khoảng 50%.

Việc này cho thấy 50% số căn hộ đã không được sử dụng đúng đối tượng có nhu cầu về nhà ở và chuyển sang cho thuê. Tình trạng cho thuê căn hộ diễn ra công khai nhưng không được Nhà trưởng và Công ty Quản lý nhà chung cư ngăn chặn.

Ông Hà Có, tổ phó tổ dân phố 32 cho biết, các hộ có chung cư cho thuê phần lớn là người ở Hà Nội, Hải Phòng và không thường xuyên có mặt tại KCC. Từ một KCC được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách để bố trí chỗ ở cho hộ giải tỏa, hộ gia đình chính sách và viên chức thành phố, nay có quá nhiều căn hộ được những người đến từ các địa phương khác thuê.

Cụ thể, ngay tầng 1 KCC, phòng số 102, 105, 109, 110 được cho thuê suốt nhiều năm qua. Trong đó, căn hộ 110 vừa bị thu hồi do sử dụng sai mục đích, nhưng ngay sau đó lại bố trí cho đối tượng khác thì được mua bán sang nhượng. Hiện căn hộ được cho thuê với hình thức đối phó kiểm tra bằng việc đóng cửa trước, mở cửa sau phía đường An Thượng 8 để người thuê sinh hoạt.

Do có vị trí thuận lợi gần biển, môi trường và không gian sống thoáng đãng nên KCC phía bắc đường Phan Tứ được các đối tượng ngoài thành phố đến chuyển nhượng, mua bán. Gần 50% số căn hộ chung cư đã được chuyển nhượng qua nhiều hình thức. Người chuyển nhượng phần lớn không dùng để ở mà cho thuê hoặc làm nơi lưu trú cho gia đình trong dịp hè.

Có hộ đầu tư nhiều bất động sản cho thuê nhưng đến chung cư sang nhượng căn hộ hoặc thuê lại căn hộ để ở. Từ đây, họ đưa nhiều ô-tô đến đậu đỗ, chiếm dụng không gian để xe máy của cư dân, chiếm không gian sinh hoạt của cộng đồng cũng như nơi vui chơi đi lại của trẻ em trong khu chung cư, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, trong khi những người sinh sống trong KCC thiếu chỗ để xe.

Một điều đáng nói là rất khó khăn mới biết ai là Nhà trưởng KCC được Công ty Quản lý nhà chung cư thành phố hợp đồng bảo vệ. Bởi lẽ, Công ty Quản lý nhà chung cư đã sử dụng một thanh niên tên Khương làm Nhà trưởng.

Do ông Khương đi làm công nhân nên công việc bảo vệ được giao phó cho 2 phụ nữ là mẹ và chị gái của ông Khương. Gia đình ông Khương tự ý chiếm dụng 2 căn phòng trực bảo vệ làm kho riêng để chứa đồ đạc, chiếm không gian nhà để xe chung cư làm nơi gia công giấy bao bì và đặt giường ngủ cho gia đình.

Cảnh sinh hoạt, nằm ngủ bất kỳ thời gian nào trong ngày diễn ra ngay lối chính ra vào, làm bộ mặt KCC nhếch nhác, thiếu văn hóa. Để tăng thu nhập cho gia đình, người nhà của Khương còn nhận giữ ô-tô, xe máy từ bên ngoài; thậm chí để xe máy tràn sang cửa căn hộ của cư dân và hành lang sử dụng chung.

Cùng với đó, nhiều ý kiến phản ánh tình trạng xuống cấp của chung cư kéo dài đã không được Công ty Quản lý nhà chung cư tiếp nhận sửa chữa, tu bổ công trình. Người dân phản ánh thông qua tổ dân phố nhưng không được đơn vị chức năng xử lý.

Bài và ảnh: CẨM KIM

;
.
.
.
.
.