Chính trị - Xã hội

Nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu

08:07, 25/10/2017 (GMT+7)

Sáng 24-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 3 năm 2018-2020. Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng thảo luận cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Gia Lai, Hậu Giang, Lai Châu.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn phát biểu thảo luận ở tổ. Ảnh: PHẠM HỮU HOA
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn phát biểu thảo luận ở tổ. Ảnh: PHẠM HỮU HOA

Phát biểu thảo luận, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang cho rằng, KT-XH nước ta năm 2017 tiếp tục chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng được cải thiện.

Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Thanh Quang, nền kinh tế nước ta vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức như công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút, sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu chững lại. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công chậm, nợ công ngày càng gia tăng và áp lực trả nợ ngày càng khó khăn.

Hiệu quả quản lý Nhà nước về xã hội, tài nguyên, môi trường, quy hoạch đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm yếu kém. Tình hình thiên tai, bão, lũ diễn biến phức tạp, bất thường ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, đời sống một bộ phận dân cư còn gặp khó khăn.

Về các chỉ tiêu chủ yếu năm 2017, ĐB Nguyễn Thanh Quang đề nghị cần bổ sung, cụ thể hóa số liệu chứng minh và giải trình để tăng độ tin cậy và tính xác thực của những nhận xét, đánh giá, nhất là kết quả thực hiện một số nội dung, chỉ tiêu kế hoạch trên các lĩnh vực như: chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng, giảm kim ngạch xuất - nhập khẩu, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hiệu quả KT-XH đầu tư từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ; tội phạm và tệ nạn xã hội; phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; vệ sinh an toàn thực phẩm…

ĐB Nguyễn Thanh Quang cho rằng, bội chi, thâm hụt ngân sách triền miên và ở mức khá cao tất yếu dẫn đến nợ công tăng nhanh. ĐB đề nghị Quốc hội và Chính phủ phải dành sự quan tâm đặc biệt, thường trực và chỉ đạo quyết liệt, trong đó tập trung tất cả các nguồn lực gia tăng quy mô và nâng cao hiệu quả nền kinh tế, tạo ra, nuôi dưỡng các nguồn thu ngân sách ngày càng lớn, đa dạng và bền vững.

Cùng với đó, đẩy mạnh hơn nữa thực hành triệt để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách, phấn đấu giảm dần bội chi ngân sách, thực hiện thành công chiến lược quản lý nợ công và tài chính đến năm 2020. ĐB đề nghị cần làm rõ con số báo cáo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng ở mức dưới 3%, vì thực chất nợ xấu toàn nền kinh tế vẫn còn ở mức cao là điều thực sự đáng lo ngại.

ĐB đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần chủ động theo dõi, kiểm soát chặt chẽ hoạt động này sao cho tín dụng phải tăng trưởng lành mạnh, hiệu quả, phù hợp với khả năng hấp thụ, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, tập trung các lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ, tránh đổ vào lĩnh vực có rủi ro; tránh chạy theo chỉ tiêu giao, xem nhẹ các nguyên tắc tín dụng, gây nguy cơ tăng nợ xấu.

Về giáo dục và đào tạo, ĐB Nguyễn Thanh Quang cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quyết định đến phát triển KT-XH trước mắt và lâu dài, đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế tri thức. Trước mắt, cần ổn định kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng để ổn định hệ thống giáo dục phổ thông cũng như xã hội.

Chuẩn bị nguồn lực cho kế hoạch đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể sau năm 2019, trong đó cần phải đầu tư quy hoạch lại hệ thống các trường đại học sư phạm gắn với các cơ chế đặc thù. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với hệ thống giáo dục quốc gia và phát triển KT-XH.

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn nhận định, cơ cấu kinh tế năm 2017 chuyển dịch theo hướng tích cực. Ngành dịch vụ vươn lên trở thành ngành có tỷ trọng đóng góp vào GDP cao nhất (chiếm hơn 40% GDP).

Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vừa là động lực tăng trưởng, vừa giúp Việt Nam thực hiện định hướng công nghiệp hóa, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, vừa đóng góp lớn vào xuất khẩu. Tuy nhiên, tăng trưởng của Việt Nam quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cơ cấu ngành công nghiệp cũng có sự thay đổi từ khai khoáng sang những ngành mới như: công nghiệp chế biến, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử viễn thông, hóa chất…

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò then chốt trong tăng trưởng giá trị sản xuất của nền kinh tế; chuyển dịch từ các ngành thâm dụng tài nguyên và lao động đến các ngành thâm dụng vốn và công nghệ. Những mặt hàng lớn của nước ta như điện tử, linh kiện điện tử, dệt may, gia dày, gạo, hàng thủy sản, máy móc, trang thiết bị, đồ gỗ, cà-phê, dầu thô… có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp mặc dù các ngành này cũng đã có những cải tiến trong áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa thật sự như mong đợi.

Tác động của các yếu tố đổi mới sản xuất, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao chất lượng lao động tuy có góp phần làm giá trị gia tăng tăng thêm nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn. Việc cơ cấu lại vùng kinh tế chưa được quan tâm đúng mức, không gian phát triển còn chia cắt theo địa giới hành chính, thiếu thể chế tạo liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng.

Theo ĐB Nguyễn Bá Sơn, hiện nay nước ta có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, tương đương khoảng 11% dân số cả nước. Riêng số người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đã có 2 triệu người. Đa số người cao tuổi gặp khó khăn về vật chất. Trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi, chưa có các hệ thống chăm sóc dài hạn, cung ứng việc làm cho người cao tuổi…

ĐB Nguyễn Bá Sơn cho rằng, chính những điều này đặt ra thách thức lớn, có tác động lâu dài cho đất nước trên tất cả các lĩnh vực đời sống KT-XH như tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tích lũy, lao động, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, thiết kế hạ tầng… trong đó có công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

PHẠM HỮU HOA

.