Chính trị - Xã hội

Hội nghị Trung ương 6 bàn và quyết định nhiều vấn đề quan trọng

10:29, 04/10/2017 (GMT+7)

Sáng 4-10, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc trọng thể tại thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: Trong những năm qua, Đảng ta đã ban hành và thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới. “Tuy nhiên, đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý”, Tổng Bí thư nhấn mạnh. đồng thời cho rằng tổ chức bộ máy của khối MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp công lập chậm được đổi mới; tổ chức và biên chế ngày càng phình to; số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ “hàm” không hợp lý. Bên cạnh đó là cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập; số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều, trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; không nôn nóng từ cực nọ nhảy sang cực kia; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.

Các nhiệm vụ và giải pháp đề ra phải phù hợp, khả thi, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, góp phần giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị cũng như các tổ chức cụ thể của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị​ - xã hội, nhất là tổ chức bộ máy bên trong từng cơ quan, đơn vị…

Xã hội hóa nhưng không thương mại hóa

Trong yêu cầu đổi mới, sắp xếp bộ máy nói chung, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, chưa kể tổ chức, biên chế trong công an, quân đội và khu vực doanh nghiệp Nhà nước, cả nước có khoảng 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với 2,5 triệu biên chế; giữ vai trò chủ đạo, cung cấp hầu hết dịch vụ sự nghiệp công, liên quan đến mọi người, mọi nhà và toàn xã hội.

Tổng Bí thư đề nghị tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; phân tích sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, cần được tiến hành đồng bộ, quyết liệt nhưng thận trọng, vững chắc và đặt trong tổng thể tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; sự cần thiết phải đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công (xã hội hóa nhưng không thương mại hóa), phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế. Cần xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân; vai trò, vị trí của các đơn vị sự nghiệp công lập trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Từ đó, đề ra quan điểm, mục tiêu và định hướng tiếp tục đẩy mạnh đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với bảo đảm ổn định chính trị, xã hội nói chung và từng ngành, lĩnh vực cụ thể nói riêng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa) với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Xác định các chính sách, biện pháp đột phá, khả thi

Tại hội nghị lần này, Trung ương thảo luận, đánh giá toàn diện tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, dự báo đến hết năm 2017; những kết quả, thành tích đã đạt được, cũng như hạn chế, yếu kém tồn tại, những yếu tố tích cực mới xuất hiện, những vấn đề nổi cộm mới phát sinh, đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XII và các nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế​ - xã hội nhanh và bền vững; thực hiện 3 đột phá chiến lược; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế…

Tổng Bí thư lưu ý, cần chỉ rõ nguyên nhân một số việc chưa làm được, một số chỉ tiêu đạt thấp hoặc chưa đạt trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện mặc dù tình hình trong nước và quốc tế năm 2017 nhìn chung thuận lợi hơn so với năm 2016.

Tổng Bí thư yêu cầu trên cơ sở đó dự báo các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2018. Đặc biệt, đề ra các chính sách, biện pháp có tính khả thi cao, các chính sách, biện pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, kiểm soát nợ công; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; đẩy mạnh tái cấu trúc đầu tư công, các doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập; nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững cả về kinh tế, xã hội lẫn môi trường.

Kiểm soát quy mô, nâng cao chất lượng dân số

Trên cơ sở thống nhất nhận định về tình hình, xu thế phát triển trong thời gian tới, Trung ương đi sâu phân tích nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, rút ra những bài học kinh nghiệm thành công cũng như chưa thành công của công tác dân số ở nước ta và tham khảo kinh nghiệm của thế giới, đề ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để nắm bắt thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, làm tốt hơn nữa công tác dân số trong trong tình hình mới.

Tổng Bí thư gợi mở những nội dung cần tập trung thảo luận về công tác dân số trong thời gian tới, như việc chuyển trọng tâm từ chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; những căn cứ và sự cần thiết, đúng đắn của việc chuyển trọng tâm từ giảm tăng dân số thông qua việc thực hiện triệt để, đồng loạt chính sách mỗi cặp vợ chồng chỉ có hai con sang kiểm soát quy mô, nâng cao chất lượng dân số bằng chính sách duy trì mức sinh thay thế. Trong đó, chú ý tính khả thi, phù hợp của mục tiêu lựa chọn và các chính sách, biện pháp đã đề ra, đặc biệt là phương án lựa chọn về quy mô dân số và các chính sách bảo đảm giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về dân số như​ duy trì mức sinh thay thế; đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng tốt nhất điều kiện cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; quản lý tốt di cư, nhất là di cư tự do; nâng cao chất lượng dân số...

Theo chương trình, hội nghị làm việc đến ngày 11-10.

"Cần bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; không nôn nóng từ cực nọ nhảy sang cực kia; gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

B.T

.