.

Tìm giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà

.

ĐNĐT - "Tôi đề nghị Ban tổ chức tổng hợp những ý tưởng hay, những hiến kế tâm huyết, những tham luận có cơ sở khoa học, thiết thực và khả thi, gửi lãnh đạo Đà Nẵng để nghiên cứu, tiếp thu. Chính quyền sẽ cùng với các nhà khoa học và nhân dân thành phố tìm ra giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà”, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị như vậy trong bức thư gửi hội thảo "Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà" diễn ra ngày 28-4.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Hội thảo do Trung tâm nghiên cứu con người và thiên nhiên, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (greenViet) và nhóm nghiên cứu-giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật thuộc ĐH Đà Nẵng tổ chức.

Trong thư gửi hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho rằng, bán đảo Sơn Trà có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, là “lá phổi xanh” của thành phố Đà Nẵng và là địa bàn sinh sống của voọc chà vá chân nâu quý hiếm.

Hiện nay, thành phố đang tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hài hòa, bền vững gắn với bảo tồn, giữ gìn cảnh quan môi trường tự nhiên.

Vì vậy, thành phố rất hoan nghênh và đánh giá cao ý tưởng tổ chức cũng như chủ đề của hội thảo nhằm tìm kiếm các giải pháp hiệu quả, khai thác các giá trị kinh tế, đồng thời bảo tồn nguyên vẹn hệ sinh thái, phát triển bền vững Sơn Trà.

“Tôi đề nghị Ban tổ chức tổng hợp những ý tưởng hay, những hiến kế tâm huyết, những tham luận có cơ sở khoa học, thiết thực và khả thi, gửi lãnh đạo Đà Nẵng để nghiên cứu, tiếp thu.

Chính quyền sẽ cùng với các nhà khoa học và nhân dân thành phố tìm ra giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững bán đảo Sơn Trà”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh viết trong thư.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, sự gia tăng lợi nhuận từ du lịch thúc đẩy xây dựng các khách sạn, nhà hàng khiến diện tích rừng, môi trường sống của động vật bị thu hẹp, góp phần làm cạn kiệt tài nguyên và tác động đến loài vật (lây bệnh từ người, thay đổi thói quen khi du khách cho thức ăn). Rủi ro của hoạt động du lịch có thể gây tổn hại đến môi trường nếu không phát triển một cách có trách nhiệm.

Việc Đà Nẵng chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố là hoàn toàn đúng bởi du lịch tạo ra việc làm cho người dân địa phương, là ngành công nghiệp không khói, ít tác động đến môi trường so với các ngành công nghiệp nặng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là, làm thế nào để cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

Ông đơn cử, Công viên thiên nhiên đảo Phillip (Úc) nổi tiếng thế giới với loài chim cánh cụt và được bảo vệ nghiêm ngặt bởi chính phủ nước sở tại.

Họ phân chia khu vực để phát triển, gồm: Khu bảo vệ nghiêm ngặt (dành cho nghiên cứu, ít hoặc không tiếp xúc với con người), khu cho phép du lịch tác động nhỏ, trung bình (đường mòn cho du khách, trung tâm thông tin, nhà vệ sinh công cộng…), khu phát triển du lịch như nhà hàng, khách sạn.

Đặc biệt, doanh thu từ các hoạt động du lịch sinh thái sẽ được đầu tư vào các chương trình bảo tồn, nghiên cứu và giáo dục tầm quan trọng của loài động vật này.

Từ cách làm hiệu quả của mô hình du lịch sinh thái này, ông Huỳnh Tấn Vinh đề xuất nên phát triển du lịch Sơn Trà trên nguyên tắc giảm thiểu tác động của du lịch đến môi trường, cung cấp các lợi ích tài chính trực tiếp cho bảo tồn và cần quy hoạch, đánh giá, lập kế hoạch cẩn thận.

Việc xây dựng quỹ bảo tồn Sơn Trà có thể lấy từ tiền bán vé vào cổng, thông qua các hình thức gây quỹ thông qua đóng góp tự nguyện của du khách, bán một số quà đặc trưng như mô hình bằng bông của loài vọoc chà vá chân nâu, móc treo chìa khóa, mũ, áo có in hình voọc và của Sơn Trà.

“Khách du lịch phải trả tiền để nhìn thấy vẻ đẹp tự nhiên của Sơn Trà, họ không đến đây để ngắm bê-tông, đồi núi trọc. Sự hiện diện của du khách, khi được quản lý chặt chẽ sẽ bảo vệ Sơn Trà khỏi các hoạt động khai thác quá mức, đặc biệt nạn săn trộm, buôn bán thú rừng và gỗ quý”, ông Vinh nói.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia Nguyễn Hoàng Phượng, Trung tâm Pan Nature cho rằng, việc cấp bách hiện nay là cần xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển bền vững tại bán đảo Sơn Trà, bao trùm các quy hoạch hiện có, bảo đảm yếu tố đa dạng sinh học được xem xét đầy đủ, tạo thành một quy hoạch chung kết nối hệ sinh thái rừng và biển. Đồng thời, xác định đơn vị đầu mối quản lý và chịu trách nhiệm quản lý chính về bán đảo Sơn Trà.

Trong khi đó, ở khía cạnh bảo vệ đa dạng sinh học tại bán đảo Sơn Trà, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Viện sinh thái miền Nam kiến nghị, cần phân loại và ưu tiên bảo vệ các giá trị quan trọng của tự nhiên, cần bảo tồn; duy trì và củng cố cách tiếp cận cộng đồng, lựa chọn những giải pháp mang tính xã hội cao; chỉ chấp nhận cho tiến hành các công trình ven bờ, quây vùng du lịch sau khi có những đánh giá tác động môi trường độc lập, nghiêm cấm việc khai thác tài nguyên làm mất thảm thực vật che phủ, chia cắt đường di cư kiếm ăn và sinh sản của động vật, đặc biệt của voọc chà vá chân nâu….

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.