.

Nhiều giải pháp bảo vệ, trùng tu Hải Vân quan

.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) thành phố Đà Nẵng cho biết, sau khi Hải Vân quan được công nhận Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14-4-2017 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), Sở VH-TT Đà Nẵng đã phối hợp với Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế bàn giải pháp bảo vệ, trùng tu di tích này.

Hải Vân quan thu hút đông đảo khách tham quan mỗi ngày.  		                  Ảnh: NGỌC HÀ
Hải Vân quan thu hút đông đảo khách tham quan mỗi ngày. Ảnh: NGỌC HÀ

*Hải Vân quan vừa được công nhận di tích cấp quốc gia. Là người trăn trở về sự xuống cấp của Hải Vân quan và mong muốn trả lại giá trị cho di tích này, ông có thể chia sẻ cảm xúc khi nhận quyết định của Bộ VH-TT&DL?

- Trước tình hình xuống cấp của Hải Vân quan, Sở VH-TT của thành phố Đà Nẵng  và tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhiều lần họp bàn và thống nhất làm hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đối với Hải Vân quan. Ngày 27-2-2017, UBND thành phố Đà Nẵng có tờ trình Cục Di sản văn hóa về đề nghị xếp hạng di tích Hải Vân quan. Kế đến, ngày 14-3-2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có tờ trình lên Cục Di sản văn hóa cũng với nội dung trên.

Chỉ trong hơn một tháng từ ngày làm tờ trình, chúng tôi nhận được quyết định của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL về xếp hạng Hải Vân quan là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tâm trạng của những cán bộ trong ngành văn hóa hai địa phương (thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế) vô cùng phấn khởi. Thật ra, cả hai địa phương đều sở hữu nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng di tích Hải Vân quan được xếp hạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhiều di tích phi vật thể đã được các địa phương chung tay làm như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có 5-6 tỉnh cùng làm, đờn ca tài tử có 8-10 địa phương phối hợp làm…; trong khi đó Hải Vân quan là di tích vật thể đầu tiên trên cả nước có sự phối hợp giữa hai địa phương trong quá trình làm hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận di tích. Điều này được Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ VH-TT&DL) đánh giá cao và cho rằng đây sẽ là tiền đề cho các địa phương khác có chung di sản làm theo.

* Vậy trước mắt hai địa phương có kế hoạch gì đối với Hải Vân quan khi di tích này đang xuống cấp trầm trọng, thưa ông?

- Hải Vân quan đã có đủ cơ sở pháp lý để được bảo vệ theo Luật Di sản. Việc đầu tiên hai Sở VH-TT bàn bạc là có hành động cấp thiết khắc phục tình trạng xuống cấp di tích. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đầu tư 500 triệu đồng và sẽ tiến hành làm một số việc như cải tạo lối đi, lan can bảo đảm an toàn cho khách tham quan, cải thiện ô nhiễm môi trường, chống xâm phạm di tích… ngay trong năm 2017.

Ngoài ra, Sở VHTT của hai địa phương còn mời Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên-Môi trường của hai địa phương lên cắm mốc vùng bảo vệ 1 và bảo vệ 2 của Hải Vân quan. Sau khi được cắm mốc xác định, đó sẽ là vùng bất khả xâm phạm nên những hộ kinh doanh nằm trong vùng bảo vệ 1 và bảo vệ 2 buộc phải di dời. Những hộ kinh doanh nằm ngoài phạm vi này nếu kinh doanh theo đúng quy định thì các ngành chức năng sẽ tạo điều kiện làm ăn, phục vụ du khách.

* Như vậy, liệu có sự chồng chéo trong công tác quản lý Hải Vân quan và nếu có thì việc này được giải quyết như thế nào?

- Chúng tôi xác định cùng chung tay quản lý Hải Vân quan, không có chuyện phần bên nào thì bên đó quản lý bởi bây giờ Hải Vân quan đã là “tài sản” văn hóa chung. Hôm nay (24-4), lãnh đạo hai sở sẽ gặp mặt trao đổi, bàn bạc và đi đến thống nhất một số kế hoạch. Trong đó bao gồm phối hợp xây dựng một bộ tiêu chí quản lý Hải Vân quan về vấn đề trùng tu, bảo tồn, phát huy di tích. Trong mỗi nội dung cũng quy định cụ thể, chẳng hạn không được xâm hại di tích, không hủy hoại di tích, không viết vẽ lên di tích… Sau này Hải Vân quan được giao cho đơn vị Nhà nước hoặc đơn vị tư nhân nào đó quản lý thì cũng phải bảo đảm tiêu chí quản lý di tích như đã quy định.

Kế tiếp, hai sở sẽ lập một dự án về trùng tu, tôn tạo, phục dựng và phát huy di tích Hải Vân quan để xin kinh phí từ hai địa phương và Bộ VH-TT&DL; đồng thời tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo khoa học lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, trong đó có đề cập chuyện giữ hay bỏ lô cốt do người Pháp xây chồng lên Hải Vân quan. Nếu mai đây nơi này được trùng tu, tôn tạo, phục dựng và trở thành điểm du lịch thu hút khách thì cơ quan chức năng sẽ tính đến chuyện bán vé tham quan. Song chúng tôi khẳng định, số tiền bán vé ngoài được trang trải cho công tác quản lý, bảo vệ sẽ được dùng hết cho việc trùng tu di tích. Chúng tôi nỗ lực hết mình, phối hợp với ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế để du khách đến Hải Vân quan không chỉ chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà còn có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu ý nghĩa lịch sử của địa danh này.

* Xin cám ơn ông.

NGỌC HÀ (thực hiện)

;
.
.
.
.
.