.

Sửa đổi Luật Đất đai phải bảo đảm quyền lợi của dân

.

Ngày 14-3, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Huỳnh Nghĩa chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Kế hoạch lấy ý kiến góp ý tập trung 2 nhóm nội dung về những quy định trong công tác quản lý Nhà nước và giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, định giá đất…

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa chủ trì hội nghị. 					       Ảnh: TRIỆU TÙNG
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa chủ trì hội nghị. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Xung quanh những nội dung liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai, các ý kiến đều đồng tình với chế định sở hữu đất đai tại Điều 12. Tuy nhiên, cần làm rõ các quan hệ chủ sở hữu bởi khi thì Luật thể hiện “Nhà nước” làm chủ sở hữu, khi thì “Chính phủ” làm chủ sở hữu. Cùng với đó là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng là đại diện chủ sở hữu. Vai trò của Chính phủ về quản lý đất đai thiếu tính thực tế như quyết định việc “Chính phủ quy định khung giá các loại đất, giá đất thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” (Điều 108) trong khi khu vực ranh giới này rất đặc thù, phức tạp. Hoặc Chính phủ quy định điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội “Chính phủ quy định cụ thể điều này” (khoản 2, Điều 51). Việc này liên quan đến hàng ngàn dự án ở khắp cả nước, vậy có bảo đảm thời gian để các đơn vị đầu tư dự án triển khai thực hiện.

Phó Viện trưởng Viện KSND thành phố Nguyễn Hữu Linh phân tích về chế định quyền sở hữu trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: “Theo Điều 164 Bộ Luật Dân sự quy định “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật” nhưng Luật Đất đai chỉ ghi nhận có quyền sử dụng đất nên cần làm rõ phạm vi quyền định đoạt đất đai của Nhà nước và phạm vị quyền sử dụng đất đai của người sử dụng đất”.

“Đối với cơ quan quản lý đất đai xác định từ Trung ương đến quận, huyện mà không có cấp xã, phường trong khi cấp xã, phường lại trực tiếp tham gia quản lý đất đai”, luật gia Mạc Như Mai - Hội Luật gia thành phố nói.

Nhiều ý kiến góp ý với nội dung quy định của Luật về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tài định cư; tài chính về đất đai và định giá đất. Ông Huỳnh Ngọc Lộc (Văn phòng luật sư Huỳnh Ngọc Lộc) cho rằng việc khoản 2, Điều 56 thể hiện việc chuyển quyền sử dụng đất mà không cần xin phép “người có thẩm quyền”, vậy người có thẩm quyền là ai, “người có thẩm quyền” sẽ dễ phát sinh kẽ hở bởi tác động yếu tố cá nhân mà phải xác định rõ là “cơ quan thẩm quyền”.

Về giao đất, cho thuê đất quy định tại Điều 57 quá rộng và qua việc phân cấp đến UBND các cấp dẫn đến nhiều người có quyền giao đất, cho thuê đất. “Điều này dẫn đến hậu quả là mặc dù khẳng định đất đai là sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế đất đai đang thuộc sở hữu của một nhóm lợi ích theo địa phương”, ông Huỳnh Ngọc Lộc nói.

Việc cho thuê đất đối với lực lượng vũ trang khi tham gia các hoạt động tăng gia sản xuất ở các khu vực miền núi, hải đảo, đầm phá… cũng làm khó khăn trong việc gắn phát triển kinh tế với ổn định an ninh, quốc phòng. Giao đất không thu tiền để sót trường hợp giao đất nhà thờ tộc, họ (tín ngưỡng). Quy định có thu tiền chuyển quyền sử dụng đất nhưng nguồn thu này xác định trên cơ sở pháp lý nào bởi không thuộc danh mục thuế hay lệ phí. Quy định về chuyển mục đích sử dụng đất chưa được làm rõ đối với đất vườn. Thuật ngữ đất vườn, ao chưa được định nghĩa trong Luật nhưng lại xuất hiện trong thực tế đời sống. Giao đất, cho thuê đất phải được quy định bắt buộc công khai bằng nội dung văn bản, văn bản điện tử… để người dân biết và giám sát chứ không chỉ quy định riêng cho Ủy ban MTTQ.

Có ý kiến cho rằng, Luật Đất đai sửa đổi nên tách việc thu hồi đất vì mục đích an ninh, quốc phòng với thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đối với thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội phải được trưng mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, giá thị trường là giá nào? Theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường: “Từ năm 2009 đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa xác định định nghĩa hay phương pháp tính giá đất theo giá thị trường”. “Việc giao cho UBND các tỉnh, thành phố định giá đất” vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho Nhà nước áp đặt giá đất. Thu hồi đất để khai thác quỹ đất theo hướng “lấy đất đổi cơ sở hạ tầng” cũng chưa được quy định trong luật. Thu hồi đất trong trường hợp người được giao đất, cho thuê đất sử dụng không đúng mục đích; chậm trễ trong đầu tư xây dựng là thiếu tính khả thi, áp đặt. Càng khó khả thi hơn khi thu hồi các dự án chậm triển khai thì không đền bù giá trị đầu tư, tiền chuyển quyền sử dụng đất… là áp đặt lên nhà đầu tư, cản trở việc thu hút đầu tư, làm trì trệ trong đầu tư phát triển. Luật quy định thời gian thu hồi đất nhưng không quy định thời gian giao đất, bố trí đất tái định cư? Thu hồi đất, bồi thường thiệt hại, hỗ trợ, tái định cư cũng rất chung chung, chưa cụ thể. Ví dụ, quy định về hỗ trợ có nội dung “hỗ trợ khác” vậy hỗ trợ gì ở đây nên dẫn đến cơ chế xin, cho, gây ra nhóm lợi ích, tạo kẽ hở, người được giao nhiệm vụ có thể đưa ra các quyết định cảm tính, cá nhân quan các mối quan hệ bên ngoài nhiệm vụ. “Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, định giá đất… phải thực hiện theo hướng đảm bảo quyền lợi thật sự cho người dân, cho nhà đầu tư và nhà nước”, ông Mai Đức Lộc - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố nói.

TRIỆU TÙNG

* Chiều 14-3, UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) tổ chức lấy ý kiến cán bộ chủ chốt góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến góp ý tập trung vào các nội dung quy định tại chương I, IV, V và VI, qua đó đề nghị dự thảo cần quy định có một cơ quan độc lập định giá đất, định giá đất theo vùng hoặc khu vực để có mức giá đền bù, hỗ trợ tương xứng và đi kèm các chính sách về việc làm, tạo điều kiện học tập cho con em của người bị thu hồi đất, nhà ở...

VĂN MAI

* Trước đó, ngày 13-3, UBND phường Mân Thái, quận Sơn Trà tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến của cán bộ và nhân dân địa phương tập trung vào các vấn đề: sửa đổi một số từ ngữ; quy định hạn mức, thời gian sử dụng đất; mục đích sử dụng đất; quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hối đất; giám sát của công dân đối với việc quản lý sử dụng đất…

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.