.

Đà Nẵng - Thành phố đáng sống

.

(ĐNĐT) - 38 năm sau ngày giải phóng, Đà Nẵng từng ngày từng giờ “thay da đổi thịt” một cách mạnh mẽ và với những thành tựu vượt bậc trong phát triển kinh tế - xã hội, Đà Nẵng đang khẳng định vị thế quan trọng ở khu vực miền Trung, trở thành một đô thị thực sự đáng sống.

Kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (năm 1997), đến nay, Đà Nẵng đã có những thay đổi mạnh mẽ, trong đó nổi bật và dễ nhận thấy là vấn đề quy hoạch và phát triển đô thị. Từ chỗ cả thành phố chỉ có vỏn vẹn hơn 360 con đường có tên, giờ đây đã có hàng nghìn con đường có tên; hàng nghìn khu dân cư, hàng trăm khu đô thị mới ra đời.

Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH chuyển giao công nghệ K&H cho biết, hơn chục năm trước, khi đặt chân đến Đà Nẵng làm ăn, ai cũng nghĩ rằng Đà Nẵng phải mất vài chục năm mới phát triển ngang bằng so với các thành phố khác trong cả nước. Thế mà, từ khi thành phố trực thuộc Trung ương, bộ mặt đô thị của Đà Nẵng đã phát triển chẳng kém gì so với các thành phố hiện đại ở các nước Đông Nam Á.

Đánh giá về sự phát triển của Đà Nẵng, kiến trúc sư Trương Văn Quảng (công tác tại Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị nông thôn) đã từng nhận xét: “Đà Nẵng đã chứng minh sự đúng đắn, tính hoàn chỉnh thực tiễn của quy hoạch chung. Phải thừa nhận rằng, quy hoạch đã đem lại bộ mặt đô thị mới, cuộc sống mới cho hơn 800 nghìn người dân Đà Nẵng. Trong đó, hàng chục vạn hộ đã được tái định cư trong trật tự và có kiểm soát. Các địa phương trong cả nước có thể tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của Đà Nẵng về quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch”.

Bờ đông sông Hàn hoàn toàn
Bờ đông sông Hàn hoàn toàn "thay da đổi thịt" với diện mạo đô thị khang trang, hiện đại. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Liền (quận Sơn Trà), một người dân gắn bó lâu năm với mảnh đất bên bờ sông Hàn tâm sự: Việc quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị của Đà Nẵng trong những năm qua ngày càng chứng tỏ chính sách hợp lòng dân, được phần lớn nhân dân đồng tình ủng hộ và cùng góp sức thực hiện. Bên cạnh đó, thành phố cũng thực hiện việc đền bù, bố trí tái định cư thỏa đáng, linh hoạt. Nếu không có công cuộc giải tỏa, di dời, tái định cư với sự tham gia của hầu hết cư dân thành phố, làm sao hôm nay Đà Nẵng có được những khu phố mới khang trang bên bờ đông sông Hàn và những cây cầu hiện đại bắc qua sông như: cầu sông Hàn, Thuận Phước, Tuyên Sơn, Cẩm Lệ, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý…

Đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc chỉnh trang, phát triển đô thị ở Đà Nẵng, bên cạnh việc tuân thủ quy hoạch tổng thể của Chính phủ còn là sự quyết tâm của cả Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố. Mỗi dự án trước khi thực hiện được cả hệ thống chính trị cùng tham gia góp ý, triển khai thực hiện. Việc đối thoại, giải thích trực tiếp của người đứng đầu thành phố, phân tích cái thiệt trước mắt và cái lợi lâu dài để nhân dân hiểu và đồng thuận trở thành việc làm then chốt.

Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, là địa phương có nhiều dự án được triển khai, vì vậy, khi bắt đầu thực hiện các dự án, chính quyền quận luôn công khai quy hoạch đến tận các hộ dân. Người dân được tham gia ý kiến về công tác di dời, giải tỏa, bố trí tái định cư, bảo đảm quyền lợi và cuộc sống lâu dài, bình an trên vùng đất Đà thành.

Người dân Đà Nẵng ngắm cầu Rồng, thành quả quá trình phát triển của Đà Nẵng và là công trình độc nhất vô nhị ở Việt Nam
Người dân Đà Nẵng ngắm cầu Rồng, thành quả quá trình phát triển của Đà Nẵng và là công trình độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Chỉ riêng trong định hướng phát triển hạ tầng giao thông và đô thị của thành phố từ nay đến năm 2020, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã chú trọng xây dựng, phát triển nhiều dự án mang tầm chiến lược. Theo đó, đến năm 2015, Đà Nẵng sẽ xây dựng các bãi đỗ xe ngầm trong khu vực quận Hải Châu và Thanh Khê; xây mới một số trục đường như trục ngang số 5 (QL1A - Cao tốc - QL14B), trục dọc D1 (Nguyễn Phan Vinh - Sân bay Nước Mặn), tuyến số 20 (cầu Hòa Xuân - Làng Đại học), đường đến khu Làng Vân... Đến năm 2020, hoàn thành xây dựng các tuyến đường ven sông phía bắc sông Cu Đê, xây mới tuyến đường ven sông phía nam sông Cầu Đỏ từ đường ĐT604 đến cầu Cẩm Lệ... Ngoài ra, thành phố sẽ đầu tư các trục đường vành đai nhằm mở rộng đô thị và gắn kết hiệu quả giao thông của thành phố với hệ thống giao thông quốc gia trên QL1A, 14B và tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Trước năm 2020, xây dựng Cảng Liên Chiểu làm khu cảng dịch vụ, du lịch, thương mại; nâng cấp, mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng đạt mức 10 triệu hành khách/năm vào năm 2020…

Chiến lược quy hoạch đô thị của thành phố Đà Nẵng hướng đến việc tạo thuận lợi nhất để người dân sinh sống, làm ăn; đồng thời, mở ra nhiều cơ hội để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Văn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội DNVN thành phố cho biết: “Nhờ phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, cộng với những chính sách ưu đãi, thông thoáng… nên những năm qua, Đà Nẵng đã thu hút được hàng nghìn doanh nghiệp đến thành phố đầu tư làm ăn. Nếu như năm 1997, cả thành phố chỉ có vài trăm doanh nghiệp thì đến nay, con số này đã lên tới trên 10.000 doanh nghiệp. Đây chính là lực lượng đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển của thành phố Đà Nẵng".

Bà Lê Thị Nam Phương - Chủ tịch HĐQT Hệ thống GD CLC SKY-LINE chia sẻ niềm tự hào về thành phố Đà Nẵng: “Đổi thay của Đà Nẵng hôm nay không chỉ là niềm tự hào của người dân thành phố mà còn là khát khao của người dân cả nước. Đà Nẵng trong tôi không chỉ là tình yêu, niềm tự hào mà còn cả ước mơ mong được đóng góp sức lực nhỏ bé để xây dựng thành phố xinh đẹp này”.

Song song với việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền cùng đoàn thể các cấp tại Đà Nẵng luôn hết sức quan tâm chăm lo đời sống cho đối tượng chính sách (ĐTCS) với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà, tặng quà, tặng tiền, tạo việc làm cho ĐTCS; kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức vào công tác đền ơn đáp nghĩa...

Theo số liệu thống kê, Đà Nẵng hiện có khoảng 90.000 đối tượng chính sách (ĐTCS), trong đó có gần 19.000 người đang hưởng trợ cấp thường xuyên với kinh phí chi trả hằng tháng trên 12 tỷ đồng. Tất cả hộ chính sách đều có nhà ở khang trang, kiên cố và có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình tại nơi cư trú. Thành quả đó là kết quả của những chủ trương, chính sách sát hợp của lãnh đạo thành phố cùng với sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của toàn xã hội trong công tác chăm sóc ĐTCS.

Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.