.

Gặp người chiến sĩ trung kiên

.

Tôi được gặp ông - người chiến sĩ trung kiên, qua lời giới thiệu của một người bạn làm công tác Bảo tàng. Ông có cái tên thật giản dị - Bùi Đức Sau, người con của đất mẹ Hòa Vang anh hùng.

 

Mô tả ảnh.
Ông Sau bên niềm vui bình dị.

Xuất thân trong một gia đình nông dân, cũng như bao đứa trẻ khác của thôn Hưởng Phước bé nhỏ ngày ấy, chú bé Hậu (tên hồi nhỏ của ông Sau) không được học hành, nhưng không vì thế mà chú không biết phân biệt phải trái, đúng sai. Một hôm, thấy người cha già (lúc ấy đang đi phu làm đường cho bọn Pháp) bị một tên cai Pháp trẻ tuổi xỉ nhục, “bị xách tai, đá vào mông”, trong đầu cậu bé 15 tuổi xuất hiện một nỗi phẫn uất không kìm nén được: “Nó cũng là thanh niên, tại sao dám xúc phạm một người già như thế”. Thương cha, thương bà con mình bị giày xéo, cậu nung nấu ý chí đi theo cách mạng, diệt bọn ác ôn từ đó.

Với sự nhanh nhẹn, tháo vát của mình, trong nhà lại có truyền thống cách mạng (3 người anh đều đã lần lượt thoát ly gia đình tham gia kháng chiến), không lâu sau, cậu bé Hậu được các anh cán bộ đóng gần đó giới thiệu cho đi học một khóa văn hóa cấp tốc và tổ chức Đoàn đội trên hậu cứ. Trở về quê nhà, cậu được cử làm Thiếu đoàn trưởng, tổ chức các em thanh-thiếu niên trong thôn làm “trinh sát nhí”. Chính nhờ những hoạt động của đội “trinh sát nhí” này mà Việt Minh biết được sự ăn ở, đi lại của bọn Pháp để có kế hoạch tác chiến đúng nơi, đúng lúc. Đó là những tháng ngày sôi nổi trong ký ức thuở thiếu thời của người cộng sản.

Cách mạng bước sang giai đoạn mới, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Mỹ nhảy vào chiến trường miền Nam, lập ra chính quyền bù nhìn, “Dùng người Việt đánh người Việt”, ông Sau lúc ấy được đưa vào khung cán bộ bí mật, tổ chức đường dây giao liên bí mật từ khu 1 Hòa Vang đến thành phố Đà Nẵng và từ Đà Nẵng đi vào phía Nam. Trong 7 năm hoạt động liên lạc bí mật này (1954-1960) ông bị bắt đến 3 lần. Tuy nhiên, lần bị bắt thứ 3 có thể nói là nỗi ám ảnh không thể nào quên trong suốt cuộc đời ông.

Lần ấy, ông bị bắt vào trường tố cộng (Hòa Cường-Hòa Vang), thực chất là “nhà tù trá hình” khét tiếng dã man lúc bấy giờ. Sau những màn đứng sám hối, quỳ tự tu... không nhằm nhò gì với ý chí của người cộng sản, là các trận đánh “tứ trụ”, là các chiêu bắt uống nước mắm trộn ớt lẫn xà phòng, châm điện ở mười đầu ngón tay ngón chân, đem vào thùng phi đầy nước ép cho đến chết... “Chết đi sống lại” mấy lần, ông được bọn chúng đưa vào bệnh viện và cho người theo dõi sát sao. Đây là lúc với cuộc chiến câm lặng, cam go của người Cộng sản bắt đầu: Hai năm liền (đầu năm 1960 đến hết năm 1961) ông phải giả điên, giả dại, không ăn uống (chỉ lén ăn uống những thứ do chính mình thải ra mà tồn tại) để che mắt kẻ thù.

Vì trải qua một thời gian nhịn ăn, nhịn uống quá dài, khi trốn lên được chiến khu, cơ thể ông Sau suy nhược nặng, phải nghỉ ngơi hơn 1 tuần lễ mới có thể bắt đầu làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ cách mạng lúc này là “diệt ác ôn, phá ấp chiến lược thí điểm ở miền Trung”. Tháng 2-1960, ông Sau, Đội phó đội vũ trang tuyên truyền huyện Hòa Vang chính là người chủ công, trực tiếp chỉ huy trận đánh vào ấp chiến lược thôn Hưởng Phước-Hòa Liên-Hòa Vang, phá tan ấp chiến lược kiểu “2 sông 3 núi” nổi tiếng nguy hiểm lúc bấy giờ. Đó là chiến thắng của “thế trận lòng dân” mà trong cuộc đời chiến đấu gian khổ của mình, ông không bao giờ quên được.

Sau đó, ứng với tình hình cách mạng từng thời kỳ, ông Sau luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ do cấp trên giao như làm y vụ Bệnh viện Quảng Đà; Trưởng phòng Y tế huyện Duy Xuyên; Đội trưởng Đội phẫu thuật phục vụ cho chiến dịch Tết Mậu Thân (1968); xây dựng Biệt động thành và đường dây giao liên Đà Nẵng...

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, ông là cán bộ của UBND tỉnh; chuyên viên bảo hộ lao động; làm công tác thường trực Đảng… Đến năm 2003, sau một cơn tai biến, bị liệt nửa người bên trái, ông mới chịu nghỉ ngơi, dưỡng bệnh.

Giờ đây, với khoảnh sân nhỏ trên sân thượng, ông trồng rau, trồng quả, nuôi gà... Đó là niềm vui bình dị của người chiến sĩ kiên trung đã đi qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh đang nâng niu, trân trọng cuộc sống hòa bình.

Bài và ảnh: TRẦN THANH TÂN

;
.
.
.
.
.