.

Bóng hồng “gác cổng” tổ dân phố

.

Tổ trưởng tổ dân phố gần như là vị trí độc tôn của những người đàn ông có tuổi, có uy. Thế nhưng ngày nay, vai trò này đang được nhiều chị em gánh vác. Và họ đã được dân tin đến độ nhất quyết không cho “từ chức” dù đã qua nhiều nhiệm kỳ.

Người “gác cổng”

 

Mô tả ảnh.
Chị Bắc (trái) tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi.

Là “sếp” mới toanh của tổ dân phố 28, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã biết thế nào là những công việc không tên của một tổ trưởng. Bất kể có thông tin, chủ trương, hay tổ chức, cá nhân nào cần đến người dân trong tổ đều phải qua tay tổ trưởng dân phố. “11 giờ đêm, Công an phường gõ cửa nhờ chạy “một xí” xuống hộ đang xảy ra bạo lực, mình cũng phải tạm bỏ cơn buồn ngủ qua một bên”, chị Nguyệt nói. Đợt dịch sốt xuất huyết vừa qua, vừa xong việc thông báo cho người dân che đậy đồ đạc, đưa người già, trẻ em đi tạm lánh trong thời điểm phun thuốc dập dịch, chị Nguyệt lại nhận được tin nóng hổi rằng bên y tế sẽ đến sớm hơn nửa giờ đồng hồ so với dự kiến. Vậy là ba chân bốn cẳng, chị lại tức tốc chạy tới hết mấy chục hộ trong tổ để đính chính.

Không còn là người mới, chị Phạm Thị Bắc, tổ 24, Quang Thành 4B1, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu đã bước qua năm thứ 13 giữ “chức vụ” tổ trưởng dân phố. Từng ấy năm với bao vui, buồn, chị Bắc nghiệm ra một điều làm người “gác cổng” phải biết… nhịn. Theo chị Bắc, tổ trưởng phải đi sâu, đi sát từng gia đình, từng đối tượng trên địa bàn. Mỗi con người một tính cách, mỗi vấn đề có nhiều góc cạnh khác nhau, thế nên, nếu không kiên trì và có sức chịu đựng, những tổn thương từ công việc là khó tránh khỏi.

“Món” nào cũng có mặt

 

Mô tả ảnh.
Chị Nguyệt (giữa) cùng chị em trong tổ trổ tài nội trợ.

Dù gia đình vẫn luôn là một phía chưa bao giờ các chị cảm thấy đủ cân bằng so với phía kia của công việc, song những chị tổ trưởng này còn dành thời gian, công sức để tham gia cả các hội, đoàn thể khác. Chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, chị Phạm Thị Bắc còn là Chi hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ, tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn, cán bộ dân số-kế hoạch hóa gia đình, cán bộ Hội Chữ thập đỏ, v.v...

Với mức trợ cấp 292 nghìn đồng/tháng đối với tổ trưởng dân phố, nếu không có sự nhiệt tình, hẳn các chị không “dính” vào công việc này. Trước đây làm nghề buôn bán hàng ăn nhỏ tại nhà, nhiều ngày chị Nguyệt đành nghỉ bán chỉ vì có những cuộc họp này, nọ. Với chị Bắc, dù đã nghỉ hưu, nhưng chị chưa thực sự rảnh rang khi buổi sáng chăm việc nhà, buổi chiều và tối dành cho công tác xã hội. Đã thế, bản thân các chị luôn phải đi đầu trong mọi việc. “Vì là tổ trưởng nên mình phải tự nhắc nhở bản thân sống gương mẫu, đóng góp ủng hộ cũng đầu tiên và nhiều hơn, phong trào địa phương thì bao giờ cũng hăng hái”, chị Bắc nói.

Chức tổ trưởng chẳng có mấy người tranh giành, nhưng với các chị, làm được một việc nhỏ như truyền đạt thông tin cho bà con hiểu, kêu gọi giúp đỡ một hoàn cảnh bất hạnh, hay đơn giản chỉ là thường xuyên được giao lưu, học hỏi đã đủ thấy lòng vui. Gật đầu làm tổ trưởng, với các chị vì thế chưa bao giờ là quyết định sai lầm.

Bài và ảnh: TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.