.

Ứng dụng Phật tính để phòng, chống HIV/AIDS

.

Hòa thượng Thích Thiện Toàn, Trưởng Ban hướng dẫn Phật tử thành phố Đà Nẵng khẳng định: Bi, trí, dũng là 3 Phật tính mà phật tử có thể ứng dụng vào việc phòng, chống HIV/AIDS... Và thực tế gần 3 năm thực hiện dự án “Tăng cường khả năng đáp ứng của tôn giáo trong phòng, chống HIV/AIDS” (do Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam tài trợ), chức sắc, phật tử thành phố đã làm được nhiều việc thiết thực để tuyên truyền phòng, chống căn bệnh thế kỷ này trong cộng đồng.

Phật tử thành phố tại cuộc thi phòng chống HIV/AIDS.

Theo giải thích của Hòa thượng: Bi là tình thương bao la, bình đẳng, thương mình, thương người, thương tất cả chúng sinh. Trí là trí tuệ, nhận thức cuộc sống. Dũng là ý chí, là năng lực dũng mãnh chiến thắng đối phương và quan trọng nhất là chiến thắng lòng mình. Vận dụng trong phòng, chống HIV/AIDS là chúng ta thương mình thì phải tự biết bảo vệ, vận dụng sự hiểu biết để phòng, tránh. Thương người là giúp người khác hiểu biết và phòng, tránh HIV/AIDS nhưng cũng có lòng từ bi, cảm thông, yêu thương, không xa lánh người có AIDS.

Bằng ý chí, ta giữ cho tâm ý luôn thanh tịnh, quyết xa lánh lối sống buông thả không lành mạnh dễ nhiễm HIV. Với người có HIV thì dũng cảm vươn lên sống một cuộc đời hữu ích, tránh tiếp tục gây hại cho người khác. Triển khai thực hiện dự án từ tháng 8-2007, Ban tiếp nhận và điều phối dự án thuộc Thành Hội Phật giáo Đà Nẵng đã mở 4 lớp tập huấn kiến thức về HIV/AIDS, kỹ năng truyền thông, tư vấn và kỹ năng chăm sóc người có HIV cho các đạo hữu là tình nguyện viên tham gia dự án. Ban tiếp nhận và điều phối dự án đã có sáng kiến tổ chức lễ cầu nguyện cho người có HIV nhân Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS.

Lần đầu tiên những người có HIV chấp nhận công khai trước mọi người đã tạo được hiệu quả tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS. Hơn 2 năm qua, Ban điều phối dự án đã tổ chức 267 cuộc truyền thông trong tăng ni, đạo hữu ở 32 chùa với trên 12.000 người dự nghe. Đến nay, Ban tiếp nhận và điều phối dự án đã phát hành được 10 bản tin với số lượng 500 tờ và phát 200.000 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng phật tử.
 
Để thẩm định hiệu quả của hoạt động truyền thông, Ban tiếp nhận và điều phối dự án đã tổ chức Hội thi “Phật tử tìm hiểu kiến thức phòng, chống HIV/AIDS” với 10 đội dự thi. Kết quả, đội Gia đình phật tử chùa Đà Sơn đạt giải nhất, giải nhì là đội Đoàn phật tử chùa Bửu Nghiêm và đội Gia đình phật tử chùa Hòa Phong đạt giải ba.

Từ khi triển khai dự án đến nay, các chức sắc và đạo hữu tình nguyện tham gia dự án đã tiếp cận được 68 người có HIV và 42 trẻ em là con cháu của người có HIV. Qua đó, dự án đã hỗ trợ tư vấn cho gia đình và người có HIV về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh, tặng học bổng, áo quần, sách vở cho 10 trẻ em.

Hòa thượng Thích Trí Mãn, Phó Ban trị sự Thành Hội Phật giáo Đà Nẵng, cố vấn giám sát dự án đã có ý kiến đánh giá: Các hoạt động trong khuôn khổ dự án bước đầu đã chứng tỏ tính khả thi của Phật giáo tham gia vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Đây cũng là hoạt động từ thiện-xã hội thiết thực nhất của phật tử đóng góp vào sự ổn định và phát triển của thành phố, góp phần đưa nét văn hóa vì cộng đồng vào nếp sống đô thị.

HOÀNG ANH

;
.
.
.
.
.