.

Làng khát nước sạch

.

Sau khi khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh đi vào hoạt động đến nay, toàn bộ 185 hộ dân ở thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang phải đi mua nước bình về uống, bởi hầu hết giếng khoan đã bị ô nhiễm trầm trọng, nước không thể sử dụng được.

Dân nghèo nhưng phải xài sang

Ngày 26-12-2006, TP. Đà Nẵng công bố quyết định giải tỏa 185 hộ dân, với gần 900 nhân khẩu ở thôn Trung Sơn để mở rộng KCN Hòa Khánh. Tuy nhiên cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa tiến hành đo đạc kiểm định, người dân ở đây vẫn chưa nhận một đồng đền bù nào.



Đám ruộng này đã phải gieo sạ mấy lần nhưng vẫn không phát triển nổi.

Người dân cho biết, kể từ khi KCN Hòa Khánh đi vào hoạt động, hầu hết các giếng khoan ở đây đều bị ô nhiễm rất nặng. Để dẫn chứng lời nói của mình, bà Nguyễn Thị Liên (tổ 1) lấy máy bơm bơm đầy xô nước rồi đổ ra thau và nói: “Nè, chú thấy không, nước vàng như nước cơm mà còn hôi và tanh nữa”. Bà Liên đã khoan giếng nước này từ năm 2004, nhưng bỏ luôn từ đó đến giờ vì không thể dùng được. Cứ 2 ngày, hai mẹ con bà phải mua một bình nước lọc hết 10 ngàn đồng để nấu cơm, canh và nước uống, còn nước tắm rửa, giặt giũ thì đi xin nước nhà nào ít ô nhiễm về xài.

Đó là những gia đình ít người, nhiều nhà có 4 người trở lên thì mỗi ngày xài một bình còn không đủ. Gia đình anh Nguyễn Văn Đông (tổ 1) có 4 người, cứ mỗi tuần anh lại thồ một xe 6-7 bình nước về xài. Anh bảo, mua sỉ rẻ hơn vài ngàn đồng một bình, chứ dân nghèo tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Theo anh Đông, giếng nhà anh ít ô nhiễm nhưng muốn tắm giặt phải lọc qua vài lượt, nếu không sẽ bị ngứa ngáy, rất khó chịu.
Nhiều người dân ở đây cho biết, mỗi tháng một nhà ít nhất cũng bỏ ra từ 150 ngàn đồng trở lên để mua nước sạch về dùng. Số tiền đó đối với người dân thôn Trung Sơn quả không nhỏ vì chủ yếu sản xuất nông nghiệp, mà có khi đến mùa thu hoạch lại không được ăn vì nước ô nhiễm trong KCN tràn ra gây ngập úng, mất mùa.

“Dân sợ mưa lắm!”



Nước đục như nước cơm và hôi tanh, mấy năm nay người dân ở đây không thể dùng nước này để uống được.

Nhân dân thôn Trung Sơn chủ yếu sống bằng nghề nông nên mùa khô hạn, họ rất trông trời mưa, nhưng “mưa xuống là dân chúng tôi sợ lắm”, ông Dương Phú Giọng, Chi hội trưởng Nông dân thôn Trung Sơn cho biết như thế. Theo ông Giọng, khi mưa lớn nước ngập hết cả cánh đồng coi như trắng tay, vì nước ô nhiễm ngâm vài ngày là lúa và hoa màu úng chết, nên không có cây gì có thể sống nổi.

Đã mấy năm nay, người dân ở đây rất bức xúc về tình trạng mỗi khi trời mưa là nước ô nhiễm từ trong KCN theo mưa ngập lút cánh đồng. “Đến người lội xuống nước cũng ngứa ngáy, gây lở lét chân tay thì cây nào sống cho nổi” - bà Liên cho biết. Theo người dân thì toàn bộ nước ô nhiễm trong KCN theo con suối dồn ra cánh đồng này nên lúa và hoa màu sống không nổi; nuôi con bò, con heo cũng không lớn, còn người dân thì không có nước sạch dùng. Đã nhiều lần các đoàn kiểm tra môi trường về khảo sát, đo đạc rồi đâu lại vào đấy.

 “Cách đây 3 năm, vì nước xả của KCN làm mất mùa nên thành phố có ra quyết định đền bù tổng cộng khoảng 87 triệu đồng cho bà con, từ đó đến nay, người dân ở đây không nhận được sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền địa phương”, ông Dương Phú Giọng cho biết. Thực tế, KCN cũng có nhà máy xử lý nước thải nhưng không xử lý hết, nên mỗi lần trời mưa xuống là KCN… té nước ô nhiễm theo mưa, người dân  lãnh đủ.

Đem những nỗi bức xúc của người dân thôn Trung Sơn hỏi ông Nguyễn Thu, Chủ tịch xã Hòa Liên, ông cho biết: Bà con kêu đã lâu nhưng chưa có cách nào giải quyết. Xã đã hỗ trợ về giống, kỹ thuật cho bà con và cũng chỉ lập tờ trình đề nghị lên các cấp chính quyền chứ xã cũng không giải quyết được. Theo ông Thu, từ năm 2003, giai đoạn 1 của KCN đã được quy hoạch, từ đó đến nay, nước ngầm khu vực này ô nhiễm rất nặng, UBND xã đã nhiều lần kiến nghị lên Chi cục Quản lý nước sinh hoạt đưa nước sạch về, nhưng đến nay vẫn chưa có.

“Sở Tài nguyên và Môi trường nên kiểm tra Nhà máy xử lý nước thải KCN Hòa Khánh thường xuyên, khóa hẳn van hệ thống đưa nước ra ngoài mà không qua nhà máy xử lý” - ông Thu đề nghị. Ông Thu cũng cho biết, quy hoạch đã được công bố mấy năm nay nhưng chưa thấy “rục rịch” gì, nhiều khi cán bộ xã cũng “nói láo” với dân về tiến độ triển khai dự án. Vì văn bản cấp trên gửi xuống thì xã cứ thế phổ biến cho người dân, nhưng nói đã lâu mà không thấy làm, đâm ra cán bộ xã cứ… hứa lèo.

Ngoài ra, theo kiến nghị của ông Thu, những hộ thuộc diện giải tỏa đi hẳn thì thành phố sớm đền bù thỏa đáng và phải có đất thực tế để người dân làm nhà ở ổn định cuộc sống, còn không thì phải đầu tư cho dân có nước sạch dùng. Nếu không, cả cán bộ xã và người dân đều khổ.

TẠ CÔNG BÍNH

;
.
.
.
.
.