.
Năm hết, Tết đến

Tất niên xóm

.

Cúng xóm vào dịp cuối năm không chỉ là hoạt động tiễn năm cũ, cầu chúc an lành cho năm mới, mà đó còn là dịp để mọi người trong xóm ngồi lại bên nhau với tất cả sự thân tình. Nhưng sau lễ cúng xóm, cũng lắm chuyện ồn ào không đáng có.

Cúng xóm xong thành… anh em luôn!

Những người đàn ông tổ 77, đường Nguyễn Thị Thập, khu dân cư Hòa Minh mở rộng, chỉnh tề áo dài, khăn đóng bày mâm cúng giữa đường khấn vái đất trời.

Việc ai nấy làm, đèn nhà ai nấy tỏ, có lẽ là lối sống thường thấy tại thành thị. Đặc biệt, tại các khu dân cư mới, những nóc nhà mới, những khuôn mặt lạ, càng khiến tình làng nghĩa xóm dường như bớt đậm đà. Vì vậy, có một ngày già trẻ, gái trai tụ họp góp tay nấu nướng, nâng chén chúc nhau, luôn tiện hỏi thăm tình hình làm ăn, sức khỏe, gia đình… trở nên thật ý nghĩa.

Anh Nguyễn H. (tổ 20, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) nói: “Xóm tôi chừng 200 mét với khoảng 60 nóc nhà, vậy mà năm đầu tiên đến ở, cứ đi làm về là phóng xe vèo vào nhà luôn, không biết hàng xóm mình là ai cả. Chỉ sau cái ngày cúng xóm, tự nhiên thấy thân thiết hơn. Và Tết năm đó, chúng tôi qua nhà nhau như anh em ruột thịt”.

Chiều 23 tháng Chạp, tổ 77, đường Nguyễn Thị Thập, khu dân cư Hòa Minh mở rộng trở nên náo nức khác thường. Những ngày trước, các hộ kinh doanh trên đoạn đường này tất bật lo buôn bán hàng Tết. Nhưng hôm nay, một vài thành viên của mỗi gia đình được “cắt cử” miễn lo việc nhà, dành thời gian lo việc xóm.

Những người phụ nữ khéo tay loay hoay trong bếp, trước là để chuẩn bị một mâm cúng tươm tất, sau phục vụ mọi người một bữa thật no nê. Cũng khăn đóng, áo dài chỉnh tề, những người đàn ông trịnh trọng bày hương đèn, hoa quả giữa đường “trình báo” lên đất trời hoạt động của xóm trong một năm qua. Nhờ buổi gặp mặt đó mà anh Trần Anh, người sống tại đây được 2 năm mới hiểu ông hàng xóm vừa dọn tới vài tháng nay.

Vui quá hóa ồn ào

Cũng vì hiếm hoi mới có ngày hả hê nói chuyện với nhau nên các anh trong xóm nhân cơ hội này làm luôn cho đủ độ hoành tráng. Sau “hiệp một”, các chị đứng lên dọn dẹp rồi lặng lẽ ra về lo việc nhà. Trong khi đó, các anh tiếp tục nhập bàn nối dài cuộc vui tưng bừng. Thông thường, quỹ cúng xóm chỉ đủ làm một mâm gọn nhẹ, nên muốn ngồi thêm, các anh phải tự rút hầu bao, uống chừng nào chung vào chừng đó.

Cũng vì có chút hơi men, nên đôi khi câu chuyện rôm rả ban đầu bỗng trở thành những giận hờn. Một anh cho biết: “Chỉ mỗi chuyện ai đến trước, ai đến sau mà cũng bắt lỗi nhau, thậm chí lời qua tiếng lại khiến cuộc vui không trọn vẹn. Có khi bác muốn đặt mâm cúng phía phải của xóm, bác muốn đặt phía trái…, vậy là cãi vã”. Sau bữa tiệc tất niên của xóm, tình cảm thắm thiết tuy có tăng lên, nhưng không hiếm bà vợ thở dài khi chồng trở về nhà trong dáng vẻ nhão mềm men rượu.

Có xóm thuê hẳn dàn nhạc chơi tới 10 giờ đêm. Người hát vui, nhưng người già cả gần đó lại không thể nào chợp mắt. Anh Nguyễn H. cho biết thêm: “Năm trước, xóm tôi không có dàn nhạc, nhưng nghe tổ 19 có nhạc sôi động quá, vậy là năm nay cả xóm quyết thuê bằng được dàn nhạc to hơn”.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.