.

Báo tàu bằng tai và mắt

.

Dưới chòi gác nhỏ, 2 cây tre làm thanh chắn, bác Nguyễn Văn Đại và bác Nguyễn Văn Ca tuổi ngoài 60, cần mẫn từng ngày gác tàu ở đoạn đường sắt Xuân Dương, cách cầu Nam Ô 500m.

Hết “run tim” vì sợ tai nạn

Cứ 3 phút, bác Nguyễn Văn Đại lại ra trông tàu để cảnh báo cho bà con.

Vừa di chuyển tìm bóng mát, vừa liên tục đảo mắt ra phía đường sắt, bác Nguyễn Văn Đại, một trong 2 người gác ghi “nghiệp dư” phân trần: “Không dám lơ là đâu cô, lỡ có chuyện chi ân hận cả đời”. Sống gần đường sắt mấy chục năm, bác Đại có thừa “kinh nghiệm” nhận biết bao lâu tàu chạy một lần (khoảng 10 – 25 phút/chuyến), nhưng sợ sơ suất, cứ 3 phút, bác lại chạy ra phía đường ray nghiêng ngó, dỏng tai nghe.

Người qua lại đã quen, hễ thấy cây cọc tre hạ xuống là tự động dừng xe, chờ cho tàu qua mới đi tiếp. Bác Đại kể: “Bữa trước có mấy ông xỉn xỉn từ đâu chạy ào tới khi tàu sắp qua, không có cây cọc tre ni thì không biết răng nữa”. Bà con quanh vùng cũng không còn phải lo lắng dòm trước dòm sau, hay không dám cho con nhỏ tự ý đi qua đường ray một mình nữa. Chị Đinh Thị Vân, tổ 45 Xuân Dương tấm tắc: “Hai bác làm việc cần mẫn lắm, bà con ai cũng ủng hộ. Mấy tháng ni tụi tôi yên tâm rồi, tự tin đi lại”.

Gần như gánh trách nhiệm cho sinh mạng của nhiều con người, 2 bác dù có buồn ngủ một chút, hoa mắt một chút vì nắng gắt cũng không dám bỏ chốt và lơ là trong tích tắc. Cái chòi gác gần 2 mét vuông lợp tôn do quận dựng lên, 2 bác trải manh chiếu sờn, che chắn thêm mấy tấm bạt nhỏ “để dành cho anh em tới ngồi chơi, còn tụi tôi phải canh chừng tàu, thời gian đâu mà ngồi”.

Đứng tại chốt gác chỉ hơn tiếng đồng hồ, chúng tôi đã không chịu nổi cái nóng hầm hập và ánh nắng gay gắt. Bác Đại vẫn thản nhiên: “Có gì đâu cô, già rồi, làm được việc gì cho bà con thì phải gắng làm cho tới cùng”. Bà con chung quanh thì đề nghị cần có thanh chắn bằng sắt cho chắc chắn và đèn báo tàu tự động để 2 bác đỡ phải ra vào dòm chừng liên tục.

3 tháng nhận lương một lần (?!)

Trước kia, công việc chính của 2 bác là vác mía, kiếm được đôi ba chục mỗi ngày. Từ khi chuyển qua “làm việc Nhà nước”, họ chỉ tranh thủ làm thuê lúc chưa tới phiên trực, thu nhập chỉ còn 10.000 – 15.000 đồng/ngày. Nhưng 2 tháng nay, lương vẫn chưa tới tay họ. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Anh Dũng, chuyên viên Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu cho biết: “Mấy tháng rồi có rắc rối đôi chút vì một mình tôi phải làm luôn phần chi trả lương.

Tôi phải xuống phường Hòa Hiệp Nam ký bảng chấm công, rồi mới mang xuống Sở Giao thông vận tải để nhận tạm ứng mang về”. Trong khi đó, cán bộ Sở Giao thông vận tải khẳng định, tiền lúc nào cũng sẵn có, chỉ cần quận mang hóa đơn, bảng chấm công đến, Sở sẽ ứng ngay. Chúng tôi không hiểu, vì những khúc mắc gì mà 3 tháng một lần, 2 bác mới được trả công (tiền lương 500.000 đồng/tháng/ người)? Các cơ quan có trách nhiệm có cách nào đơn giản hơn, thủ tục ít hơn để việc trả lương được nhanh chóng hơn không? Dù bác Đại vẫn không kêu ca, không vì chuyện trả lương chậm mà xao lãng công việc, thì chúng tôi vẫn hy vọng, lời hứa của ông Lê Anh Dũng “từ tháng 9 sẽ trả lương từng tháng” sẽ được thực hiện.

 

Đối với dân quanh vùng, đoạn đường sắt ngang khối phố Xuân Dương (phường Hòa Hiệp Nam, Liên Chiểu) khá “nổi tiếng” về tai nạn đường sắt. Lâu lâu người ta lại nghe tiếng thét, tiếng ré thất thanh: “Trời ơi! Tàu kìa! Tàu kìa!”, rồi cuống cuồng chạy, quăng cả xe “bỏ của chạy lấy người”.

Vài vụ chết người đã xảy ra trong những năm qua, suýt chết cũng nhiều. Có người bị tàu kéo một đoạn nhưng may mắn thoát khỏi tay tử thần. Có 3 mẹ con, để thoát được thân, đành tiếc nuối nhìn chiếc xe máy bị cuốn vào bánh tàu vỡ tan tành.

Có người bị tàu kéo đến thân hình cũng không còn nguyên vẹn. Theo tâm linh của người dân, đoạn này có “noi” (bị ma ám) nên hay xảy ra tai nạn. Còn theo quan sát của chúng tôi, vì đường ray nằm giữa hai bờ dốc cao, hai bên cây cối nhiều nên tầm mắt bị che khuất, rất khó thấy tàu. Đường ray gần quốc lộ (cách chừng 5m), xe tải chạy rầm rập, còi “bíp” suốt ngày khiến ngay cả dân địa phương cũng không dễ phân biệt được tiếng còi tàu - còi xe.

Sở Giao thông vận tải thành phố giao cho Phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu thành lập một “đội” gác 2 người thay phiên nhau (từ 5 giờ – 12 giờ và từ 12 giờ – 19 giờ mỗi ngày) từ tháng 4-2008, với lương tháng 500.000 đồng/người, do Sở hỗ trợ một nửa, còn lại quận chịu trách nhiệm chi trả.

 

Bài và ảnh: T.NHAN

;
.
.
.
.
.