.

Mấy câu chuyện về vị chủ tịch chính quyền cách mạng đầu tiên của thành phố Đà Nẵng

.

Sáng ngày 26-8-1945, trên thành phố Đà Nẵng, khi tiếng còi tầm làm việc của thành phố vừa cất lên, ở tất cả các công sở, nhà máy và các khu phố đồng loạt treo cờ đỏ sao vàng, giăng biểu ngữ, đọc lệnh khởi nghĩa, tuyên tố xóa bỏ bộ máy điều hành cũ, thiết lập ban điều hành mới của các mạng.

Cũng trong ngày này, nhà cách mạng Lê Văn Hiến, Trưởng ban Khởi nghĩa của thành phố được lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng hộ tống tiến vào cổng chính tòa Đốc lý Đà Nẵng, báo hiệu sự thắng lợi hoàn toàn của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Đà Nẵng.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng và ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính đến cắt băng khai mạc triển lãm Bộ Quốc phòng tại Việt Bắc năm 1948. (Ảnh tư liệu)

Ngày 28-8-1945, tại Sân vận động Chi Lăng, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời của thành phố do ông Lê Văn Hiến làm Chủ tịch ra mắt quần chúng, công bố các chính sách lớn của Việt Minh.Vị Chủ tịch chính quyền cách mạng đầu tiên của Đà Nẵng là một chiến sĩ cách mạng, từng được cả nước biết tiếng. Nhiều chuyện kể gắn liền với cuộc đời của Chủ tịch Lê Văn Hiến được truyền tụng qua nhiều thế hệ.

Tác giả của tập sách “Ngục Kon Tum” nổi tiếng

Lê Văn Hiến sinh ngày 15-8-1904 tại một xóm nghèo - xóm Cây Thông - thuộc xã Phước Ninh, thành phố Đà Nẵng, bố làm phu khuân vác, mẹ buôn thúng bán bưng... Trước tháng 8-1945, Lê Văn Hiến được cách mạng cả nước biết rõ vì ông là tác giả của một tác phẩm nổi tiếng: “Ngục Kon Tum”.

Ông tham gia hoạt động cách mạng, bị thực dân bắt giam ba lần (1930-1935, 1939, 1940-1945). Trong cuộc vận động dân chủ thời kỳ 1936-1939, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Trung Kỳ, Lê Văn Hiến viết tập sách về cuộc đấu tranh đẫm máu ở ngục Kon Tum, nơi ông từng bị giam giữ, gửi cho Đảng Cộng sản Pháp và Mặt trận Bình dân Pháp, vận động hai tổ chức này đòi Chính phủ Pháp phải đại xá chính trị phạm ở Việt Nam và thực hiện các quyền tự do dân chủ khác. Sách được học giả Đặng Thái Mai dịch một phần ra tiếng Pháp và đăng tải trên báo Le Travail (Lao Động), lần đầu tiên được Nhà xuất bản Nguyễn Sơn Trà xuất bản năm 1938 (cách đây 70 năm) tại Đà Nẵng.

Trong lời mở đầu sách, tác giả cho biết mục đích ra đời của “Ngục Kon Tum”: “Trái với sự mong mỏi của nhân dân Đông Dương, một số chính trị phạm còn lăn lóc chịu đựng khốn khổ trong các ngục Côn Lôn, Buôn Mê Thuột, Sơn La... Vì những sự bất công ấy, nên “Ngục Kon Tum” phải ra đời để mong tránh các điều tệ hại sau này”.

Quyển sách ra đời chứa đựng nhiều giá trị nhân văn đã phục vụ kịp thời nhiệm vụ cách mạng trước mắt. Sau Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, “Ngục Kon Tum”  nhiều lần được in lại: lần thứ hai - 1946 - NXB Hoa Lư; lần thứ ba - 1958 - NXB Hội Nhà văn; lần thứ tư - 1970 - NXB Văn học. Quyển sách đã trở thành một di sản sử học và một di sản văn học quý giá.

Suýt bị xử bắn trước khi là Chủ tịch thành phố

Trước ngày Đà Nẵng giành chính quyền trong mùa thu Tháng Tám năm 1945, viên tư lệnh quân đội Nhật ở Đà Nẵng, chỉ huy toàn bộ lực lượng quân Nhật từ Bình Định trở ra Đà Nẵng muốn gặp Việt Minh để thu xếp việc tập kết quân đội Nhật được an toàn. Lê Văn Hiến đại diện Việt Minh Đà Nẵng gặp viên tư lệnh Nhật yêu cầu họ án binh bất động, không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Minh. Phía Nhật chấp nhận với điều kiện làm sao để du kích Việt Minh ở Quảng Ngãi cũng không đánh vào quân Nhật.
 
Lê Văn Hiến đi gặp Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chấp nhận yêu cầu của Nhật. Việc dàn xếp trên đây có lợi cho việc giành chính quyền ở Đà Nẵng và cả Quảng Ngãi. Nhưng có điều bất trắc là khi Lê Văn Hiến quay về lại Đà Nẵng thì gặp phải một số du kích Quảng Ngãi, họ nghi ông làm chỉ điểm cho Nhật, bắt trói ông lại và chuẩn bị xử bắn. Trong hoàn cảnh trớ trêu đó, Lê Văn Hiến đã bình tĩnh giải thích. Ông bảo phải được gặp Tỉnh ủy Quảng Ngãi rồi chết cũng được vì có việc quan trọng cần gặp. Tỉnh ủy Quảng Ngãi biết tin, kịp thời can thiệp và ông kịp về Đà Nẵng để lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền.

Người cộng sự đắc lực của Bác Hồ

Sau một tuần nhận nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Đà Nẵng, Lê Văn Hiến ra Hà Nội để tham gia Chính phủ Cách mạng lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó, ông đã trở thành người cộng tác gần gũi và đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đang làm Bộ trưởng Bộ Lao động, từ đầu tháng 12-1945, ông được Bác Hồ cử làm Đặc phái viên Chính phủ đi kiểm tra, chỉnh đốn các cơ quan chính quyền địa phương, kinh lý các mặt trận ở Trung Bộ và Nam Bộ. Thay mặt Chính phủ Trung ương, ông đã xử lý hàng loạt vấn đề mới mẻ mà các cấp chính quyền địa phương lúc đó còn rất bỡ ngỡ.

Cuối tháng 2-1946, trở về Hà Nội, ông được đề cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trong năm 1946 và suốt 8 năm kháng chiến, Lê Văn Hiến giữ vai trò chủ chốt trong nhiệm vụ tài chính của Chính phủ kháng chiến. Với trọng trách này, ông hết sức cố gắng. Trong “Nhật ký của một Bộ trưởng”, ông viết những dòng rất cảm động:

“28-6-1947: Mấy hôm nay có vẻ rảnh rang để tâm nghiên cứu nhiều về tài chính và luật lệ tài chính. Biết thêm được rất nhiều và ôn lại những điều đã biết từ lâu nay nhờ công việc làm thường ngày. Sự thật chứng minh còn kém nhiều quá về luật tài chính và khoa học tài chính.

Với một trình độ văn hóa rất tầm thường, lúc thanh niên vì nghèo phải bỏ học ra làm ăn sớm, trong đời lại gặp bao nhiêu điều tai họa, vào tù ra khám, chẳng có chút hoàn cảnh nào thuận tiện để tìm tòi hiểu biết gì hơn. Với một trình độ văn hóa tầm thường như thế, đột nhiên lãnh một vai trò quan trọng đối với quốc gia, trong lúc này, thật là một việc quá sức  mình nhiều quá.

Có chăng chỉ được một tấm lòng thành, tận tụy với nhiệm vụ và luôn luôn sẵn sàng hy sinh cho tiền đồ của dân và của nước. Nhưng “tâm” không đủ, phải có chân “tài”. Lúc này hơn lúc nào hết, quốc gia đương cần người tài năng để cáng đáng công việc, phải có tài năng, có văn hóa cao, có sáng kiến mới đủ sức gánh vác được. Còn chúng mình thì, nếu cần, cũng chỉ cần trong lúc còn phải phấn đấu gian nan. Qua khúc này, tất nhiên phải nhường lại cho những nhân tài xứng đáng hơn”.

Dẫu suy nghĩ khiêm tốn như vậy nhưng cống hiến của ông trong lĩnh vực tài chính trong thời kháng chiến chống Pháp là rất to lớn. Chuyện kể rằng, trong một bữa ăn tối sau phiên họp Hội đồng Chính phủ tại Việt Bắc, Bác Hồ có ra một câu đối vui: “Giáp phải giải Pháp”. Ông Tôn Quang Phiệt đối lại: “Hiến tài hái tiền”. Bác Hồ khen vế đối hay và thưởng một điếu thuốc. Cái hay của câu đối không chỉ ở vần, chữ, mà còn ở chỗ nói được cả hai vai trò quan trọng chiến lược lúc đó: đánh giặc và nuôi quân, kháng chiến và kiến quốc. (Đặng Phong viết trong bài “Sơ lược về tiểu sử ông Lê Văn Hiến”).

Năm 1961, tình hình Lào rất phức tạp, cần một người chín chắn, tế nhị, có văn hóa, có tính kiên nhẫn, biết đối nhân xử thế làm Đại sứ Việt Nam tại Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ đặc biệt này cho Lê Văn Hiến. Trong 15 năm ở cương vị này, Lê Văn Hiến đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ông Lê Văn Hiến qua đời ngày 15-11-1997. Ông không còn nữa, nhưng hình ảnh vị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân đầu tiên của thành phố Đà Nẵng sau ngày Cách mạng Tháng Tám thắng lợi vẫn còn mãi trong lòng hậu thế!

PHẠM HỒNG VIỆT

 

;
.
.
.
.
.