Những gương mặt xuất sắc thể thao Đà Nẵng

.

Với cách làm khoa học, chặt chẽ, linh hoạt, thể thao thành tích cao Đà Nẵng từng bước vươn tầm, khẳng định vị thế tại các giải vô địch quốc gia lẫn đấu trường quốc tế. Năm 2023, các vận động viên Đà Nẵng nỗ lực thi đấu, đạt thành tích cao tại SEA Games 32 và Asiad 19.

Nguyễn Thị Thanh Phúc.  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nguyễn Thị Thanh Phúc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Thị Thanh Phúc
Truyền cảm hứng đi bộ cho cộng đồng

Trên đường đua nội dung đi bộ 20km bên ngoài đền Angkor Wat (thành phố Siem Reap, Campuchia), “nữ hoàng đi bộ” Nguyễn Thị Thanh Phúc băng băng về đích, giành huy chương Vàng (HCV) đầu tiên, mở đầu cho kỳ SEA Games 32 thành công trên đất khách của đoàn thể thao Việt Nam. Chứng kiến màn thể hiện của Thanh Phúc, người hâm mộ không khỏi thán phục ý chí, nghị lực của cô gái sinh năm 1990.

Kể từ lần đầu tiên xuất hiện trên đấu trường quốc gia khi tham gia thi đấu giải vô địch điền kinh trẻ năm 2001, đến nay, Nguyễn Thị Thanh Phúc có 22 năm cống hiến cho thể thao Đà Nẵng cũng như thể thao Việt Nam. Quãng thời gian ấy xảy ra không ít sự cố, đủ để làm suy giảm ý chí của không ít vận động viên (VĐV), nhưng với Thanh Phúc thì khác. Có lẽ, việc sinh ra và lớn lên trong một gia cảnh khó khăn đã góp phần rèn giũa Thanh Phúc từ nhỏ. Ngay cả việc chọn đi bộ - một trong những nội dung được xem là “xương” nhất của điền kinh, cũng cho thấy ý chí mạnh mẽ của cô.

Tấm HCV SEA Games 32 là HCV thứ 5 sau các năm 2011, 2013, 2015, 2022 trong 6 lần tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á của Thanh Phúc. Ngoài ra, trong năm 2023, cô xuất sắc có lần thứ 17 giành HCV ở giải vô địch quốc gia. “2023 là năm để lại nhiều ấn tượng với cá nhân tôi. Lần thứ 6 tham dự đại hội thể thao Đông Nam Á và vinh dự đứng lên bục vinh quang, nhưng cảm xúc vẫn như lần đầu giành HCV năm 2011. Đó là thành quả sau những ngày nỗ lực tập luyện cùng sự quan tâm, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất của các cấp lãnh đạo. Ngoài ra, tấm HCV thứ 17 ở giải vô địch quốc gia mang đến niềm vui lớn với tôi”, Thanh Phúc chia sẻ.

Ở tuổi 34, sau những thành công, Thanh Phúc vẫn miệt mài tập luyện, hướng đến mục tiêu bảo vệ HCV giải vô địch quốc gia, SEA Games và xa hơn là tấm vé dự Olympic Paris 2026. Thanh Phúc hy vọng, những cố gắng, nỗ lực của cô sẽ truyền cảm hứng cho các VĐV trẻ vươn lên khẳng định mình.

Ngoài chuyên môn, hiện “nữ hoàng đi bộ” thực hiện dự án lan tỏa, truyền cảm hứng đi bộ đến cộng đồng. Bên cạnh việc tích cực hướng dẫn cho những người mới chơi, cô còn chủ động tham gia các giải chạy, các sự kiện cộng đồng để “dụ dỗ” mọi người tập luyện môn đi bộ. “Tập đi bộ giúp mình không bệnh vặt, cơ thể dẻo dai, tinh thần sảng khoái, năng lực dồi dào để làm việc hiệu quả. Tôi tin phong trào đi bộ sẽ lan tỏa mạnh trong thời gian tới, bởi tôi trực tiếp huấn luyện cho nhiều VĐV đi bộ phong trào và nhận phản hồi từ họ là rất thích! Nếu người chơi được tập đúng kỹ thuật, tôi nghĩ đây là môn thể thao phù hợp cho nhiều lứa tuổi, cả già, trẻ, trai, gái. Tôi hạnh phúc khi được sống với đam mê chơi thể thao và truyền cảm hứng cho cộng đồng”, Thanh Phúc cho hay.

Trần Lê Tấn Đạt (bên trái).  Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trần Lê Tấn Đạt (bên trái). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trần Lê Tấn Đạt
Không chùn bước trước khó khăn

Những năm qua, Trần Lê Tấn Đạt được biết đến là gương mặt vàng của karate thành phố. Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Quảng Trị, từ nhỏ Tấn Đạt luôn tạo cho mình tính kỷ luật, ý chí vươn lên, không khuất phục trước những khó khăn. Chơi nhiều môn thể thao nhưng đến năm học lớp 8, anh nhận thấy bản thân phù hợp và có khả năng phát triển ở môn karate. Năm 2015, anh được các thầy tại Trung tâm Huấn luyện và đào tạo VĐV thể dục - thể thao Đà Nẵng tuyển chọn để tham gia đào tạo ở bộ môn này.

“Đây là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của tôi. Trước đó, một người anh đã giới thiệu tôi vào Đà Nẵng thi tuyển với mục đích thử sức mình nhưng không ngờ được chọn vào đội tuyển karate thành phố. Gia đình không có ai theo con đường thể thao chuyên nghiệp nên khi tôi vào sinh hoạt, tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện và đào tạo VĐV thể dục - thể thao Đà Nẵng, mọi người đều lo lắng. Dù vậy, từ sự động viên của người thân và được các thầy tận tình hướng dẫn đã giúp tôi thêm quyết tâm theo đuổi môn karate. Từ khi đi theo con đường VĐV chuyên nghiệp, đến nay được 8 năm, tôi rất vui vì những nỗ lực của bản thân đã được đền đáp xứng đáng khi đạt nhiều thành tích cao cho thể thao nước nhà và Đà Nẵng”, Tấn Đạt bộc bạch.

Đối với nhiều VĐV, việc phải tập luyện cường độ cao thường không tránh khỏi chấn thương, thậm chí chấn thương nhiều lần. Tấn Đạt cũng không tránh khỏi tình trạng này. 8 năm tập luyện, thi đấu với nhiều lần gặp chấn thương nhưng với tình yêu dành cho môn karate và được các thầy tận tình động viên đã tạo động lực để anh vươn lên. Với những cố gắng vượt bậc, những năm qua, anh có những bước tiến trong sự nghiệp và liên tiếp đạt được những kết quả nổi bật với môn karate. Sau 2 năm được tuyển chọn vào đội tuyển thành phố, năm 2017, Đạt được gọi tập trung đội tuyển trẻ quốc gia. Năm 2018, anh giành 1 HCV cá nhân tại giải karate vô địch trẻ Đông Nam Á. Năm 2021, ở tuổi 18, VĐV Đà Nẵng được gọi tập trung đội tuyển quốc gia. Một năm sau, anh giành 1 HCV cá nhân hạng cân trên 84kg và 1 huy chương Bạc đồng đội tại giải karate vô địch Đông Nam Á. Năm 2023, cũng tại đấu trường khu vực, Tấn Đạt giành 3 HCV, trong đó có 2 HCV cá nhân và 1 HCV đồng đội. Tại SEA Games 32, anh giành 1 HCV đồng đội nam. Ngoài ra, anh còn nhiều lần mang về HCV cho đoàn thể thao Đà Nẵng tại Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc.

“Đà Nẵng là nơi giúp tôi thực hiện ước mơ và gặt hái thành công trên con đường theo đuổi thể thao chuyên nghiệp. Tương lai chắc chắn còn nhiều chông gai, trở ngại, nhưng tôi sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu để giành thêm những tấm huy chương cao quý, góp phần mang vinh quang về cho thể thao Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung”, Tấn Đạt thổ lộ.

Trần Thị Kiệt (thứ hai, bên trái sang), Nguyễn Lâm Kiều Diễm (bên phải). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trần Thị Kiệt (thứ hai, bên trái sang), Nguyễn Lâm Kiều Diễm (bên phải). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguyễn Lâm Kiều Diễm và Trần Thị Kiệt
Tự tin hướng đến tương lai

Đua thuyền là môn thế mạnh của thể thao Đà Nẵng trong những năm qua. Năm 2023, cùng với Phạm Thị Huệ - vận động viên có sự nghiệp đồ sộ với vô số danh hiệu, Nguyễn Lâm Kiều Diễm và Trần Thị Kiệt mang về huy chương Đồng (HCĐ) nội dung 8 nữ 1 mái chèo môn Rowing cho thể thao Việt Nam tại Asiad 19.

Nguyễn Lâm Kiều Diễm và Trần Thị Kiệt năm nay 23 tuổi, là những VĐV tiềm năng của đua thuyền Đà Nẵng. Kiều Diễm quê tỉnh Long An, được các thầy tại Trung tâm Huấn luyện và đào tạo VĐV thể dục - thể thao Đà Nẵng tuyển chọn để tham gia đào tạo ở môn đua thuyền năm 2019. Trong khi đó, Trần Thị Kiệt quê tỉnh Bạc Liêu, đầu quân cho thể thao Đà Nẵng năm 2014. Trong quá trình làm quen, tập luyện, Kiều Diễm và Trần Thị Kiệt cho thấy những tố chất để phát triển ở môn đua thuyền. Những năm qua, hai VĐV trẻ này được tuyển chọn vào đội tuyển quốc gia để thi đấu quốc tế.

“Asiad 19 là kỳ đại hội mang tầm châu lục lần đầu tiên tôi tham dự và may mắn giành HCĐ. Đây là niềm vinh dự và động lực để tôi nỗ lực phấn đấu giành thêm những huy chương cao quý. Thời gian qua, tôi được các thầy tại đội tuyển quốc gia và tại Trung tâm Huấn luyện và đào tạo VĐV thể dục - thể thao Đà Nẵng hỗ trợ nhiều trong tập luyện, nâng cao trình độ chuyên môn. Tôi sẽ nỗ lực thi đấu đạt thành tích cao tại các giải đấu trong tương lai”, Kiều Diễm chia sẻ.

Cũng như Kiều Diễm, tấm HCĐ Asiad 19 đánh dấu bước tiến mới trong sự nghiệp, tiếp thêm tự tin để Trần Thị Kiệt hướng đến thành tích cao hơn. Là VĐV trẻ, Kiều Diễm và Trần Thị Kiệt luôn giữ lối sống khoa học, kỷ luật, nỗ lực hằng ngày để rèn luyện, thi đấu. “Tấm HCĐ ấy là thành quả sau bao cố gắng và nỗ lực của không riêng cá nhân tôi mà là của thể thao Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Đằng sau vinh quang là mồ hôi, là nước mắt nhưng đó là những sự đánh đổi xứng đáng. Tôi tự nhủ với lòng sẽ tiếp tục cố gắng không ngừng để hướng tới những những thử thách, chinh phục những mục tiêu cao hơn tại các giải đấu trong năm 2024”, Trần Thị Kiệt tâm sự.

PHI NÔNG

;
;
.
.
.
.
.