.

Tuyên chiến với bệnh hình thức

“Tăng trưởng GDP của thành phố trong năm 2013 là 8,1%. Đây là con số thực chất. Chúng ta chấp nhận đây là thực tế để phấn đấu hơn nữa chứ không cần chỉnh sửa để có con số đẹp”.

Đó là phát biểu của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương tại Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2009-2014. Đây cũng như là sự tuyên chiến với bệnh hình thức theo tinh thần Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương phân tích: Khi chúng ta xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng GDP hằng năm từ 11-13% đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2010-2015 thì lúc đó chưa lường trước được những khó khăn, thách thức của những năm gần đây. Tăng trưởng không đạt theo chỉ tiêu nghị quyết đề ra nhưng chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật này. Cần khẳng định rằng, trong tình hình cực kỳ khó khăn như hiện nay mà thành phố vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP 8,1% là một kết quả mà không phải địa phương nào cũng làm được.

Coi trọng con số tăng trưởng thật nên năm 2013 thành phố Đà Nẵng cũng lập nên những kết quả rất khích lệ. Đó là hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách đạt 107% kế hoạch, lần đầu tiên thành phố thu ngân sách từ thuế, phí đạt 6.500 tỷ đồng. 2013 cũng là năm đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt 1,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, năm qua thành phố đón trên 3,1 triệu lượt du khách, cao nhất từ trước đến nay; trong khi Cảng Đà Nẵng đẩy mạnh hoạt động để xác lập kỷ lục 5 triệu tấn hàng qua cảng. Đây là những thành tích thực chất của thành phố, đồng thời phản ánh nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố chung tay, đồng thuận vượt qua khó khăn, thách thức.

Không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, bệnh hình thức có mặt trong nhiều lĩnh vực khác. Đây là đối tượng trọng tâm trong nội dung “3 chống” của Chỉ thị số 29-CT/TU. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu: Tập trung đấu tranh, chống bệnh hình thức, phô trương, lãng phí trong mọi hoạt động công vụ; kiên quyết xóa bỏ các biểu hiện chạy theo thành tích, không quan tâm đầy đủ, toàn diện đến hiệu lực, hiệu quả và tác động của các chính sách quản lý, điều hành của Nhà nước; đặc biệt chống các biểu hiện của bệnh hình thức, tùy tiện trong thực thi pháp luật, xử lý vi phạm, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức các phong trào thi đua, các ngày kỷ niệm, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, đi nước ngoài. Mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần thay đổi nhận thức, có thái độ nghiêm túc, thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá đúng thực tế, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Bệnh hình thức luôn có mối quan hệ chặt chẽ với thành tích ảo, không thực chất, nặng về phô trương với tính chất “đầu voi, đuôi chuột”, “cưỡi ngựa xem hoa”. Bệnh hình thức có biểu hiện từ thái độ làm việc của cán bộ, công chức là qua loa, đại khái, quan liêu, cửa quyền, mệnh lệnh hành chính, xa rời quần chúng và thực tế công việc; thiếu tinh thần trách nhiệm; thờ ơ, vô cảm khi tiếp xúc, giải quyết công việc và trước khó khăn của nhân dân. Từ đây dẫn đến nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân là không xa. Bệnh hình thức và bệnh thành tích ảo cũng tất yếu sẽ sinh ra tật “chạy” bằng khen, cờ thi đua, huân chương, huy chương, danh hiệu...

Vì vậy, chống bệnh hình thức phải đi cùng với chống quan liêu, chống tiêu cực trong nội dung “3 chống” kết hợp với thực hiện các nội dung “5 xây”. Lấy “xây” để “chống” và lấy “chống” để “xây”, phải thực hiện một cách kiên quyết như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phải kiên quyết tẩy sạch khuyết điểm ham chuộng hình thức”.

ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.