.

Lật tẩy "chiêu" vơ vét huy chương của chủ nhà Myanmar

.

Chơi xấu, câu kết với trọng tài và “cướp” huy chương trắng trợn là những “chiêu” mà chủ nhà SEA Games 27 đang dùng để vơ vét huy chương.

Myanmar đưa môn Chinlone vào SEA Games để thâu tóm huy chương (Ảnh: Vnexpress)
Myanmar đưa môn Chinlone vào SEA Games để thâu tóm huy chương (Ảnh: Vnexpress)

Tận dụng tối đa quyền của chủ nhà

SEA Games từ trước đến nay vẫn được coi là "ao làng” cho 11 quốc gia Đông Nam Á tập bơi, không hơn không kém. Trong mỗi kỳ “tập bơi”, những nước chủ nhà đều thể hiện được tối đa quyền làm chủ của mình để vơ vét huy chương của đại hội.

SEA Games 27, nước chủ nhà Myanmar cũng không bỏ lỡ cơ hội để thực hiện những việc làm đã thành thông lệ của mỗi quốc gia đứng ra tổ chức kỳ đại hội thể thao của khu vực. Ở SEA Games năm nay, Myanmar đã cắt giảm hầu hết các nội dung thể thao thế mạnh của các quốc gia có nền thể thao phát triển nhất nhì khu vực như Thái Lan, Malaysia và cả Việt Nam.

Myanmar đã đưa vào đại hội những môn thể thao lạ như Chinlone để thâu tóm huy chương. Những môn thể thao thế mạnh của các nước như: môn Muay của Thái Lan, Vovinam của Việt Nam, được cho vào thi đấu ở đại hội cũng phải đồng ý “chia” huy chương cho Myanmar.

Ngoài ra, nước chủ nhà SEA Games 27 đã ra những quy định hết sức trái khoáy khiến các nước tham dự không khỏi bực mình. Điển hình là ở môn Cử tạ, Myanmar chỉ cho mỗi quốc gia đăng ký 2 VĐV thi đấu ở 1 hạng cân, nhưng người tham gia tranh tài thì chỉ có 1. Quy định này khiến các nước có nền Cử tạ phát triển như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam hết sức bực mình.

Câu kết với trọng tài để “xử ép”

Ngoài việc cắt giảm những nội dung sở trường của các nước tham dự SEA Games, Myanmar còn “bắt tay” với trọng tài xử ép vận động viên của các nước trong khu vực, nhằm cướp HCV của các nước khác. Hành động không đẹp này của Myanmar đã bị báo chí Malaysia, Thái Lan và Việt Nam phải liên tục chỉ trích.

Các cô gái Karatedo bật khóc khi bị trọng tài xử thua trong trận chung kết (Ảnh: Vnexpress)
Các cô gái Karatedo bật khóc khi bị trọng tài xử thua trong trận chung kết (Ảnh: Vnexpress)

Việt Nam là quốc gia đầu tiên phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi bị trong tài cướp trắng HCV ở môn Karatedo. Trong trận chung kết nội dung kata đồng đội nữ, 3 VĐV hàng đầu thế giới là Thu Hà - Thanh Hằng - Hoàng Ngân đã có bài biểu diễn hơn hẳn nước chủ nhà, nhưng các trọng tài đã xử Việt Nam thua 1-4, khiến tất cả những người theo dõi và ban huấn luyện đội tuyển karatedo “ngỡ ngàng”. Ngay sau trận đấu, tổ trọng tài đã mổ băng và tự lên tiếng xin lỗi các VĐV karatedo của Việt Nam, nhưng, tất cả đã quá muộn vì huy chương đã được trao cho các VĐV của Myanmar.

Sau Karatedo, đến lượt môn đi bộ, VĐV Thanh Phúc của Việt Nam, nhà đương kim vô địch SEA Games đã bị cướp huy chương trắng trợn vì trọng tài đã thiên vị VĐV nước chủ nhà Myanmar. Ở nội dung đi bộ 20km, VĐV của Myanmar thay vì đi bộ theo luật, cô đã…chạy bộ đến đích để cướp huy chương vàng trước sự uất ức của nhà đương kim vô địch SEA Games Thanh Phúc.

Thanh Phúc không cầm nổi nước mắt khi bị trọng tài xử ép (Ảnh: Quang Trung)
Thanh Phúc không cầm nổi nước mắt khi bị trọng tài xử ép (Ảnh: Quang Trung)

Ở môn thể hình cũng vậy, nhà vô địch châu Á và á quân thế giới ở hạng cân 55kg, lực sĩ Phạm Văn Mách cũng chỉ giành được HCĐ ở SEA Games. Thất bại của mách Phạm Văn Mách trong việc tranh tấm HCV có công lớn của nước chủ nhà Myanmar khi ban tổ chức đã đánh tráo nhạc nền của anh. Chung cảnh ngộ với người đàn anh, lực sĩ Nguyễn Anh Thông người vô địch thế giới ở hạng cân 60kg cũng chỉ giành HCB ở SEA Games khi trọng tài thiếu công tâm.

Ngoài các môn Cử tạ, Thể hình thì Bơi lội, Pencak Silat cũng bị trọng tài chèn ép khiến đoàn TTVN bị mất huy chương một cách đáng tiếc.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bị nước chủ nhà “chơi xấu”, Malaysia cũng phải chịu ấm ức không kém. Ở trận chung kết ở hạng cân 61- 65 kg của môn Pencak silat, VĐV Ahmad Shahril người 4 lần vô địch thế giới, 3 lần vô địch SEA Games, đã bị trọng tài cho về nhì khi đối đầu với VĐV của nước chủ nhà. Sau trận đấu Ahmad Shahril cho biết: “Tôi bị sốc với thất bại này. Tôi kiểm soát tốt trận đấu nhưng không được công nhận 3 điểm ở hiệp đấu thứ 3. Tôi cảm thấy như tổ trọng tài đã cướp huy chương của tôi để trao cho VĐV Myanmar”.

Rất nhiều những vận động viên từng “làm mưa làm gió” ở sân chơi châu lục cũng như thế giới, nhưng khi về đến “ao làng” đã bị…dìm chết bởi những quyết định khó hiểu của trọng tài, cũng như những “chiêu trò” của nước chủ nhà SEA Games 27 Myanmar. Đây là điều hết sức phi lý chỉ có ở sân chơi SEA Games mà thôi.

VOV

;
.
.
.
.
.