.
TRUYỆN NGẮN

Gánh cá đêm

.

Năm nào cũng vậy, mùa cá ở đây thường rộ lên cùng với những cơn mưa dầm. Những cơn mưa “nổi bong bóng nước” vậy hay bắt đầu từ lúc sáng bảnh mắt ra đến khi nhập nhoạng đèn. Mưa chỉ ngưng thường vào lúc đứng bóng, như để cho người ta biết khoảng đánh dấu nửa ngày. Rồi mặt trời lại nhanh chóng bị xóa đi, không còn biết đâu là đâu mãi tới lúc lên đèn. Cứ thế…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Riêng cồn Chà hôm nay thì mưa liên miên, mưa đến giữa trưa cũng không lòi ra nổi mặt trời. Khi nghe quán Hoa Hồng mở nhạc xập xình để rủ rê dân nhậu, Hà mới biết đã bốn giờ chiều. Hoa Hồng là quán nhậu bên hông bến chợ, nơi Hà thường gánh cá mướn đi qua. Vì chuyên doanh nhậu nhẹt, Hoa Hồng chỉ mở cửa từ bốn giờ chiều trở đi và đến quá nửa đêm thì đóng quán. Suốt từ năm ngoái tới nay, giờ giấc đóng, mở quán đã trở thành “kim đồng hồ” cho những người như Hà. Và mặt khác, nó “cầm chịch” sinh hoạt của bến chợ về đêm. Dù khuya khoắt, mưa gió mức nào, song thấy quán Hoa Hồng còn mở cửa, sáng đèn là có thể gánh thêm  được dăm gánh cá nữa. Chị em gánh mướn cùng Hà thường bảo nhau như vậy.

Hà đứng khuất vào dưới hiên mưa, nối lại tau gióng gánh vừa đứt của mình.

- Không gánh mau người ta gánh hết chừ, con nhỏ!

Dì Tư Ẹ vừa sang vai gánh cá, lướt qua trước mặt Hà nói. Chiếc quần ĩu nước dính đầy vảy cá chen giữa hai bắp vế mập, chạy lấn nhau nghe lịt kịt loáng cái đã khuất vào màn mưa. Hà định trả lời nhưng dì đã đi xa rồi. Cô lại cắm cúi với tau gióng đứt của mình. Từ đầu mùa cá đến giờ, chưa nơi nào thuê gánh “sộp” như chỗ Vĩnh Hương này cả. Với cùng một cự ly như người ta, bao giờ Vĩnh Hương thuê cũng trả gần gấp đôi. Cụ thể là lần thuê chị em đang gánh chạy thục mạng này. Những nơi khác trả chưa tới hai nghìn đồng nhưng Vĩnh Hương cứ ba nghìn cho mỗi gánh. Đã vậy ông còn cho những người nhỏ như cô gánh, miễn rằng cứ mỗi đầu thúng kham nổi ba xúc cá thì thôi. Về mặt tiền bạc cũng rất ư sòng phẳng. Chồng thúng gánh là nhận tiền. Không tìm cớ gối đầu thuê mướn lôi thôi. Thậm chí “giữa đường gãy gánh” cũng được nhận tiền ngay một cách vui vẻ. Do thế, mỗi lần Vĩnh Huơng cá nhập lều là một lần “nhất hô bá ứng”. Ai gánh chậm, ít chuyến  người ấy thiệt.

Tiếc rằng khi Hà hay tin Vĩnh Hương nhập lều, lại đang lúc cô gánh đằng Tư Trọng. Và giờ chưa được mấy chuyến, gióng gánh đã thế này… “Phải cố lên dăm gánh nữa để thêm vào tiền thuốc cho em”, Hà bụng nhủ dạ thế.

- Sao vậy Hà, bộ đứt gióng hả?

- Đứt gióng lúc này là kể như… đứt tiền!

Chị Xí và một chị nữa Hà không biết tên, đi ngang nói qua màn mưa. Hà gồng hết sức mình bẻ lại sợi gióng sắt, nói với theo:

- Nối gần được rồi, em theo bây giờ.

Mấy chiếc rổ tre nhẹ tênh trong gióng lượt về nẩy lên theo từng bước đi của họ dưới mưa. Hà vội vàng quơ cục gạch, đập chỗ sợi gióng sắt nối cho co chéo lại. Xong, cô tất tả chạy theo nhóm chị Xí. Cùng với trớn chạy, hai chiếc rổ đong đưa qua lại như muốn văng ra khỏi gióng. Cô phải tay trước tay sau giữ lấy chúng. Mưa vẫn không mệt mỏi trong âm mưu biến con đường gánh cá thành bùn. Hà đã bắt kịp cái đuôi của nhóm chị Xí.

- Còn mấy gánh nữa thì hết, tụi bây? Giọng của một chị nào đâu giữa nhóm cất lên trong màn mưa.

- Giỏi lắm là… năm chục gánh nữa!

- Bốn chục là cùng!...

Đoàn gánh cá cho Vĩnh Hương đợt này đâu khoảng hơn ba chục người. Nếu bình quân số cá còn lại năm chục gánh, được hai gánh nữa phải là những người trên đường đi ngược lại, hoặc chí ít cũng đang chờ xúc cá vào rổ. Chợt hai ba người cùng hỏi lên một câu nơi đầu nhóm:

- Còn mấy gánh nữa dzậy, mấy bà?

- Mấy gánh nữa hở?

Hà thấy mấy thúng cá đang ló tới trong mưa và các giọng nói nghe hụp hưởi vì chạy mệt:

- Hết rồi!

- Giỡn chớ, còn một gánh nữa.

Một chị khác lại ra vẻ bất lực trước việc “khứ hồi”:

- Mấy bà có vừa đi vừa ngủ, cũng còn được một gánh nữa!

Cả bọn quay về đồng loạt nhường đường cho người gánh đi. Những con cá nằm eo xèo, lộn lạo trong thúng, rổ đầy ắp lướt qua. Mùi cá tanh, mùi mồ hôi và bao mùi đàn bà con gái khác dậy lên trong màn mưa. Từ một đầu thúng mấy con cá trơn rớt xuống đường, chẳng mấy chốc lẫn ngay vào bùn bởi bước chân của những người đi sau đó. Trên nón lá Hà, mưa vẫn rơi đều hạt. Những hạt mưa rơi gặp nón tạo ra âm thanh đều đều, ru ngủ một cách không cần thiết. Hà cứ chốc chốc lại phải nắm gióng, chạy theo cho kịp nhóm người. Cô năm nay mười lăm song trông phổng phao hơn tuổi khá nhiều. Phổng phao vậy nhưng ở các cuộc gánh mướn, chạy đua thực sự với sức lực này, Hà phải luôn cố gắng mới theo kịp những người tuổi tác đáng vào hàng chị, hàng mẹ của mình.

Hai đống cá to tướng Hà thấy sau lượt gánh đi, giờ về chỉ còn non một. Và đúng như mấy chị vừa gặp trên đường nói, sau tốp của Hà xong, còn không đầy mươi gánh nữa là hết. Mươi gánh này chắc chắn sẽ không đến lượt người chờ lấy cá như cô. Nghĩ vậy, Hà thư thả đặt đôi rổ mình bên mé vá xúc của anh Tòng. Anh Tòng thường xúc vào rổ Hà những vá rất “non”, nên gánh của cô chuyến nào cũng nhẹ hơn của các chị khác.

- Xong! Tòng nói với Hà, mắt vẫn không rời vá xúc của mình.

- Hà-nhỏ!

Hà xướng lên với người thư ký vậy vì đây có tới hai Hà. Cô là Hà-nhỏ, còn chị bên kia sông lớn tuổi hơn, gọi Hà-lớn. Sau khi thấy thư ký đánh dấu mình vào sổ xong, cô khoác gánh lên vai.

Chuyến cuối cùng của lều cá Vĩnh Hương nên chị em chạy tương đối thong thả, không tranh thủ theo kiểu “chụp giựt” như các gánh trước. Lúc ra khỏi bến chợ một đỗi, bỗng chị Xí hỏi ra sau:

- Xong chỗ Vĩnh Hương, em có đi gánh đâu nữa hông, Hà?

Từ nãy giờ Hà chạy sau chị Xí, cô chẳng thấy chị ngoái lại lần nào mà hỏi trúng phóc ngay mình. Hà vội sang vai gánh:

- Dạ hông! Mà… chi vậy chị?

Cái bụng chân trắng bóc bên dưới hai ống quần xắn cao theo kiểu móng lợn của chị Xí vẫn bước thoăn thoắt:

- Còn hỏi! Thì đi gánh tiếp nữa chớ chi.

Mưa vẫn miên man và có phần nặng hạt hơn trên nón lá. Hà thấy thấm lạnh. Dầm mưa thế này, cơ thể vận động luôn chẳng sao, chứ đứng tại chỗ một lát sẽ rét run ngay. Nghĩ vậy, cô bắt đầu chạy nhanh dần lên. Có tiếng chị nào cằn nhằn từ phía sau:

- Không chạy nhanh thì né qua bên, người ta đi với chớ. Cứ gánh chàng ràng, chàng ràng, chờ bắt mệt!

- Bà nào chạy trước mà… cà chớn vậy hả?

Nghe tiếng phản đối mình từ phía sau, Hà vội nép vào mé đường cho họ vượt qua…

- À… tưởng ai chớ… nhỏ Hà!

Hà cũng vừa nhận ra chị Cẩm, người cùng xóm. Sau câu nói, Cẩm chậm lại phía trước cô. Cả hai thong thả gánh chạy cuối hàng người. Cẩm vừa tiện chân hất nhẹ sang bên đường hòn đá, vừa hỏi lại Hà qua tiếng đầu gánh kêu lít kít:

- Bộ mệt hay… “có chuyện” sao gánh chệnh rệnh vậy Hà?

Hà chồm tay hất lên con cá muốn sóc ra khỏi miệng thúng:

- Đâu có chị, tại gióng em vừa nối, nó… sao đâu!

- Tối giờ, được nhiêu gánh rồi, Hà? Tiếng chị Cẩm lại hỏi.

- Hai gánh chớ mấy, chị ơi. Lúc nghe bên này, em kẹt gánh chỗ Tư Trọng.

- Hèn gì, uổng hôn!

- Chớ chị được bao nhiêu?

- Kể luôn gánh này là mười tám, Cẩm vừa sang vai gánh chạy vừa hồ hởi.

- Ngon quá hén! Em bữa nay đằng ông Trọng cũng vậy mà đây cũng vậy, bị đủ thứ chuyện, có theo kịp ai đâu, bảo cho nhiều.

Hai người chạy sang khoảng sáng lều bán mì Quảng bà Tư Béo. Mùi nước dùng, gia vị bay ra ngào ngạt. Hà chợt nhớ ra từ sáng đến giờ ngoài hai nghìn đồng xôi, cô chẳng ăn gì. Cơn mưa liên miên cả ngày nay cộng với cấp tập gánh, khiến cái bụng quên đòi hỏi nhu cầu thường buổi. Bây giờ lều mì quảng bà Tư đã nhắc nhở cơn đói. Bước chân Hà cơ hồ chậm lại. Lát nữa về chắc mình phải nấu cơm cho nhiều nhiều lên.

Hà chợt nghĩ đến trách nhiệm nấu cơm mỗi chiều của mình. Trước đây thì không thế. Lúc nào Hà bận gánh “thông tầm” hay việc gì khác, ba cô nếu không đi biển, ở nhà nấu. Từ ngày ba trong một chuyến biển mãi mãi không về vì gặp bão, thì mẹ nấu. Gần tháng nay từ ngày mẹ sinh bé Du, Hà phải nấu ăn ngày hai bữa. Sáng và chiều. Bữa trưa nếu cô về thì nấu, không thôi. Thường những hôm Hà biết trưa không về, bữa sáng cô nấu nhiều lên để dôi ra cho mẹ ăn trưa . Hôm nay xong gánh này, Hà nghỉ tương đối sớm về nấu cơm. Hơn nữa bé Du bệnh, đêm hôm có cô ở nhà cho mẹ đỡ lo.

- Mai Hà gánh cá cho ai? Tiếng chị Cẩm dạt lại sau với những giọt mưa đã bắt đầu to hạt.

- Em chẳng biết nữa! Sáng ra bến chợ rồi tính.

Mưa trở trời mỗi lúc một to. Những hạt nước gặp gió leo theo quai nón nhỏ giọt dưới cằm Hà. Nước bắt đầu ùa vào con hẻm sình, qua mỗi bước chân “bập bách”, nó văng lên như pháo hoa. Vừa quẹo vào hẻm Hai Lới, chân Hà bỗng trượt đi khi đạp phải hòn đá. Theo đà chạy lệch bước, thúng cá gióng trước đánh một đàng, rổ gióng sau quai một nẻo. Hà té xoài vào giòng nước đang xoáy ào ào ra sông. Sợ đền cá, Hà vội nhoài dậy, lật đầu thúng đang úp ngang giòng nước. Những con cá như sống lại trơn chùi qua hai tay…

- Cái con nhỏ này! Gánh cuối cùng cũng để cho té…

- Chết cha! – Chợt có tiếng ai đó: Nhanh lên, người ta gọi tính tiền rồi kìa!

Khi chủ lều thương tình trừ công ba gánh vào chỗ cá bị nước trôi, Hà mới nhớ đến số tiền làm được nơi Tư Trọng. Hai sáu nghìn nhét ngang chỗ túi cô giờ trống ngắt. Hà kêu trời, tức tốc chạy tới hẻm Hai Lới. Ngập tràn lòng hẻm là dòng nước hung dữ, ào ạt. Nơi cua Hà té, chỉ mảnh lưới rách bùng nhùng mới trụ bám được ở chân cột nhà chồ. Mà chỗ tiền gánh cá cả ngày của Hà lại được ràng giây thun cẩn thận và cuộn tròn lăn!

Quán Hoa Hồng đã đóng cửa từ lúc nào. Giữa con hẻm tối lập lờ, nước cũng như muốn bứng luôn chân cô theo dòng chảy của nó.

LÊ NGUYÊN NGỮ

;
.
.
.
.
.