.
TRUYỆN NGẮN

Chuyện ông già giữa đại ngàn

.

Về hưu, chuyện áo cơm không còn đặt thành vấn đề. Cũng như nhiều Hội Cựu chiến binh khác, kíp xe T54, bốn đứa chúng tôi tổ chức đi thăm lại chiến trường xưa. Kể ra làm một cuộc du ngoạn bằng xe máy từ Bắc vào Nam cũng hay. Cứ theo con đường Trường Sơn mà phi. Đường mòn Hồ Chí Minh ngày xưa giờ đã trở thành đại lộ rộng đến mấy làn xe. Không còn ràng buộc gì về thời gian, thích nơi nào thì cứ dừng chân lại nơi đấy chơi một vài ngày cho thỏa thích.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngày 1 tháng 7, chúng tôi về thắp hương tưởng niệm mười cô gái thanh niên xung phong hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc. Vào đến Quảng Bình viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm ngầm Tà Lê, thăm động Phong Nha, hang Tám Cô… Chúng tôi theo những con đường nối Đông - Tây Trường Sơn, vào giữa đại ngàn.

Vượt qua Cổng Trời, một tiếng nổ “bùm”. Chiếc xe tôi loạng choạng suýt lao xuống vực. Chiếc bánh sau bị thủng lốp, may mà phanh kịp. Tôi đẩy bộ đến gần một con suối nhỏ chạy song song với con đường dựng lán qua đêm. Nguyễn Tường, Hoàng Sâm chặt cây rừng căng bạt. Trần Hưng kiếm củi vo gạo nhóm bếp nấu cơm. Tôi xuống suối hái rau muống. Rau muống ở đây mọc thành từng bãi. Có những chỗ nước lặng, rau đóng thành bè. Những cọng rau lao dài trên mặt nước. Tiếp đến là một hà rau răm xen kẽ với vạt môn khe. Có lẽ ngày xưa thanh niên xung phong làm đường đem rau vào trồng nay phát triển thành hà.

Sáng sớm, một ông già cưỡi chiếc Hon-đa chạy từ trong rừng ra. Trên xe là một cái hộp làm bằng vỏ thùng đạn đại liên. Ông đẩy xe vào dựng trong cái lán lợp bằng lá tro ven đường. Trong lán có mấy cái chậu thau đựng nước. Một cái đe làm bằng tấm sắt tháo từ mắt xích xe ủi đất bị hỏng, hai cái búa và một cái bơm tay. Một cái giường con với chiếc bàn uống nước. Mấy tấm ván được đóng đinh trên cọc gỗ cắm xuống đất làm ghế ngồi cho khách.   

Ông già trạc tuổi tám mươi. Không! Chưa đến tám mươi. Nhìn thật kỹ ông độ chừng bảy lăm, bảy sáu gì đó. Dáng người quắc thước, tóc bạc, cặp mắt sáng, chòm râu thưa. Ông móc lốp xe nhìn chiếc săm thủng hồi lâu, rồi lắc đầu. Nếu bây giờ vá lại cũng đi tạm được vài ngày, nhưng đường trường e không ổn. Ông nói, ông có săm lốp mới ở nhà. Nhà ông ở cách đây hơn một cây số. Nếu muốn thay thì theo ông về lấy.

Nhà ông là một cái hang nằm giữa rừng già. Những cây săng lẻ ken dày hai, ba người ôm không xuể trùm lấy cửa hang không cho một tia nắng nào lọt xuống. Ba phía cửa hang được xây thành hàng rào bằng đá bao bọc lấy một cái sân xi-măng hình chữ nhật rộng chừng năm mươi mét vuông. Trước sân là cái cổng xây cao làm thành bức bình phong chắn cửa hang. Cổng gồm một cửa chính ở giữa, hai cửa phụ ở hai bên theo kiểu cửa vòm kiến trúc Roman. Trên sân có một cái bàn xoay với bốn chiếc ghế.

Tất cả đều bằng đá hoa cương. Sản phẩm thịnh hành ở dưới xuôi. Ông đã cho sửa chữa lại cửa hang. Trong hang được lát gạch hoa sạch sẽ như một ngôi nhà nằm trong núi. Một chiếc ti-vi màn hình phẳng 42 inch, nối với dàn ăng-ten đặt trên ngọn cây cao. Một tấm bản đồ treo gần cửa. Trong nhà có đèn ắc-quy, máy phát điện chạy bằng xăng và các đồ dùng cần thiết cho cuộc sống dài ngày, chứng tỏ chủ nhân của nó đã đầu tư vào đây khá nhiều tiền của.

Cách cửa hang chừng hai chục mét về bên trái là một ngôi mộ được xây rất cẩn thận. Những nét chạm trổ hoa văn tinh tế công phu. Ông bảo đó là ngôi mộ của một cô gái người Mày, hy sinh trong một trận bom B52 ném xuống đoạn đường do đơn vị thanh niên xung phong của ông đảm nhiệm. Đây là đoạn đường ác liệt nhất trên tuyến đường Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ. Đoạn đường chỉ dài hơn ba chục cây số nhưng ngày nào cũng có người chết, bởi nó trở thành cái túi bom tọa độ. Bom nổ suốt ngày đêm làm rung chuyển cả núi rừng, mọi người lại bỏ bản, bỏ làng chạy mãi vào sâu. Chạy mãi vẫn không thoát khỏi đạn bom giặc Mỹ. Một quả bom sát thương đã giết chết năm người Mã Liềng trong khe Cửa Trập. Họ lại chạy xa hơn nữa đi tìm hang hốc để trú. Bom đạn chúng vẫn đuổi theo. Lại có nhiều người chết. Bầy trâu của bản không người chăn thả, sống hoang giữa rừng trở thành mồi cho cọp.

Ông chính là chàng trai Nguyễn Xuân Thi mà năm xưa cả tuyến đường Trường Sơn đều nghe tiếng. Anh thanh niên từ thị xã đến với cánh rừng này chỉ mới hơn hai mươi tuổi. Cũng như nhiều thanh niên khác, anh đã viết đơn bằng máu xung phong đi bộ đội nhưng vẫn không được. Sức khỏe anh chỉ đạt B2, nhà lại có hai anh trai đang tại ngũ. Anh xin vào Tổng đội thanh niên xung phong, là một trong những người có mặt đầu tiên khi loạt bộc phá hạ đỉnh dốc “Ba thang” điểm hỏa. Anh đóng quân ở trọng điểm mà từng đoàn xe vượt sang Tây Trường Sơn phải đi trong mưa bom bão đạn. Anh đếm những quả bom chúng ném xuống dốc cua chữ V, đánh dấu những quả chưa nổ để công binh đến phá bom, thông tuyến.

Một buổi chiều mùa thu, từng đám mây đen kịt kéo về. Trời nổi gió. Một đàn máy bay Mỹ sà đến bắn phá dốc cua trọng điểm. Các đơn vị pháo phòng không đánh trả, bảo vệ con đường huyết mạch. Tiếng bom, tiếng đạn pháo nổ chát chúa làm động địa cả dãy núi đá vôi, đất đá trên núi lăn xuống ầm ầm. Có một chiếc F. 4H bị trúng đạn bốc cháy, tên phi công đã kịp bung dù nhảy ra ngoài.

Chiếc dù đỏ quạch bay về phía Tây Trường Sơn biên giới Việt Lào. Thằng giặc lái gọi trực thăng đến cứu. Chiếc trực thăng UH-1B bay vè vè sát ngọn cây. Anh xách khẩu AK cắt rừng đuổi theo. Chiếc dù mắc trên ngọn cây. Thằng Mỹ bị treo lơ lửng, đầu lộn ngược xuống, hai chân nó bị sợi dây dù bó lại thít chặt. Nó cố gào thật to. Một lúc sau chiếc trực thăng lướt tới. Có hai thằng Mỹ trèo theo thang dây vắt qua hai bên càng máy bay để xuống. Anh giơ khẩu AK lên bắn một loạt. Chiếc trực thăng bốc lên cao. Thằng Mỹ mắc trên cây gào to hơn.

Hai khẩu súng miligan 6 nòng trên máy bay bắn xuống như mưa xung quanh cái cây thằng Mỹ bị mắc kẹt. Chúng cố vây xung quanh thằng giặc lái bằng một hàng rào đạn. Anh chạy lại nấp trong một hốc đá gần đó canh chừng. Cứ thấy trực thăng sà xuống là anh nổ súng rồi chạy sang hướng khác. Chiếc trực thăng vãi đạn lung tung, phạt quang nhiều tán cây rừng. Nó vần vũ xung quanh thằng giặc hồi lâu nhưng không tài nào đáp xuống được. Nó không dám mạo hiểm, không ăn đạn thì cũng va phải núi đá lởm chởm sẽ làm máy bay tan xác. Cuối cùng, nó phóng mấy quả rốc két vào đồng bọn rồi chuồn thẳng.  

Quả đạn trúng giữa thân cây. Cành cây bị tiện đứt ngang lôi theo thằng Mỹ rơi phịch xuống đất. Một cô gái dân tộc từ đâu chạy tới. Cô gái mặc chiếc váy đã cũ, trên lưng mang một cái gùi. Trong tay cô là một cây gậy to bằng cán rựa, dài hơn một mét. Cô quất túi bụi vào đầu thằng Mỹ, nhưng nhờ có chiếc mũ bay hắn không chết. Thằng Mỹ khóc rống lên. Anh đến chĩa súng vào mặt nó. Cô gái đưa cành cây cho anh:

 - Lí kẻ ầm lẻ bó chờ cà chết - (Lấy cái que mà đập cho chết).

Anh lắc đầu:

 - Không được! Phải giải nó về trao cho bộ đội.

Cô gái tỏ vẻ không hiểu. Ánh mắt cô hầm hầm nhìn thằng Mỹ, chứng tỏ cô căm thù nó lắm. Cô đi bứt một sợi dây rừng đưa cho anh. Anh trói quặt hai tay thằng Mỹ ra sau lưng. Cô gái cầm sợi dây dắt hắn đi như người ta dắt một con bò. Thằng Mỹ mắt xanh, mũi lõ, dáng cao lêu đêu cúi đầu lầm lũi bước.

Trời đổ mưa. Cơn mưa rừng xối xả. May! Họ đã tìm được một cái hang để trú qua đêm. Cô gái lom khom dò từng bước vào hang. Cô lấy cành cây huơ huơ trên mặt đất. Bỗng cô thét lên sợ hãi:

 - Cọ long à giang long hàng - (Có con rắn ở trong hang).

Thằng Mỹ hốt hoảng lùi lại. Mặt hắn tái xám. Anh xông vào thấy một con rắn hổ mang to bằng cổ tay đang còng cổ lên ở tư thế tấn công người. Anh giơ khẩu AK lên ngắm bắn. Cô gái ngăn lại:

- A nướng, tuých cú à hắn lú - (Đừng anh, đốt lửa lên là nó ra thôi mà).

Cô đi nhặt các cành củi khô dưới vách đá mang vào. Anh chất củi đốt một đống lửa thật to. Cô kiếm nắm lá tươi của loại cây gì đó đặt lên bếp lửa. Lá cây có mùi rất hăng. Có đến hai, ba con rắn thấy lửa cháy rần rật với mùi khói hăng hắc cay xè ngoan ngoãn trườn ra ngoài. Cô gái lấy mấy củ mài trong gùi ra nướng. Anh cởi trói cho thằng Mỹ. Suốt ngày chạy theo nó và quần nhau với máy bay nữa, người anh mệt nhoài. Bây giờ anh mới thấy đói.

Sáng hôm sau, hai người dẫn thằng Mỹ về đơn vị. Bàn giao thằng giặc lái xong, anh tiễn cô về. Lúc đến khe Cà Tang đột nhiên cô gái chạy lại ôm chầm lấy anh. Hai mắt cô đỏ hoe:

 - Mướng cọ buốn chía đế? (Anh có thương em không?).

Anh không hiểu cô gái nói gì nên chỉ mỉm cười. Cô gái ngước mắt nhìn anh tha thiết. Cô nói rất khẽ:
- Hô buốn bộ đội na! - (Mình thích bộ đội lắm). Anh vỗ vỗ nhẹ vào vai cô gái và khuyên cô về nhà kẻo bố mẹ mong. Anh chỉ lên cái chòi trước mặt. Anh nói anh làm việc đếm bom rơi xuống trọng điểm chữ V, anh ngồi trên đỉnh núi cao nhất này. Vừa nói anh vừa giơ tay làm hiệu cố giảng giải cho cô gái hiểu.
Hôm sau cô lại đến. Cô mang đến một gùi măng. Thấy anh, cô reo lên như đứa trẻ:

- Pứ mí chía buốn mướng na. (Bố mẹ em ưng anh lắm đó).

Hôm đó cô ở lại cùng anh trên vọng gác. Cô thông thuộc đường rừng và leo trèo nhanh hơn anh. Cuối ngày cô theo anh về đơn vị. Cô cứ nằng nặc xin cho cô ở lại đếm bom. Ban chỉ huy quyết định nhận cô vào tiểu đội A1 trực chiến trên trọng điểm. Hằng ngày cô cùng anh ở trong cái chòi đếm từng loạt bom rơi. Họ cắm bảng đánh dấu những quả bom chưa nổ. Lúc không có máy bay, cô đi hái rau rừng mang về cho chị em cấp dưỡng. Cô nói tên cô là Mưới, người Mày, con ông Cù Lùi và bà Bậc Chum. Nhà cô cũng ở trong hang núi cách con đường chừng hai mươi tiếng hú. Bà con cả bản của cô cũng vào trong các hang đá để trốn máy bay.

Một ngày trời mưa, ngày định mệnh của tiểu đội thanh niên xung phong A1. Bầu trời phía Đông Trường Sơn hôm ấy u ám, sụt sùi. Một bầy 6 chiếc máy bay B52 của Mỹ bất ngờ ném bom rải thảm xuống tuyến đường. Dứt những loạt bom, thanh niên xung phong và bộ đội công binh nhào lên mặt đường băng bó, khiêng vác thương binh về trạm xá. Tảng đá trên cửa hang mà A1 thường trú ẩn bị sập xuống. Bom đào vách núi làm nước tràn vào đầy hang. Cả tiểu đội không còn ai sống sót. Đơn vị điều hai chiếc xe húc và xe cẩu đến múc đất đá trong hang ra nhưng chỉ có mười người. Thiếu Mưới. Trước lúc bom nổ một tiếng đồng hồ Mưới đã về để đem cơm nước lên chòi cho anh. Cả ngày hôm sau anh đi lùng khắp bãi bom nhưng không thấy.

Đến ngày thứ ba, cách bãi bom không xa có một vạt cỏ bên dòng suối bị quần xới tan hoang. Một con trâu đực đang chúi đầu găm đôi sừng vào giữa bụng con cọp thọt chân. Toàn thân nó dồn về phía trước, hai chân phía sau doãi thẳng vào mặt đất theo thế “trung bình tấn”. Bên mông con trâu có những vết cào đã héo miệng. Nó dồn con cọp vào một thân cây cổ thụ. Con cọp há hốc mồm nhe hai hàm răng nhọn hoắt. Hai chân trước của con cọp quặp lấy cái bờm của con trâu đực. Con cọp đã chết ba ngày rồi mà con trâu không hề biết.

Đây là con trâu đầu đàn của bà con thả giữa rừng già trở thành trâu hoang. Con trâu dũng mãnh chiến đấu với con cọp vằn hung dữ để bảo vệ cả đàn. Anh đến bên con trâu gỡ các tảng bùn bám trên lưng nó và bảo rằng con cọp đã chết. Con trâu như hiểu được tiếng người. Nó rút cặp sừng ra rồi lửng thửng đi xuống suối uống nước. Cái bụng nó tròn căng. Nó đi lặc lè lên vạt cỏ, nhìn lại bãi chiến trường rồi ngã vật xuống. Hai bên hố mắt nó chảy ra hai dòng nước. Nó khóc. Nó như một chiến binh đã hoàn thành sứ mạng cao cả mà đồng loại giao phó. Nó chết vì kiệt sức. Anh nghĩ thế là bầy cọp đã đến tuyến đường này, chính con cọp thọt đã ăn mất xác Mưới.

Năm 1973, giặc Mỹ cuốn cờ về nước. Nguyễn Xuân Thi chuyển sang làm lính lái xe ở sư đoàn vận tải. Đất nước thống nhất, ông chuyển ngành và lấy vợ. Vợ ông bán ở cửa hàng thương nghiệp huyện. Ông lái xe cho Ty thương nghiệp đến tận ngày về hưu. Hai vợ chồng tích cóp tiền bạc mua được một chiếc xe khách chạy đường trường tuyến Hà Nội - Sài Gòn. Ngày các thân nhân liệt sĩ từ Thanh Hóa, Hải Dương vào Trường Sơn, ông đã chở hài cốt mười cô gái thanh niên xung phong ngã xuống trên con đường huyết mạch về với gia đình.

Và đây là đại ngàn Trường Sơn quê hương của Mưới. Nhưng cô Mưới của ông đâu? Cứ mỗi lần đi qua dốc cua chữ V lòng ông se lại, ông thấy mình như kẻ có tội. Cô nằm xuống ở nơi nào để ông xây cho cô một ngôi mộ. Ông giao năm chiếc xe du lịch cho các con quản lý, rồi về thị xã mở siêu thị bán xe máy và các mặt hàng điện tử. Hai vợ chồng ông làm ăn phát đạt vào loại bậc nhất nhì thị xã. Tiền bạc dư thừa, nhưng đêm nào ông cũng không ngủ được. Mỗi khi ngồi một mình, ông cứ ngơ ngơ ngác ngác như người mất hồn.

Tôi hỏi: “Trong ngôi mộ có hài cốt cô Mưới không hay chỉ là ngôi mộ gió”.

Ông già trợn mắt: “Có chứ! Cô ấy ngã xuống cách cửa hang khoảng hai trăm mét. Hôm ấy là trời mưa. Hài cốt cô còn nguyên vẹn trong tấm ni-lông”.

“Làm sao bác biết được mà lên đào”. Tôi bất ngờ thốt lên.

 “Cô ấy báo mộng. Ban đầu tôi không tin. Ai lại đi tin vào một giấc mơ kia chứ. Cô ấy kể hôm cô về xách cơm thì bẻ được hai bắp chuối rừng. Khi máy bay B52 đến, cô chạy về hang nhưng không kịp. Cô ngã xuống bên một cây lim”.   

“Bác lên trên rừng thế này, ở nhà vợ bác có buồn lắm không. Có khi nào bác gái và các con bác lên thăm không” – Tôi buột miệng hỏi một câu vô duyên mà người mới gặp nhau lần đầu không nên nói.  
Ông ngồi bần thần một hồi lâu. Giọng ông chùng xuống như đang ở nơi nào xa lắm: “Nếu không có trận bom, biết đâu tôi với cô Mưới đã thành chồng vợ. Tôi lên đây thì cả nhà ngăn cản. Ai cũng nói tôi khùng. Nhưng chú ạ! Mình sống được thế này đã là may mắn lắm rồi. Biết bao đồng đội còn nằm lại giữa đại ngàn, không nơi hương khói. Tôi ở đây để các anh chị ấy thấy ấm áp hơn. Đêm đêm các anh chị ấy lại về đây trò chuyện. Và thỉnh thoảng cũng có người hỏng xe như các chú đây”. Ông cười vang. Tiếng cười hồn nhiên, sảng khoái làm ông trẻ lại đến hàng chục tuổi.

HOÀNG MINH ĐỨC

;
.
.
.
.
.