.

Tiếng nói của Đoàn

.

Thật khó để có thể xin được tham gia vào một buổi sinh hoạt Đoàn  ở các đơn vị sản xuất thuộc các khu công nghiệp (KCN) TP. Đà Nẵng vào thời điểm này, khi mà vụ mùa sản xuất đang ngày càng tất bật.

Một buổi sinh hoạt Đoàn theo chuyên đề của đoàn viên Công ty CP Thương mại và Thủy sản Thuận Phước. Ảnh: Q.T
Một buổi sinh hoạt Đoàn theo chuyên đề của đoàn viên Công ty CP Thương mại và Thủy sản Thuận Phước. Ảnh: Q.T

Bị động trong sinh hoạt Đoàn

Để tổ chức một buổi sinh hoạt Đoàn cho thanh niên công nhân không thể đơn giản bằng vài dòng thông báo qua thư điện tử hay một cái tin nhắn gửi cho các thành viên. Một doanh nghiệp có đến hàng trăm thanh niên trong độ tuổi Đoàn (16-30 tuổi), nỗ lực lắm cũng chỉ có thể tổ chức sinh hoạt cho một tổ sản xuất nào đấy chứ không thể tổ chức cho cả công ty. Bị chi phối bởi thời gian làm việc của công nhân theo ca kíp, nên hầu hết hoạt động Đoàn chỉ có thể diễn ra vào cuối tuần. Đa số công nhân là đoàn viên hay không phải đoàn viên cũng đều đặt công việc lên hàng đầu nên việc sinh hoạt Đoàn khó có thể được họ đón nhận một cách chủ động… Đó là thực tế đầy trở ngại trong hoạt động Đoàn ở KCN Đà Nẵng. Chính vì vậy, nhiều công nhân khi được hỏi về phong trào Đoàn đều trả lời… lơ mơ: Không biết Đoàn làm gì, vì lâu lâu mới thấy có một hoạt động!

Anh T.H.Q (công nhân Công ty CP Sản xuất Thương mại Hữu Nghị) dù đang trong độ tuổi Đoàn, vào làm việc ở công ty đã 2 năm nhưng chưa lần nào tham gia sinh hoạt Đoàn. “Tôi cũng nghe nói công ty có phong trào Đoàn Thanh niên vì bạn cùng làm với tôi thỉnh thoảng tham gia, hình như chỉ có tổ trưởng, tổ phó là hay đi hoạt động, còn công nhân “chay” thì ít biết”.

Được đánh giá là một đơn vị hoạt động Đoàn năng nổ, Công ty CP Thương mại và Thủy sản Thuận Phước thường xuyên cử công nhân tham gia các hoạt động do Đoàn các KCN tổ chức. Tuy vậy,  anh Nguyễn Tuấn Linh, Bí thư Đoàn của công ty cũng chia sẻ, sinh hoạt Đoàn tại các doanh nghiệp rất khó tổ chức, do doanh nghiệp có những đặc thù sản xuất kinh doanh khác nhau. Từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm là vào mùa sản xuất cao điểm nên hầu như thời gian này không có hoạt động nào được triển khai. Đó là chưa kể đến thực tế, càng nhiều công nhân thì càng khó khăn trong việc triệu tập. Sinh hoạt Đoàn ở công ty từ lâu đã không được duy trì và phát huy hiệu quả.

Tìm một dấu ấn riêng

Phụ thuộc vào hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, các hoạt động do Đoàn Thanh niên tổ chức chưa mang lại chiều sâu, sức lan tỏa chưa nhiều. Nhưng không thể phủ nhận, những hoạt động Đoàn KCN dù ít nhưng đã tạo ra nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả, mang dấu ấn riêng của thanh niên trong khối công nhân.

Tiêu biểu là hoạt động Thanh niên tình nguyện hè 2015 khi 60 đoàn viên đến từ các KCN đã giúp bà con thôn Hòa Phước, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang làm 140 mét đường bê-tông theo chuẩn nông thôn mới (vượt 200% so với chỉ tiêu đề ra). Đoạn đường này đã nhiều đơn vị Đoàn đăng ký làm trong các đợt chiến dịch tình nguyện hè trước đó, nhưng “chưa đâu vào đâu”.

Anh Trần Văn Tân, Bí thư Đoàn khối các KCN TP. Đà Nẵng, chia sẻ, khi đoạn đường hoàn thành, người dân và trưởng thôn Hòa Phước bật khóc, giây phút đó các bạn đoàn viên thanh niên cảm nhận được sâu sắc ý nghĩa của công việc mình làm. Đây có lẽ sẽ là hoạt động thường niên về sau này. Những bạn tham gia chiến dịch này sẽ là một tuyên truyền viên để nhiều người biết đến Đoàn hơn nữa.

Từ khi Đoàn các KCN ra đời đến nay, các hoạt động do Đoàn Thanh niên tổ chức đều được đưa ra trưng cầu ý kiến của công nhân. Nhiều hoạt động được công nhân đón nhận như hội trại nhân Tháng Công nhân, hiến máu nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa… Các hoạt động tuy không nhiều nhưng những người làm công tác Đoàn chỉ mong mỏi một điều duy nhất, đó là ngày càng nhiều thanh niên công nhân biết đến Đoàn, xem Đoàn là địa chỉ đáng tin cậy, chia sẻ.

Anh Hồ Văn Đạo (sinh năm 1987, công nhân Công ty CP Thương mại và Thủy sản Thuận Phước) bày tỏ, nên tổ chức các hoạt động Đoàn vào chiều thứ bảy hay chủ nhật, đồng thời gợi ý một số hoạt động mà thanh niên công nhân rất thích như: chiếu phim cuối tuần miễn phí, nói chuyện chuyên đề về hôn nhân, gia đình, pháp luật, bảo hiểm xã hội, tổ chức hội thi văn nghệ...

Điều mà công nhân quan tâm không chỉ là thời gian mà còn vấn đề thu nhập. Đa số công nhân khi được hỏi về các phong trào Đoàn, họ đều có mong ước được tham gia khi được lãnh đạo công ty tạo điều kiện bằng cách chấm công.

Ông Trương Nguyên, Bí thư Đảng ủy Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết: Doanh nghiệp đông thanh niên, nếu có một tổ chức để giáo dục, rèn luyện cho thanh niên thì rất tốt. Sắp tới, công ty sẽ quan tâm đến vấn đề này hơn nữa, tạo điều kiện để anh em tham gia phong trào Đoàn. Công nhân nào tham gia năng nổ sẽ được ghi nhận, chấm công, cuối năm xét thưởng. Tuy nhiên, đối tượng đến với những hoạt động như bóng đá, cầu lông, bóng bàn, văn nghệ, thời trang… chủ yếu là viên chức. Còn công nhân làm việc dưới xưởng thì rất hạn chế.

Không chỉ thu hút thanh niên công nhân đến với Đoàn mà phải làm cách nào để họ gắn bó, xem tổ chức Đoàn là nơi họ đến để sinh hoạt, rèn luyện, vui chơi… sau những ngày làm việc vất vả, là tâm huyết của những người làm công tác Đoàn tại KCN. Hiện nay, Đoàn các KCN đã có trang Facebook mở, nơi mọi thành viên là thanh niên công nhân các KCN có thể vào để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng. Hy vọng, con số đoàn viên thanh niên sinh hoạt tại KCN sẽ ngày càng cao, tạo nên một sân chơi đầy sức trẻ tại KCN.

Đoàn các KCN Đà Nẵng được thành lập vào ngày 3-2-2010, là tổ chức Đoàn tương đương cấp quận, huyện, là mô hình mới theo Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Hiện nay, Đà Nẵng có 6 KCN, hơn 390 doanh nghiệp đóng chân trong các KCN. Trong đó, có 26 đơn vị có tổ chức Đoàn trực thuộc Đoàn các KCN với hơn 1.000 đoàn viên thanh niên.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.