.

Trang trí tại chân tháp Chăm Khương Mỹ

.

Trong chương trình chống xuống cấp tháp Khương Mỹ, vào đầu tháng 11-2000, để tìm hiểu kiến trúc trước khi có kế hoạch gia cố trùng tu, các nhà khảo cổ đã tiến hành phát quang cây cỏ mọc trên thân tháp, dọn dẹp bề mặt của những đống gạch bị hư hại trên nóc tháp, đã phát lộ những mảng phù điêu trang trí quanh nóc. Mặc dù bị phong hóa bởi thời gian nhưng chúng vẫn còn khá sắc nét.

Cảnh các chú khỉ đội hành lý trên đầu.
Cảnh các chú khỉ đội hành lý trên đầu.

Các cửa giả của những tầng tháp nhìn chung đều trang trí với những hình lá đề có chi tiết với những cành lá cách điệu hình ngọn lửa. Một số tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu đất nung gắn vào thân tháp với đề tài chim thần Garuda, rắn Naga, người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, các chiến sĩ bay...

Một số phù điêu bằng đá sa thạch gắn vào diềm trên của tầng một (tiếc rằng những tấm phù điêu này đã bị mất trước năm 1975). Một số phù điêu và trang trí góc bằng sa thạch đã được mang về Đà Nẵng, trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, nay còn lại những ô trống lõm vào tường gạch xen kẽ với những mảng điêu khắc hoa lá trên gạch.

Trước khi tiến hành đào phát lộ chân tháp, chúng tôi đào thám sát một hố nhỏ (1,5m x 1,5m) ở trước cổng vào tháp Nam. Ở độ sâu 0,7m, chúng tôi phát hiện một trang trí chân tháp bằng sa thạch có điêu khắc hình khỉ. Kết quả đó cho thấy khu tháp này có một hệ thống trang trí chân tường bằng sa thạch đã bị đất vùi lấp từ lâu, có lẽ là trước thế kỷ 19.

Sau đó, qua đợt khai quật năm 2007-2008 tại tháp Khương Mỹ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 124 hiện vật, gồm có các loại phù điêu, tượng người; tượng động vật như rắn Naga, khỉ, ngựa, voi; các loại trang trí chân tường, trang trí góc tháp; chóp tháp...

Quanh chân tháp phía Nam xuất lộ 17 khối sa thạch có điêu khắc, đây là những khối đá có công năng bao giữ phần chân đế bằng gạch của tháp, đồng thời cũng để trang trí cho tháp; đáng chú ý là các khối đá này không xếp liền kề nhau mà được xen kẽ với các mảng chạm khắc bằng gạch. Trên các khối đá thể hiện một số cảnh sinh hoạt của loài khỉ.

Cảnh chú khỉ bị con rùa hoặc vích cắn vào hạ bộ.
Cảnh chú khỉ bị con rùa hoặc vích cắn vào hạ bộ.

Những tượng khỉ này dường như có liên quan đến trường ca Ramayana, một pho sử thi nổi tiếng của Ấn Độ. Trong trường ca Ramayana, nàng Sita - vợ của hoàng tử Rama (một hóa thân của thần Vishnu) bị quỷ vương Ravana bắt đem về giam cầm trong lâu đài của hắn ở đảo Lanka.

Trên đường đi tìm Sita, Rama đã giúp đỡ vua Sugriva đánh bại kẻ tiếm ngôi; để trả ơn Rama, Sugriva đã cử viên tướng tài ba nhất của ông ta là chúa khỉ Hanuman cùng đoàn quân khỉ giúp Rama đi cứu Sita. Cuộc hành quân của đoàn quân khỉ và Rama đến SriLanka rất gian nan, nhưng cuối cùng với sự giúp sức của đoàn quân khỉ, Rama đã tiêu diệt được quỷ vương Ravana cùng thuộc hạ của y...

Tại Khương Mỹ, vào năm 1918, các nhà khảo cổ người Pháp đã tìm thấy một thành bậc cấp bằng sa thạch có chạm cảnh hai người đang đấu vật, trong đó gương mặt của người ở bên phải rất dữ tợn, miệng có răng nanh; một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là trích đoạn cảnh chiến đấu của Rama và quỷ vương Ravana trong trường ca Ramayana.

Trong số những khối đá trang trí chân tường tháp Khương Mỹ, có một số bức phù điêu thể hiện cảnh đuổi bắt nai vàng và cảnh nàng Sita bị bắt cóc, theo trường ca Ramayana, quỷ vương Ravana lập mưu biến thành một con nai vàng để bắt cóc Sita. Một bức chạm thể hiện người phụ nữ quỳ gối trước quỷ vương Ravana mười đầu đang ngồi trên ngai, điệu bộ khép nép của nhân vật nữ thể hiện sự van xin trước quỷ vương. Trong một bức chạm khác, thể hiện phần trên của cơ thể Ravana nghiêng đi, các cánh tay nâng lên, các khuỷu tay gập lại làm người xem hình dung quỷ vương đang lao đi rất nhanh.

Cảnh các chú khỉ ăn mừng chiến thắng. Ảnh: H.X.T
Cảnh các chú khỉ ăn mừng chiến thắng. Ảnh: H.X.T

Trên những mảng phù điêu mới phát hiện tại Khương Mỹ thể hiện nhiều động tác khác nhau của các chú khỉ: một vài chú đang gánh, ôm vác hành lý. Vài chú khỉ đội hành lý trên đầu, có lẽ chúng đang lội nước (muốn đến đảo Lanka đoàn quân khỉ phải vượt biển).

Một cảnh khá tinh nghịch thể hiện chú khỉ bị một con rùa hoặc vích cắn vào hạ bộ, cạnh đó một chú khỉ đứng rụt cổ, tay trái gãi đầu, tay phải chỉ vào con rùa trông có vẻ hài hước. Kế tiếp là mảng điêu khắc thể hiện cũng chú khỉ bị rùa cắn, thấp hơn là một chú khỉ con dường như đang tìm cách gỡ con rùa ra giùm.

Một bức chạm  khác thể hiện sự mệt mỏi của các chú khỉ: một chú lưng còng xuống, hai tay ôm bầu nước; chú ở giữa đưa hai tay nâng một vật gì đó; chú bên trái đang ngồi nghỉ trên tảng đá, tay chống cằm. Một bức chạm thể hiện 3 chú khỉ đang đánh trống và xập xỏa, nhảy múa khá tưng bừng, có lẽ là mừng chiến thắng... Những tượng khỉ được thể hiện trên các mảng phù điêu nầy rất sinh động và ngộ nghĩnh, đáng chú ý là tất cả các chú khỉ đều được thể hiện bộ phận giới tính rất rõ ràng.

Có thể nói những cảnh chạm các chú khỉ trên phần trang trí chân tháp Khương Mỹ là một phát hiện mới rất độc đáo trong nghệ thuật Champa. Cùng với những tác phẩm điêu khắc đã được tìm thấy ở Khương Mỹ trước đây như bức phù điêu ký hiệu 17.6 đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, thể hiện thần Krisna (một trong những hóa thân của thần Vishnu) nâng ngọn núi Govardhana; pho tượng thần Vishnu 4 tay đang được bảo quản tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh; những bức phù điêu khỉ nói trên càng khẳng định nhóm tháp Khương Mỹ là đền thờ thần Vishnu của người Chăm xưa.

HỒ XUÂN TỊNH

;
.
.
.
.
.