.

Cuộc “cách mạng” về năng lượng

Trong xu thế phát triển chung của thế giới hiện nay, tăng trưởng kinh tế luôn song hành với tăng nhu cầu sử dụng năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng mới bên cạnh các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Sức ép về nguồn năng lượng hóa thạch đang cạn kiệt khiến nhiều quốc gia phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế và triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Ở Việt Nam, “cách mạng” năng lượng đã và đang triển khai qua các chính sách của Đảng và Nhà nước thúc đẩy sử dụng năng lượng và hiệu quả trong đó có mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm.

Mục tiêu sử dụng năng lượng hiệu quả ngày càng trở nên cấp bách. Theo thống kê của EVN, năm 2007, tổng mức tổn thất điện năng vào khoảng 10,56%, năm 2012 đã giảm còn 9%, năm 2013 EVN phấn đấu giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống còn 8,8%, trong đó tỷ lệ tổn thất trên lưới truyền tải đạt 2,3%, trên lưới phân phối 6,5%.

Hưởng ứng chủ trương tiết kiệm năng lượng, Điện lực Đà Nẵng cũng triển khai chương trình tiết kiệm năng lượng thông qua phát động chương trình “Gia đình tiết kiệm năng lượng”. Theo chương trình thi đua “Gia đình tiết kiệm điện” năm 2013, Đà Nẵng xác định mục tiêu trong 3 tháng cao điểm 4, 5 và 6 mỗi gia đình tiết kiệm ít nhất 10%. Chương trình đã tác động rất lớn đến việc hình thành ý thức, thói quen sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong nhân dân.

Việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng được các ngành sản xuất, dịch vụ quan tâm. Trong sản xuất công nghiệp đã và đang có sự thay đổi trong khâu quản lý, vận hành, đầu tư mới hay chuyển đổi công nghệ cho đến các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Các Sở Giao thông vận tải, Xây dựng, Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức các hội nghị chuyên đề về chuyển giao ứng dụng công nghệ mới để sử dụng năng lượng tiết kiệm trong sản xuất, chiếu sáng...

Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, cân đối năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng bền vững là yêu cầu cấp bách đang đặt ra. Theo “Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020”, Chính phủ xác định thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế các-bon thấp; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mọi nguồn lực... Đây cũng là định hướng phát triển của thành phố Đà Nẵng qua các đề án xây dựng “thành phố môi trường”, “thành phố phát triển bền vững”.

Vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đặt ra trách nhiệm ở mỗi gia đình, đơn vị sản xuất kinh doanh cũng như ở các cấp, ngành quản lý. Cuộc “cách mạng” năng lượng đạt được hiệu quả trước tiên phải đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất năng lượng truyền thống gắn với các nguồn năng lượng mới như năng lượng hạt nhân, năng lượng tái sinh gồm: năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng địa nhiệt, năng lượng đại dương... Thực hiện tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả cần tập trung phổ biến sử dụng các thiết bị năng lượng có hiệu suất cao, thay thế dần các trang thiết bị có hiệu suất thấp, tiến tới loại bỏ các thiết bị công nghệ lạc hậu; giảm cường độ năng lượng trong sản xuất; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo; giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm dầu mỏ; huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham gia vào phát triển năng lượng. Đưa việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng sẽ ngày càng phổ biến và trở thành thói quen của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, đơn vị ở nước ta.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.