.

Thành Thái

.

Kỳ 2: Che mắt thực dân nuôi chí lớn

TIN LIÊN QUAN

Vua Thành Thái bộc lộ tinh thần dân tộc rất cao. Ông rất thích đọc những tân thư của Trung Quốc và Nhật Bản, tìm thấy ở đó tinh thần tự cường dân tộc và đầu óc cải cách.

Đường Thành Thái thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ.
Đường Thành Thái thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ.

Một số tài liệu nói là vua Thành Thái từng toan bí mật sang Trung Quốc, nhưng mới đến Thanh Hóa thì bị thực dân Pháp ngăn chặn. Cũng có ý kiến cho rằng ông đã đồng tình giúp đỡ, tạo điều kiện cho Cường Để xuất dương sang Nhật cùng Phan Bội Châu. Tuy những thông tin này hư thực thế nào còn phải xác minh, nhưng đó là cơ sở để người ta tin vào tinh thần chống Pháp của nhà vua.

Ca dao Huế có câu Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều, Trẫm đi. Về nghĩa của nó, người chế giễu thì cho rằng Thành Thái là ông vua ham gái đẹp, thường đến vùng Kim Long để tìm mỹ nhân; người đề cao thì bảo câu đó nói về tinh thần kháng Pháp của ông. Ông đưa “gái mỹ miều” về cung là để che mắt người Pháp, không phải thỏa mãn cái thú trăng hoa mà để sung vào đội nữ binh. Một số tài liệu ghi rằng ông đã chiêu nạp được 4 đội, mỗi đội 50 người; đội trước huấn luyện xong thì trở về gia đình, huấn luyện tiếp đội mới. Các nữ binh này được trang bị loại súng kiểu mới do ông sai đúc theo bản vẽ của họa sĩ Lê Văn Miến. Đương khi chờ thời cơ sẽ cùng nổi dậy chống Pháp thì sự việc bại lộ vì Thượng thư Bộ Lại và Cơ mật viện báo cho Khâm sứ Pháp Levécque.

Trước tình hình đó, nhà vua giả như bị điên, cào cấu các cung phi và xé nát các bản vẽ vũ khí. Vốn đã không ưa gì Thành Thái, nhân cơ hội này, người Pháp đã tìm cách phế truất nhà vua. Họ phao tin nhà vua bị điên, ép ông phải thoái vị vì lý do sức khỏe. Levécque còn nói thẳng là nếu muốn tại vị thì ông phải ký vào một tờ giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp và nay phải thành thực hồi tâm. Ông ném tờ tuyên cáo thảo sẵn ấy xuống đất, cười vào mũi Levécque và nói với các quan lại tùy tùng:

Muôn dân nô lệ từng đàn/ Vui chi bệ ngọc ngai vàng riêng ta/ Hỡi ôi! Mất nước tan nhà/ Cứu thù quốc sỉ ấy là nợ chung.

Vua Thành Thái bị buộc thoái vị vào năm 1907, khi ông mới 29 tuổi. Ngày 12-9-1907 thực dân Pháp giải ông vào Sài Gòn rồi đưa đi quản thúc tại Cap Saint Jacques (nay thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu); đến năm 1916 thì bị đày ra đảo Réunion cùng với Duy Tân – người nối chí ông tiếp tục chống Pháp và cũng bị thất bại.

Ngày vua Thành Thái bị bức phải rời khỏi đại nội là một ngày đau buồn của người dân Huế. Trước sân mỗi nhà một án thư nghi ngút khói hương tiễn biệt đức vua. Mọi người rớm lệ thương nhớ đức vua, tự hào về tinh thần dân tộc và ý chí bất khuất của ông. Ông không phải là một thanh niên ham chơi, trác táng, cam chịu sống hèn trên chiếc ngai vàng hư vị như lâu nay nhiều người lầm tưởng, mà là bậc chính nhân đã vờ sống cuộc đời phóng đãng, có vẻ bê tha để che mắt thực dân và gian thần nhằm nuôi chí lớn.

Năm 1947, sau 9 năm bị quản thúc, 31 năm bị lưu đày, ông được phép trở về Tổ quốc nhưng buộc phải ở Sài Gòn để Pháp dễ bề kiểm soát. Mãi đến tháng 3-1953, thực dân Pháp mới cho ông về thăm lăng tẩm cha mẹ, ông bà ở Huế rồi quay lại Sài Gòn. Vua Thành Thái mất tại Sài Gòn ngày 24-3-1954, được con cháu đưa về an táng ở Huế, thọ 74 tuổi.

Trước năm 1975, Đà Nẵng có đường mang tên vua Thành Thái, sau 1975 đổi thành đường Trần Quốc Toản. Ngày 28-12-2005, HĐND thành phố đã đặt tên ông cho con đường mới dài 548m, rộng 10,5m, từ đường Đỗ Thúc Tịnh đến đường Hà Tông Quyền, thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, theo Nghị quyết số 32/2005/NQ/HĐND về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

LÊ GIA LỘC

;
Tin liên quan
.
.
.
.
.