.

Thành Thái

.

Kỳ 1: Bị bắt làm vua lúc còn thơ

Ông cùng với Hàm Nghi, Duy Tân là 3 vị vua yêu nước trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc bị đày ra nước ngoài.

Tượng vua Thành Thái trong Lăng Thành Thái, Huế.                       Ảnh: V.T.L
Tượng vua Thành Thái trong Lăng Thành Thái, Huế. Ảnh: V.T.L

Vua Thành Thái (1879 – 1954) tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân. Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Từ Minh Hoàng hậu. Năm ông bốn tuổi, vua Dục Đức bị phế và chết trong tù, ông theo mẹ về quê ngoại ở Phú Lương (ngoại thành Huế). Ông ngoại ông làm Thượng thư Bộ Hộ, vì dám mắng vua Đồng Khánh là nịnh bợ và thân Pháp khi Đồng Khánh ra Quảng Bình dụ vua Hàm Nghi đầu hàng, nên bị bắt giam rồi bỏ cho chết. Ông lại phải cùng mẹ lên kinh đô, chịu sự quản thúc, sống trong cảnh thiếu thốn.

Ngày 28-1-1889, vua Đồng Khánh lâm bệnh qua đời, con mới 3 tuổi nên không nối ngôi được. Triều đình Huế xin ý kiến của Tổng sứ Trung Bắc Kỳ là Pierre Paul Rheinart. Ở Tòa khâm lúc này có viên thông ngôn tên là Diệp Văn Cương, ông này lấy bà cô ruột của Bửu Lân, và cũng có cảm tình thương hại vua Dục Đức, nên cố tìm cách cho cháu mình lên ngôi. Khi Viện Cơ mật hỏi Khâm sứ Rheinart muốn chọn ai thì ông Cương lại dịch thành: “Viện cơ mật và các bà Thái hậu muốn chọn hoàng tử Bửu Lân lên ngôi, quan khâm sứ có ý kiến thế nào?”. Viên khâm sứ trả lời “Nếu các ngài đã đồng ý thì tôi xin tán thành” nhưng ông Cương lại dịch khác đi: “Theo ý tôi thì các quan nên chọn Hoàng tử Bửu Lân là hợp”.

Nhờ ông Cương cố ý dịch sai như thế nên Bửu Lân được chọn làm vua.

Chuyện kể rằng, khi các quan đến rước Hoàng tử Bửu Lân vào hoàng thành làm lễ đăng quang thì bà Từ Minh đi vắng. Ông hoàng bé bỏng run sợ: “Các ông đến bắt tôi à? Các ông muốn làm chi thì làm nhưng phải đợi ả (mẹ) tôi về đã”. Khi bà Từ Minh biết chuyện con mình bị bắt đi làm vua, liền òa khóc: “Lạy các quan! Xin các quan tha cho mẹ con tôi! Tôi không bao giờ quên cái chết vô cùng thê thảm của chồng tôi (tức vua Dục Đức). Tôi cũng không quên rằng các vua Hiệp Hòa, Kiến Phúc đều đã bị giết và vua Hàm Nghi thì bị đi đày”. Mọi người khuyên giải mãi một lúc, bà Từ Minh mới để cho người ta bế con lên kiệu rước đi. Và 3 giờ sau đó, cậu bé Bửu Lân trở thành Hoàng đế Thành Thái.

Tuy mới mười tuổi, nhưng khi lên ngôi, Thành Thái đã có vẻ là một người lớn, có tư thế ung dung, giao thiệp đàng hoàng với quan lại kể cả người Nam, người Pháp lúc bấy giờ. Ông ở ngôi được 16 năm, dài hơn tất cả các vua triều Nguyễn, từ sau khi vua Tự Đức mất (trừ vua Bảo Đại).

Dưới triều Thành Thái, nhiều công trình mới được xây dựng, nhất là ở kinh đô Huế, như bệnh viện, trường Quốc học, chợ Đông Ba, cầu Trường Tiền... Trường Quốc học Huế (xây năm 1896) là do chính nhà vua đã gợi ý vấn đề thành lập với Thượng thư Ngô Đình Khả.

Ông rất khinh ghét những bọn quan lại xu phụ. Khi cầu Long Biên ở Hà Nội (gọi là cầu Doumer - lấy tên viên toàn quyền Pháp) xây dựng xong, Hoàng Cao Khải đưa ra một danh sách xin vua ban thưởng những người có công, ông cười nhạt mà rằng: “Ta có biết mặt mũi những đứa nào đâu”. Nhiều quan to như Nguyễn Thân đã tiến con gái đến cho vua (con gái ông này là đệ nhất giai phi của Thành Thái) song cũng không được ông trân trọng. Vì vậy họ thường có thành kiến với ông.

Thành Thái là một ông vua trẻ có nhiều tính cách đặc biệt. Khác với các vua trước, ông là người hiếu học, học cả chữ Nho lẫn chữ Pháp, lại cho cả con cái mình theo học chữ Pháp. Ông còn cắt tóc ngắn, mặc âu phục, học cả lái ca-nô, xe hơi, làm quen với văn minh phương Tây. Để ý đến các loại vũ khí, ông đã giao cho họa sĩ Lê Văn Miến (tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Paris) vẽ cho mình các khẩu súng Pháp… Ông làm tất cả những việc này không ngoài mục đích ngầm chống lại người Pháp, như câu chuyện diễn ra về sau này. Từ tư thế bị bắt làm vua, ông đã dần củng cố quyền lực của mình nhằm thoát khỏi sự dòm ngó của người Pháp để mưu cầu việc lớn…

LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.