.

Những con đường ca hát

.

15 năm sau khi thành phố trực thuộc Trung ương, bộ mặt đô thị Đà Nẵng không ngừng đổi mới và phát triển. Cứ mỗi năm trôi qua, thành phố để lại một công trình tiêu biểu kỷ niệm ngày giải phóng quê hương. Những công trình hiện hữu hôm nay đã thể hiện rõ bản lĩnh, sự quyết tâm, sức mạnh đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Ngày 1-1-1997, thành phố Đà Nẵng (cũ) cùng các huyện Hòa Vang, Hoàng Sa được tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng để thành lập đơn vị hành chính mới trực thuộc Trung ương. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lịch sử quan trọng. Đà Nẵng như được tiếp thêm sức mạnh mới để bứt phá đi lên, phát huy tiềm năng, xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước.

Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (lần cuối) vào ngày 11-1-1997, đồng chí Nguyễn Đình An, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, cho rằng thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương không cho phép chờ đợi sự đầu tư ưu ái từ Trung ương. Tuy có những thuận lợi nhất định, nhưng để trở thành một thành phố động lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của miền Trung, Đà Nẵng phải nỗ lực cao độ xây dựng vận hành một cơ chế huy động, thu hút mọi nguồn lực và phấn đấu gian khổ với tất cả trí tuệ, sức lực của mình.

Cuộc sống trên những nhà chồ, hình ảnh giờ đây không còn. 		    Ảnh: Ông Văn Sinh
Cuộc sống trên những nhà chồ, hình ảnh giờ đây không còn. Ảnh: Ông Văn Sinh

Chỉ sau một năm chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng, khu nhà ổ chuột tăm tối, xập xệ ở Bàu Thạc Gián - Vĩnh Trung; khu nhà chồ dột nát, xiêu vẹo ở Nại Hiên Đông đã thay da đổi thịt nhờ chủ trương đúng đắn của thành phố. Những công trình mới, những con đường mới, những khu dân cư mới được hình thành theo quy hoạch mang lại những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt hy vọng vào một ngày mới.

Hàng loạt công trình sau đó đã hiện hữu, trở thành điểm nhấn quan trọng trong hành trình tăng tốc, vươn vai của Đà Nẵng. Năm 1999, các công trình trọng điểm do thành phố quản lý như khu đô thị mới Bạch Đằng Đông, cải tạo nâng cấp đường Nguyễn Tri Phương, Trần Cao Vân, Lê Duẩn… đã được tập trung chỉ đạo và hoàn thành đúng kế hoạch.

Đặc biệt, cầu Sông Hàn - chiếc cầu quay duy nhất trên đất nước Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung - được khởi công vào ngày 2-9-1998 và khánh thành, đưa vào sử dụng đúng ngày kỷ niệm 25 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng 29-3-2000. Công trình này là biểu tượng của ý Đảng, lòng dân sau khi thành phố trực thuộc Trung ương. Cầu dài 456,46 mét gồm 13 nhịp, hai nhịp giữa quay theo chiều dọc của dòng sông để tàu có trọng tải lớn, cột buồm cao có thể đi qua. Cầu Sông Hàn dự toán 105 tỷ đồng, quyết toán khoảng 117 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 40% tổng số tiền xây dựng.

Ảnh: MĐL
Tổ hợp khách sạn Aruza đầu cầu Sông Hàn. Ảnh: P.V

Năm 2001, cầu Cẩm Lệ có chiều dài 399m, rộng 14,5m được xây dựng mới để thay thế chiếc cầu cũ già nua, gãy đổ vì bom đạn chiến tranh. Được thi công theo công nghệ đúc hẫng tiên tiến trên thế giới, nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam, cầu mới Cẩm Lệ đã hàn gắn vết thương chiến tranh và khai sáng vùng đất phía Nam của thành phố.

Chỉ một năm sau đó, những con đường hướng về các vùng nông thôn, miền núi như đường Cầu Đỏ - Điện Hồng, Túy Loan - Dốc Kiền, Hòa Khánh - Hòa Ninh… được đầu tư nâng cấp và hoàn thành. Những tuyến đường nắng bụi, mưa lầy lùi vào quá khứ, nhường chỗ cho mặt đường phẳng lì, trải dài tít tắp, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn; mở ra hướng phát triển mới cho các xã phía Tây của thành phố.

Năm 2003, Trung tâm Hội chợ - Triển lãm được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, kiến trúc hiện đại cùng trang thiết bị tiên tiến trên tổng diện tích mặt bằng 140.000m2 tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ. Năm 2004, Đà Nẵng có thêm cầu Tuyên Sơn với tổng vốn đầu tư xây dựng 150,2 tỷ đồng, phục vụ chủ yếu cho công tác mở rộng cảng Tiên Sa và thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) trên lãnh thổ Việt Nam. Cầu được thiết kế vĩnh cửu, dài 529,1 mét, khổ cầu 25,05 mét, tải trọng H-30, khổ thông thuyền rộng 40 mét, cao 6 mét, bảo đảm cho tàu thuyền qua lại an toàn cả trong mùa mưa lũ.

Năm 2005, người dân Đà Nẵng hân hoan chào đón tuyến đường kiểu mẫu Điện Biên Phủ đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng thành phố. Đường Điện Biên Phủ có chiều dài 3 km, mặt cắt ngang rộng 48 mét, gồm 2 vệt xe, mỗi vệt 15 mét, vỉa hè mỗi bên rộng 6 mét, mặt đường cấp cao A1.
Ngày 31-12-2006, tròn 10 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương cũng là thời điểm đánh dấu một công trình mới làm điểm nhấn ngay giữa lòng thành phố: Nhà hát Trưng Vương. Nhà hát được xây dựng mới hoàn toàn với quy mô hoành tráng hơn, có sức chứa hơn 1.200 chỗ ngồi.

Ngày 24-12-2007, Nhà ga Sân bay Quốc tế Đà Nẵng được khởi công xây dựng trên diện tích 14.400m2 với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Nhà ga gồm ba tầng và một tầng hầm với tổng diện tích sử dụng 36.600m2, bố trí thuận tiện cho việc làm thủ tục chung cho cả khách quốc tế và quốc nội với 36 quầy thủ tục, khu vực check-in cùng các dịch vụ phụ trợ khác. Nhà ga được thiết kế theo tiêu chuẩn 4 sao. Sau hơn 4 năm xây dựng, Nhà ga Sân bay Quốc tế Đà Nẵng được đưa vào sử dụng ngày 25-12-2011, góp phần nâng khả năng phục vụ hành khách từ 3 triệu lượt khách/năm (2011) lên 6-8 triệu (giai đoạn từ 2015).

Cầu Sông Hàn nối nhịp bờ vui trở thành biểu tượng mới của Đà Nẵng. Ảnh: QUỐC TÍN

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên đã đồng ý cho phép Đà Nẵng tổ chức Cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế hằng năm. 4 “mùa pháo hoa” không chỉ đem lại doanh thu cho ngành du lịch thành phố, thu đáng kể, mà còn tạo thương hiệu cho Đà Nẵng. Cái tên Đà Nẵng - thành phố được thiên nhiên ban tặng sông, núi, biển - có sức hút và lan tỏa mạnh mẽ đối với bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời khẳng định được vị thế trên con đường phát triển và hội nhập.

Năm 2009, cáp treo Bà Nà đạt hai kỷ lục thế giới: Tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới (5.042,62m) và có độ cao chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới (1.291,81m, độ dốc trung bình gần 30 độ). Tổng vốn đầu tư cho công trình này gần 300 tỷ đồng, xây dựng theo tiêu chuẩn của Hiệp hội cáp treo châu Âu với công nghệ của Áo (quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ cáp treo), thiết bị của Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển… Toàn tuyến có 22 trụ với 94 cabin, công suất phục vụ 1.500 khách/giờ.

Khu vực gần bến phà xưa (ảnh tư liệu).

Năm 2010, Cung Thể thao Tiên Sơn có tổng diện tích hơn 94.000m2, có sức chứa từ 5.000-7.000 người xem; trong đó, diện tích nhà thi đấu gần 10.500m2 được đưa vào sử dụng. Nhà thi đấu được thiết kế một tầng hầm, 4 tầng nổi, có thể đáp ứng được nhu cầu của các cuộc thi đấu thể thao trong nước và quốc tế cùng lúc nhiều loại hình với những tiện nghi, phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất. Đây là công trình có thiết kế độc đáo, không trùng lắp với  bất kỳ một công trình đã có ở Việt Nam.

Năm 2011, cầu và đường Nguyễn Tri Phương được khởi công. Cây cầu có tổng mức đầu tư 1.062 tỷ đồng nối liền giữa đường Nguyễn Hữu Thọ thuộc phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ với các phường Hòa Hải, Hòa Quý thuộc quận Ngũ Hành Sơn. Chiều dài toàn tuyến cầu và đường là 6,83km, bao gồm cầu Nguyễn Tri Phương vượt sông Cẩm Lệ, chiều dài 801,8m, 20 nhịp, khổ cầu 26,3m; cầu Khuê Đông vượt sông Cái, chiều dài 426,8m, 9 nhịp, khổ cầu 26,3m; đường Nguyễn Tri Phương rộng 33m, 6 làn xe. Cầu và đường Nguyễn Tri Phương được hoàn thành sẽ là tuyến giao thông quan trọng kết nối lưu thông giữa các khu vực phía Nam, vùng ven biển phía Đông với trung tâm thành phố, thúc đẩy sự phát triển đổi mới đô thị về phía Nam của thành phố.

Văn Nở

;
.
.
.
.
.