XÂY DỰNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

Chắt chiu cơ hội và tiềm năng

.

Thời gian qua, thành phố, trong đó chủ lực là ngành văn hóa đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình xây dựng ngành công nghiệp văn hóa để hướng đến trở thành trung tâm văn hóa - sự kiện chuyên nghiệp của cả nước, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, du khách.

Thời gian qua, thành phố, trong đó chủ lực là ngành văn hóa đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình xây dựng ngành công nghiệp văn hóa để hướng đến trở thành trung tâm văn hóa - sự kiện chuyên nghiệp của cả nước, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, du khách.
Người dân tham gia ngày hội đọc sách do thành phố tổ chức. Ảnh: XUÂN DŨNG

Tiềm năng sẵn có

Chúng tôi tìm đến phòng trưng bày nghệ thuật tư nhân Olive Gallery hoạt động từ năm 2022. Nằm bên dòng sông Cổ Cò hiền hòa ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), Olive Gallery được xây dựng trên diện tích hơn 500m2, bao quanh bởi nhiều cây xanh, chính giữa là tòa nhà có không gian đẹp phục vụ miễn phí cho cộng đồng người yêu sách lẫn hội họa. Người thủ thư cho biết, thư viện tư nhân này đón tiếp bạn đọc thường xuyên từ 9 đến 17 giờ, thứ Hai đến thứ Bảy. Kể từ lúc đi vào hoạt động đến nay Olive Gallery trở thành địa chỉ quen thuộc với nhiều người dân và du khách.

Theo bà Tống Thu Huyền, người sáng lập Olive Gallery, thư viện hiện có hơn 25.000 đầu sách thuộc nhiều thể loại, đáp ứng nhu cầu cho nhiều đối tượng độc giả. Khu vực tầng 2 là phòng trưng bày tranh với hơn 2.000 bức. Ngoài mở cửa miễn phí để người dân, du khách vào tham quan, nơi đây còn tổ chức triển lãm tranh, giao lưu ra mắt sách… Từ ngày mở cửa đến nay, phòng trưng bày đã đón hàng trăm cá nhân, tổ chức đến tham quan. Sự xuất hiện của phòng trưng bày nghệ thuật Olive Gallery được ví như một luồng gió mới, góp phần làm phong phú thêm gia vị cho hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố.

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động, sản phẩm văn hóa ngày càng phong phú, đa dạng. Thành phố dành nhiều nguồn lực đầu tư, rà soát điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; tăng cường hoạt động xã hội hóa với những cơ chế ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, điều kiện vùng miền, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu vào việc phát triển công nghiệp văn hóa. Hạ tầng ngành công nghiệp văn hóa không ngừng được đầu tư, nâng cấp mới, khang trang.

Qua đó, hình thành nên hệ thống các công trình, điểm đến phục vụ hoạt động văn hóa, sự kiện cả truyền thống lẫn hiện đại từ cấp thành phố đến từng cơ sở. Như vậy, ngành công nghiệp văn hóa của thành phố  cơ bản định hình được những nét phác thảo quan trọng, làm tiền đề để phát triển trong tương lai.

Trong quá trình đầu tư và phát triển lĩnh vực văn hóa, điều được dư luận thành phố ghi nhận đó là bên cạnh đầu tư mới các thiết chế văn hóa thì nhiều di sản văn hóa - lịch sử - tôn giáo luôn được lưu tâm để gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Nhờ đó, các giá trị mới về văn hóa dần được hình thành; các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa từng bước được mở rộng, phù hợp với xu thế hội nhập nhưng vẫn giữ được những nét đẹp vốn có của văn hóa, con người Đà Nẵng.

Thời gian qua, minh chứng cho nhận định này được thể hiện rõ qua việc, thành phố không ngừng đầu tư, tôn tạo các công trình văn hóa mang tính truyền thống như di tích Thành Điện Hải, Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng mới; đầu tư làm mới các show diễn của Nhà hát Trưng Vương, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh… Cùng với đó là sự xuất hiện liên tục của các cụm rạp chiếu phim hiện đại; các show diễn Charming Đà Nẵng do Công ty TNHH Sao Hoàng Nguyên thực hiện, chương trình Áo dài show do Công ty CP VKSTAR thực hiện…

Bên cạnh đó, một số mô hình thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng được xây dựng như: Thư viện mini Hiền Nhân, The Book, Olive Gallery và hơn 10 cà phê sách phục vụ cộng đồng… đã góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân cũng như nâng cao cơ hội tiếp cận nhanh với các sản phẩm giải trí, xu thế nghệ thuật trong nước cũng như trên thế giới.

Du khách tham quan tại phòng trưng bày nghệ thuật tư nhân Olive Gallery có quy mô lớn nhất tại Đà Nẵng, nằm bên dòng sông Cổ Cò (quận Ngũ Hành Sơn).  Ảnh: KHÁNH HÒA
Du khách tham quan tại phòng trưng bày nghệ thuật tư nhân Olive Gallery có quy mô lớn nhất tại Đà Nẵng, nằm bên dòng sông Cổ Cò (quận Ngũ Hành Sơn). Ảnh: KHÁNH HÒA

Một trong những lý do góp phần tạo nên những kết quả ban đầu trong quá trình xây dựng nền công nghiệp văn hóa của thành phố trong hơn một thập kỷ qua đó là đã làm tốt công tác xã hội hóa, kêu gọi nguồn lực từ khối tư nhân để góp phần hình thành nên những sản phẩm chất lượng, có sức lan tỏa mạnh mẻ.

Tiêu biểu phải kể đến như “Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế” (DIFF). Qua 10 lần tổ chức thành công, sự kiện văn hóa du lịch quốc tế đặc sắc này và các hoạt động phụ trợ đã tác động rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội của thành phố; thúc đẩy hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng; thu hút ngày càng nhiều du khách và giúp kéo dài thời gian lưu trú khi đến Đà Nẵng; góp phần nâng tầm thương hiệu du lịch của thành phố đối với du khách trong nước và quốc tế.
Áp lực của sự phát triển

Trước yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, định hướng xây dựng nền công nghiệp văn hóa thực thụ, xứng tầm là tầm nhìn đúng đắn đã được các thế hệ người làm văn hóa đi trước đặt ra cho thế hệ kế cận. Bỡi lẽ, chỉ có xây dựng nên một nền công nghiệp văn hóa chuyên nghiệp, hiện đại thì mới tạo được sức hút mới cho Đà Nẵng trong bối cảnh sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, Đà Nẵng lại gánh trên vai trách nhiệm đầu tàu của cả khu vực miền Trung. Và phải chăng, chỉ có đặt ra mục tiêu cao như vậy mới đủ xung lực để khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, tích cực sáng tạo, cống hiến và luôn khát vọng vươn lên, vốn là những phẩm chất đã làm nên thương hiệu con người và địa phương Đà Nẵng như hôm nay.

Bà Lê Thị Bích Phượng, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố cho biết, để có thể cạnh tranh với những nền tảng cung ứng các phương thức tìm kiếm và đọc sách đang phát triển mạnh thông qua mạng xã hội cũng như giữ được vai trò và thu hút độc giả đến với mình, thời gian qua, đơn vị tập trung đầu tư thêm nhiều hình thức mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của độc giả như: đẩy mạnh mô hình thư viện cộng đồng, triển khai đăng ký thẻ bạn đọc qua mạng, gia hạn sách trên tài khoản bạn đọc qua internet, triển khai trang web sách điện tử…

Thời gian qua, thành phố kết nối và khai thác tốt các giá trị văn hóa để phục vụ du lịch, như hình thành các tour, tuyến du lịch hấp dẫn kết nối các điểm di sản, các lễ hội truyền thống tại Đà Nẵng, nhất là các tuyến sông Hàn - Khu căn cứ cách mạng K20, tuyến sông Hàn - Túy Loan - Thái Lai; tuyến du lịch sông Cu Đê. Đặc biệt,  từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động quản lý và phát huy giá trị di tích như dự án số hóa 2D, 3D các di tích để giới thiệu cho du khách trên bản đồ số di sản văn hóa. Năm 2019, ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng được ra mắt tại Bảo tàng Đà Nẵng. Đã xuất bản 2 ấn phẩm nghiên cứu, sưu tầm về di sản văn hóa Đà Nẵng như “Sắc phong Đình làng Đà Nẵng” và “Di tích - Danh nhân quận Cẩm Lệ”.

Sở Văn hóa - Thể thao tham mưu UBND thành phố ban hành Đề án tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa đặc sắc hằng năm, đây là cơ sở để sở triển khai các hoạt động quy mô, hiệu quả, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng. Bà Dương Lê Phương, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao) thành phố bày tỏ, có thể nói, đến thời điểm này, Đà Nẵng đã “chạm ngõ” để bắt đầu hành trình xây dựng nên ngành công nghiệp văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu phát triển thành phố trong dài hạn. Dẫu vậy, vẫn còn thụ động, chưa có quy mô lớn và chưa liên kết, hợp tác quốc tế một cách thường xuyên, mạnh mẽ...

Đầu tư của các đơn vị ngoài công lập vào lĩnh vực này còn hạn chế về quy mô và tính chuyên nghiệp trong khi nguồn ngân sách còn nhiều hạn chế. Công tác quy hoạch sử dụng đất cho lĩnh vực này chưa được ban hành trọn vẹn nên thiếu định hướng cho các đơn vị ngoài công lập trong quá trình nghiên cứu đầu tư phát triển các loại hình văn hóa. Chính vì vậy, Đà Nẵng chưa có những công trình văn hóa thật sự làm điểm nhấn, sau sản phẩm nổi bật là Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế… Thành phố cũng cần lưu tâm giải quyết hài hòa giữa khai thác, phát triển và bảo tồn vốn quý thiên nhiên.

Còn nhớ, trải qua những lần nâng lên, đặt xuống, cuối cùng trước những ý kiến tâm huyết của người dân cũng như tinh thần cầu thị và quyết tâm của lãnh đạo thành phố, công trình Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố được giữ lại để đầu tư nâng cấp trở thành một phiên bản mới khang trang, hiện đại và tiện ích hơn.

Từ câu chuyện của Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố để thấy rằng, công tác gìn giữ, xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa nói chung, ngành công nghiệp văn hóa nói riêng luôn là vấn đề không hề dễ dàng bởi các công trình hay sản phẩm văn hóa ngoài giá trị phục vụ còn gắn với đời sống tinh thần, với tâm thức và tín ngưỡng của con người. Là nơi lưu giữ phần ký ức không thể đổi thay của biết bao thế hệ người dân Đà Nẵng.

Chẳng vậy mà, văn hóa là “trong tĩnh có động”, là bắt kịp xu thế phát triển của thời đại nhưng cũng là nơi trở về, lắng sâu, nghiền ngẫm, tìm sự bình yên trong tâm hồn; là gạch nối níu giữ cho quá khứ và tương lai để hướng đến mục tiêu bền vững trong hành trình phát triển của mỗi địa phương, quốc gia. Từ những kết quả bước đầu trong việc đầu tư phát triển văn hóa để xây dựng công nghiệp văn hóa mà thành phố đã và đang hướng đến, cần chắt chiu cơ hội và tiềm năng trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của Đà Nẵng, tạo động phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.