Giao thông xanh

.

Giao thông xanh được hiểu đơn giản là tổng hòa các giải pháp cho việc tham gia di chuyển mà hạn chế thải khí phát thải có hại ra môi trường. Như vậy chìa khóa cho vấn đề này không chỉ là việc sử dụng các phương tiện có phát thải bằng 0 mà là tổng hòa các giải pháp.

Mô hình cho thuê xe đạp khuyến khích người dân giảm thiểu tác động đến môi trường. Ảnh: L.T
Mô hình cho thuê xe đạp khuyến khích người dân giảm thiểu tác động đến môi trường. Ảnh: L.T

Trong bối cảnh Đà Nẵng có đa số người dùng xe cá nhân, việc tổ chức giao thông với chi phí xã hội thấp, hài hòa môi trường đô thị, phù hợp với mô hình sử dụng đất đô thị cũng đã là giải pháp chấp nhận được. Thành phố có nhiều tuyến xe buýt trợ giá ra đời, mô hình cho thuê xe đạp khuyến khích người dân giảm thiểu tác động đến môi trường.

Mới đây nhất là việc “bắt tay” với tỉnh Quảng Nam trong việc nghiên cứu, lập công tác chuẩn bị đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn thực hiện tuyến MRT (giao thông công cộng cao tốc) trong tương lai giữa hai địa phương. Đây là một trong những giải pháp góp phần hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và hướng tới hệ thống giao thông xanh bền vững.

Khuyến khích giảm phát thải

Trong Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải được Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu tổng quát là phát triển hệ thống giao thông xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Đây là cơ hội để ngành giao thông vận tải có sự phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và bền vững, bắt kịp với xu thế và trình độ phát triển tiên tiến trên thế giới. Nằm trong tiến trình chung của cả nước, nếu Đà Nẵng nhìn nhận đây là cơ hội thì hoàn toàn có thể hành động để trở thành hình mẫu. Bởi Đà Nẵng có những thuận lợi khi những mục tiêu định hướng “thành phố môi trường”, “thành phố thông minh”, “thành phố du lịch” hoàn toàn phù hợp với phát triển mạng lưới giao thông thân thiện môi trường.

Theo Sở Công Thương, thành phố đã công bố đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô-tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển ô-tô điện, trạm sạc ô-tô điện trên địa bàn. Theo đó, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên của các nước có đề án xây dựng và phát triển trạm sạc xe điện, điều này sẽ dẫn đến những khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng đó cũng là cơ sở khẳng định vai trò tiên phong của thành phố trong việc xác định các mục tiêu, định hướng phát triển xe điện, trạm sạc ô-tô điện trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Đồng thời, đề án cũng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng hình ảnh thành phố năng động, xanh, sạch, đẹp.

Việc giảm phát thải và phát triển giao thông xanh cũng được cụ thể hóa trong Đề án Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, một trong 4 nhóm tiêu chí đã đưa ra những lộ trình rất cụ thể về phát triển loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường.

Trong đó đưa ra thông số cụ thể đến năm 2025, 100% phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt mới đạt Tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Đến năm 2030 đạt 25% xe buýt công cộng chạy bằng động cơ điện trên tổng số xe buýt đang hoạt động trên địa bàn thành phố.

Nằm trong nỗ lực phát triển giao thông thân thiện môi trường, năm 2022 thành phố cùng 2 đô thị lớn của cả nước đã triển khai chương trình nghiên cứu xây dựng đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải xe máy đang lưu hành trên địa bàn thành phố”.

Chương trình này áp dụng chính sách kiểm soát khí thải xe máy thông qua kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ nhằm thu được nhiều lợi ích như có thể kiểm soát tốt lượng khí thải, giảm mức tiêu hao nhiên liệu của xe. Qua chương trình đã kiểm tra khí thải trước bảo dưỡng cho khoảng 3.754 xe máy có tuổi đời trên 5 năm, trong đó có tới hơn 25 % xe không đạt tiêu chuẩn.

Theo ước tính, số lượng xe máy tại thành phố đã vượt 1 triệu chiếc, chiếm hơn 90% tổng số phương tiện giao thông đường bộ. Điều đáng nói là số xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm gần 60% sẽ không ngừng làm gia tăng mức phát thải chất gây ô nhiễm không khí nếu các xe không được bảo dưỡng tốt.

Ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, với tốc độ đô thị hóa và dân số gia tăng, thành phố gặp phải những vấn đề liên quan đến môi trường không khí. Trong đó, hoạt động của các phương tiện giao thông được coi là một trong những nguồn phát thải các chất ô nhiễm không khí.

Ông Chương nhấn mạnh, đây là vấn đề phát sinh trong quản lý đô thị mà thành phố cần tầm soát trước khi điều này trở thành vấn nạn. Để làm được điều này, thời gian tới ngành tiếp tục tuyên truyền, vận động với mục tiêu giảm lượng khí thải. Cùng với đó là lồng ghép với đề án giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân của ngành giao thông vận tải.

Giao thông thân thiện

So với các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội thì Đà Nẵng có lợi thế là đô thị đi sau với hạ tầng giao thông được đầu tư khá tốt. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, đến thời điểm này Đà Nẵng vẫn tự tin là đô thị loại 1 hiếm khi xảy ra tình trạng ùn ứ, kẹt xe. Để làm được điều này, nhiều năm qua thành phố đầu tư rất lớn vào hạ tầng giao thông như cầu đường, bến đỗ cũng như các phương tiện vận tải mới. Song song với đó, thành phố dành nhiều ưu tiên cho việc tăng cường vận tải công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân trên đường phố.

Từ năm 2017, HĐND thành phố đã thông qua đề án “Tăng cường vận tải công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố”. Trong đó nhận định, cùng với sự phát triển về đô thị, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông xanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc góp phần tạo nên bộ mặt thành phố khang trang, hiện đại.

Bài toán giao thông thân thiện ở thành phố trước mắt là kéo chậm việc gia nhập "câu lạc bộ kẹt xe đô thị" trong bối cảnh thuộc nhóm đầu về tỷ lệ ô-tô trên đầu người lớn hơn 11%. Do vậy, từ nhiều năm qua Đề án Kiểm soát sự phát triển phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông hướng tới mục đích từng bước làm giảm nhu cầu sử dụng và sở hữu phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, đầu tiên là ô-tô con (xe đến 9 chỗ ngồi), sau đó là các loại mô-tô và xe gắn máy.

Trong đề án này sẽ tăng cường quản lý đỗ xe trên các trục giao thông chính vào giờ cao điểm, các tuyến đường có bề rộng mặt đường nhỏ hơn 5,5m ở khu vực trung tâm quận Hải Châu. Ngoài ra từng bước mở rộng thời gian và phạm vi cấm đỗ và tăng mức phí sử dụng tạm thời lòng đường với ô-tô tại khu vực trung tâm.

Ngoài ra, thành phố cũng từng bước hoàn thiện và mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động để đưa ra các giải pháp về quản lý giao thông. Xem việc thúc đẩy quá trình thay đổi ý thức, thói quen người dân từ sử dụng phương tiện cá nhân sang sử dụng các phương thức khác (đi bộ, xe đạp, phương tiện công cộng) là một nhiệm vụ trọng tâm.

Trên thực tế, năm 2020, sau ba năm chuẩn bị các tuyến buýt mới, cung cấp phương tiện di chuyển có chất lượng phục vụ cao thì Đà Nẵng đã dừng cấp phép cho những tuyến xe buýt liên Quảng Nam - Đà Nẵng đi vào nội đô. Những chuyến xe này không những bị người dân phản ứng vì chất lượng dịch vụ mà quan trọng hơn cả là các xe này đã khá cũ kỹ.

Anh Ngô Quang Ảnh, người dân quận Cẩm Lệ, thường xuyên sử dụng xe buýt để đi làm tại một văn phòng công chứng ở trung tâm thành phố nhìn nhận, khi ra đời, các tuyến xe buýt mới như một trời vực với xe buýt liên tỉnh trước đây. Vì vừa sạch sẽ, có máy lạnh, chạy đúng giờ đúng tuyến lại có phương tiện giải trí cũng như thái độ phục vụ ân cần mến khách nên anh kiên trì sử dụng.

“Rõ ràng loại phương tiện công cộng này mang đến quá nhiều lợi ích cho xã hội. Vừa đáp ứng được nhu cầu di chuyển của người dân, nhất là người cao tuổi, học sinh sinh viên... Vừa điều tiết, làm giảm nhu cầu sử dụng xe cá nhân vào trung tâm thành phố nhưng đáng tiếc là Covid-19 đã phần nào ảnh hưởng đến thói quen mới chớm nở với mạng lưới giao thông thân thiện này”, anh Ảnh nói.

Chính quyền định hướng, hành vi người dân sẽ thay đổi

Theo Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô-tô điện, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng được 165 trạm sạc xe điện; trong đó, 150 trạm sạc cấp 1, 2 và 15 trạm sạch cấp 3. Đến năm 2030, toàn thành phố sẽ có 300 trạm sạc; trong đó có 250 trạm sạc cấp 1, 2 và 50 trạm sạc cấp 3. Các trạm sạc xe điện sẽ được đặt tại các bãi đỗ xe, trung tâm thương mại, khu đô thị, trường học, cửa hàng xăng dầu, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng… phủ khắp thành phố. 

Anh Lê Trường Tam, một người trong Hội xe điện Vinfast Việt Nam, cho rằng sự quan tâm của người dùng về sản phẩm xe máy điện, kể cả ô-tô điện đang tăng rất lớn. Theo anh Tam, cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đã thay đổi xu hướng hành vi tiêu dùng của người dân. Trong đó nhiều người ngoài việc quan tâm đến dòng xe, mẫu mã... thì cũng có mục đích môi trường. “Ở Đà Nẵng đã định hướng sớm về việc ủng hộ xe điện sử dụng năng lượng tái tạo nên tôi tin nhiều người cũng sẽ chọn mua xe điện trong tương lai gần", anh Tam nói.

LÝ TRƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.