Ký ức nhà chồ

.

Nhìn dòng Hàn giang rực rỡ bây giờ, không ai nghĩ rằng, trước những năm 2000 nhiều khu nhà chồ của dân vạn chài được dựng tạm bợ bên mé sông dọc các phường An Hải Tây, An Hải Bắc và Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà). Đến nay, dẫu lên bờ ngót nghét hơn 20 năm, nhưng ký ức xóm nhà chồ vẫn còn trong tâm trí người dân nơi đây.

Những đứa trẻ ở khu nhà chồ những năm 90 qua ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh.
Những đứa trẻ ở khu nhà chồ những năm 90 qua ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh.

1. Men theo đường Trần Hưng Đạo (quận Sơn Trà) về phía âu thuyền Thọ Quang, tôi đến tòa nhà 1B khu chung cư Làng cá Nại Hiên Đông gặp ông Lê Văn Diệt (85 tuổi). Chắp vá từng mảng ký ức, ông Diệt nói rằng đến bây giờ trong tiềm thức vẫn chưa thôi ám ảnh về cơn rét buốt sương đêm trên sông Hàn mỗi khi đông đến, trong khi ngày hè thì nóng bức, ngột ngạt. Đối với người đàn ông tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhà chồ là kỷ niệm không bao giờ quên bởi nó đã dìu dưỡng 9 con người trong gia đình ông bước qua năm tháng gian khổ.

Ông Diệt tâm sự, ông sinh ra và lớn lên ở làng Cẩm Phô, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam). Sau ngày đất nước thống nhất, ông dẫn vợ con ra Đà Nẵng kiếm kế sinh nhai. Thời đó, để có mảnh đất cắm dùi trên bờ là điều xa xỉ đối với dân nhập cư. Số phận chung của ông và nhiều người di tản bấy giờ là giấy tờ tùy thân thất lạc do chiến tranh, con chữ cũng bỏ lửng, không biết làm gì nên đành dựng tạm nhà chồ tại khu bờ đá ven sông Hàn (đường Trần Hưng Đạo bây giờ) sinh sống.

Ông không biết rõ khu nhà chồ có từ bao giờ, chỉ biết rằng khi đến nó đã hiển hiện hàng trăm căn nhà trên mặt nước. Gia đình ông Diệt 3 thế hệ gồm 9 người, sống gần 20 năm trên nhà chồ chỉ rộng chừng 50m2, mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá và gánh cá thuê.

Theo ông Diệt, ngôi nhà của ông chỉ có mấy cây cọc chống lên làm trụ đỡ, sàn nhà lót bằng gỗ. Đường vào nhà từ phía bờ là những hộc đá lớn, phía trên nhà chồ lợp tôn, bốn phía xung quanh tận dụng ván ép hay bao ni-lông để rào chắn nắng mưa. Ở nhà chồ, mùa hè nóng như thiêu đốt, mùa đông lạnh thấu tận xương. Bởi vậy, những đứa trẻ và phụ nữ nước da đen đủi, tóc thì cháy rám khét mùi nắng. Chưa kể đến mùa mưa bão, mỗi khi gió lùa qua kẽ hở, ngôi nhà chồ cứ rung lên từng đợt. Còn ngày mưa nước dâng, ngồi trên nhà chồ chỉ cần chìa chân xuống đã chạm mặt nước. Ban đầu, ông Diệt còn đếm ngày, dần dà thời gian trôi gần 20 năm lúc nào không hay.

"Lúc đó, tôi ước mơ được nằm thẳng chân khi ngủ vì nhà chồ chật lắm, phải nằm co rúm mới đủ 9 người và có một ngôi nhà đàng hoàng để thờ ông bà. Nói như thế, không có nghĩa là chúng tôi kể khổ mà nói ra để hôm nay nhìn lại, chúng tôi thấy biết ơn rất nhiều bởi đã được chính quyền địa phương quan tâm cấp chung cư, ổn định cuộc sống”, ông Diệt xúc động nói.

2. Giống ông Diệt, bà Lê Thị Một (75 tuổi) từng trải qua quãng thời gian sống ở nhà chồ. Thời đó, chồng đi biển, bà Một gánh cá thuê, các con lớn trong nhà đi hôi cá (nhặt cá) về ăn. Ăn bữa ni lo bữa mai nên chuyện cho con đi học chữ rất xa vời. Vì thế, chuyện con cái thất học, thậm chí không có giấy khai sinh không phải chuyện hiếm. "Tôi cũng như nhiều người sống khu nhà chồ chưa bao giờ nghĩ có ngày mình được lên bờ. Gần 20 năm trôi qua, mỗi khi nhìn dòng sông Hàn, trong ngực tôi vẫn thổn thức khôn nguôi và không ngờ rằng cuộc sống của gia đình thay đổi nhiều đến thế”, bà Một nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Nhâm (83 tuổi, phường Nại Hiên Đông) - có bạn bè và người thân từng sống trên khu nhà chồ An Hải - cho hay, người sống ở nhà chồ đã khổ, người mất còn khổ gấp bội. Khi có tang gia, người ta thường vội vã mai táng rồi đưa lên chôn cất trên bờ. Nhắc lại ký ức nhà chồ và nhìn thấy Đà Nẵng phát triển như ngày hôm nay, ông Nhâm vui khi bà con được chính quyền quan tâm, bố trí nhà ở tái định cư để ổn định cuộc sống.

Là Bí thư Quận ủy đầu tiên của quận Sơn Trà, ông Hoàng Thanh Thụy cho biết, năm 1997, ông nhận quyết định làm Bí thư Quận ủy Sơn Trà khi thành phố vừa trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương. Thời điểm này, quận Sơn Trà có nhiều vấn đề đặt ra như cái đói, thất học, người dân sinh đẻ không có kế hoạch... Trên bờ tồn đọng nhiều khu dân cư, nhà ở tạm bợ, thấp lè tè, hiu hắt bên bãi cát trắng xóa. Dưới nước dọc sông Hàn có hàng trăm khu nhà chồ của dân vạn chài kéo dài từ phường An Hải Tây đến cuối phường Nại Hiên Đông khá nhếch nhác…

Dân làng chồ sống bằng nghề biển, đi câu và đi mành. Trung bình mỗi hộ có 5-7 người con, người làng chồ phần đông không biết chữ. Khung cảnh lúc đó khiến ông Thụy cũng như nguyên Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Thái Nguyên, nguyên Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Lê Quốc Linh đặt ra mọi biện pháp giải quyết vấn đề cho dân nhà chồ.

Ông Hoàng Thanh Thụy bồi hồi nhớ: “Có lần xuống khu nhà chồ xem xét tình hình, đập vào mắt tôi là hình ảnh những bà mẹ còn khá trẻ nhưng đông con, hỏi ra mới biết chồng đi đánh cá, một mình cô vợ ở nhà với 5 đứa con, đứa nhỏ nhất 2 tuổi, đứa lớn nhất 15 tuổi nhưng chưa được đi học. Nghe vậy khiến tôi quyết tâm phải làm điều gì đó cho người dân. Hôm sau, trong cuộc họp giao ban, tôi đặt ra nguyên nhân và đề xuất hướng giải quyết. Qua nhiều cuộc họp bàn, cuối cùng chúng tôi thống nhất tập trung vào giáo dục với niềm tin có thể tháo gỡ nút thắt. Tôi nhớ, đi cùng với tôi còn có anh Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền người dân cần phải học chữ. Họ phản ứng mạnh lắm vì với họ, học là chuyện viển vông, nhưng chúng tôi quyết không bỏ cuộc”.

3. Từ đó, trong các cuộc giao ban từ quận đến phường đều bàn về vấn đề giải quyết thất học cho người dân nhà chồ. Khi mọi chuyện đã bắt đầu vào guồng, Bí thư cùng Chủ tịch, Phó Chủ tịch quận, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ các phường, các tổ chức Đoàn thanh niên liên tục mở lớp học bổ túc ban đêm. Vào mỗi buổi tối, nhiệm vụ được phân chia cụ thể, người thì xuống khu nhà chồ vận động dân đi học, người ở lớp chong đèn dầu cùng viên phấn. Sau khi tập trung học sinh đến lớp, ai nấy đều ngồi đợi đến khi nào bãi lớp mới yên tâm ra về. Khẩu hiệu về giáo dục được treo ở nhiều nơi.

Trải qua quãng thời gian ngắn, những đứa trẻ và người dân thấy đi học cũng vui và hò nhau đến lớp đông hơn. “Có lẽ, chỉ ai từng chứng kiến mới có thể lưu giữ trọn vẹn từng mốc thời gian thay đổi của khu nhà chồ. Bây giờ, chỉ cần nhìn chiếc đèn dầu ở bất cứ đâu, cũng gợi nhắc tôi về hành trình đi tìm con chữ cho những đứa trẻ xóm nhà chồ. Bởi con chữ đã phần nào mở ra tương lai sau này cho người dân sinh sống tại khu vực này”, ông Thụy cười hiền nói.

Nhiều ý kiến cho rằng, phải đến khi cây cầu Sông Hàn khánh thành, sự thay đổi mới bắt đầu len lỏi vào cuộc sống của dân làng chồ. Những dãy nhà chồ được xóa bỏ, người dân dọn về ở trong những căn hộ chung cư.

Theo nguyên Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Lê Quốc Linh, hình ảnh sông Hàn hôm nay thật sự khác biệt so với hơn 2 thập kỷ trước. Sông Hàn đẹp hơn, nguy nga hơn, cái nghèo khổ được đẩy lùi, hình ảnh những đứa trẻ đi hôi cá chỉ còn là ký ức. Còn với ông Thụy, nếu đặt lên "bàn cân" Sơn Trà năm 1997 và bây giờ thì không thể so sánh, bởi đã có một sự "thay da đổi thịt" vô cùng lớn, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và sự chung tay, góp sức của từng người dân thành phố.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.