Để học đường là mái nhà thứ hai

.

Nhắc đến môi trường học đường, chúng ta dễ dàng hình dung hình ảnh các em học sinh với những giờ học thú vị, những giờ ra chơi tràn ngập tiếng cười vô tư, giòn giã. Vậy nhưng không biết tự bao giờ, những câu chuyện bạo lực đau xót vốn rất ít khi tồn tại trong thế giới tuổi thơ - lại đang xuất hiện ngày càng nhiều và đe dọa môi trường học tập vốn an toàn, lành mạnh của học sinh.

Thực trạng bạo lực học đường ở Việt Nam ngày càng phổ biến và đáng báo động hơn. Hiện tượng này xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp học với nhiều mức độ khác nhau. Có những trường hợp chỉ đơn giản là đánh nhau, gây gổ; nhưng cũng có những trường hợp kéo bè phái để cô lập bạn học, tụ tập nhóm để “trả thù”, “dằn mặt” nhau, thậm chí sử dụng các loại vũ khí như dao, mã tấu, gậy… gây thương tích nghiêm trọng. Ngoài ra, những hành động khủng bố bạn học trên môi trường ảo (mạng xã hội) cũng tác động mạnh mẽ đến tâm lý các em học sinh và gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Theo Khoản 5, Điều 2, Nghị định 80/2017/NĐ-CP ngày 17-7-2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường thì “Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập”.

Bên cạnh gia đình, trường học như mái nhà thứ hai góp phần hình thành nhân cách, đạo đức và nền tảng tri thức của mỗi người. Ở môi trường lẽ ra là an toàn, trong sáng, thân thiện đó, vậy mà một số em học sinh đã bị tổn thương về mặt thể chất, tinh thần; có em phải nghỉ học, chuyển trường, chuyển lớp, trầm cảm vì bị bắt nạt và bạo lực bởi các bạn học sinh khác. Có những lúc những nơi, một số em học sinh đã lạc lõng, bơ vơ, chới với trong chính “mái nhà thứ hai” của mình khi nhà trường chưa có sự quan tâm đúng mực với vấn đề bạo lực học đường, giáo viên còn dửng dưng trước những tâm tư, nguyện vọng của học sinh và sự vô tâm của nhiều bạn học sinh xung quanh.

Cũng cần phải nói thêm, cha mẹ - những “người thầy” đầu tiên của các em học sinh cũng phải chịu trách nhiệm lớn trước tình trạng bạo lực học đường như hiện nay. Nhịp sống hiện đại hối hả, quay cuồng nhiều lúc đã đẩy cha mẹ xa dần con cái, cha mẹ không sát sao trong việc giáo dục nhân cách con, chưa giành thời gian tâm sự cùng con để giải tỏa các khúc mắc, kịp thời uốn nắn những suy nghĩ lệch lạc, định hướng cho con tư duy đúng đắn để phân tích và giải quyết từng sự việc trong cuộc sống.

Dù vậy, nguyên nhân sâu xa của bạo lực học đường trước hết vẫn là ở chính bản thân các em học sinh. Sự phát triển chưa toàn diện, thiếu kỹ năng sống, chưa có khả năng kiểm soát hành vi và chịu ảnh hưởng bởi các “chất liệu bạo lực” trong môi trường sống, các tệ nạn, thói xấu trong xã hội… đã dẫn đến những hành động chửi bới, hành hung, gây tổn thương cho người khác. Trên thực tế, có nhiều học sinh bắt nạt bạn bởi trước đó, chính các em cũng là nạn nhân bị bắt nạt hoặc phải hứng chịu, chứng kiến bạo lực từ gia đình, xã hội; từ đó hình thành nên tính cách hung hăng, dễ bị kích động và quen dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Tất cả đã khiến bạo lực học đường trở thành nỗi trăn trở và bức xúc của toàn xã hội.

Để từng bước khắc phục hiện tượng trên, mỗi trường lớp - dù là ở cấp học nào - bên cạnh sứ mệnh truyền đạt kiến thức, phải đặt việc giáo dục văn hóa, nhân cách cho học sinh làm trọng tâm. Để làm được điều đó, có thể kích hoạt nhiều mô hình, tổ tư vấn, lắng nghe và giải quyết những phản ánh của học sinh; xây dựng kế hoạch để phòng ngừa và ứng phó với bắt nạt và bạo lực ở trường; củng cố lại các quy tắc ứng xử cũng như có biện pháp kỷ luật tương ứng; đưa ra một quy trình chi tiết từ việc nhận khiếu nại đến xử lý người bắt nạt và hành vi bắt nạt một cách khoa học, nghiêm minh; hỗ trợ ổn định tâm lý cho người bị bắt nạt và giáo dục tâm lý cho người bắt nạt…

Trong mỗi gia đình, cha mẹ cần thường xuyên quan tâm đến con, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và đồng hành trong quá trình khôn lớn, trưởng thành. Đặc biệt, bản thân học sinh phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, sống chan hòa với bạn bè, kiến tạo cho bản thân một quan niệm sống đẹp, sống tích cực, biết yêu thương, đoàn kết, chung tay diệt trừ tận gốc mầm mống bạo lực học đường.

HUYỀN MY

;
;
.
.
.
.
.