Đa dạng ngành học mới

.

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong những giải pháp công nghệ hàng đầu, giúp con người tiệm cận hơn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đón đầu xu thế này, trong kỳ tuyển sinh đại học chính quy năm 2023, các trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng mở một số ngành học mới như ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ Nano, giúp thí sinh có thêm lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Sinh viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa trong tiết thực hành về chế tạo robot. Ảnh: T.Y
Sinh viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa trong tiết thực hành về chế tạo robot. Ảnh: T.Y

Trước đó, từ năm học 2020-2021, Trường Đại học Bách khoa tiên phong mở mới 3 ngành, chuyên ngành đào tạo như Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (thuộc ngành Công nghệ thông tin) và Cơ khí hàng không (thuộc ngành Kỹ thuật cơ khí). Đây là những chuyên ngành mới, hấp dẫn nhằm cung cấp nền tảng cho cách mạng công nghiệp 4.0 như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), cơ sở dữ liệu lớn (Big Data)… 

Đào tạo theo đơn đặt hàng

Sau gần 3 năm tuyển sinh ngành Kỹ thuật cơ khí - chuyên ngành Cơ khí hàng không, Trường Đại học Bách khoa từng bước khẳng định năng lực đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. PGS.TS. Lưu Đức Bình, Trưởng khoa Cơ khí cho biết, nội dung đào tạo là sự kết hợp giữa hai lĩnh vực cơ khí và kỹ thuật hàng không. Sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị các kiến thức về chế tạo phôi, chế tạo máy, bảo trì, bảo dưỡng máy bay và các vật liệu đặc biệt sử dụng trong ngành hàng không…

Theo PGS.TS Lưu Đức Bình, chuyên ngành đào tạo theo đơn đặt hàng từ tập đoàn UAC (Hoa Kỳ), chuyên sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ, có trụ sở tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Do đó, quan điểm của nhà trường là bảo đảm chất lượng đầu vào, đầu ra, trên cơ sở tranh thủ sự tư vấn, giám sát của các chuyên gia, đơn vị hàng đầu về lĩnh vực này. Chưa kể, theo yêu cầu doanh nghiệp, mỗi sinh viên khi ra trường phải đạt tối thiểu TOEIC 600 theo chuẩn quốc tế.

Được biết, trong quá trình đào tạo chuyên ngành Cơ khí hàng không, Trường Đại học Bách khoa nhận sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật của Tập đoàn UAC và Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO). Cụ thể, hai doanh nghiệp này cung cấp tài liệu, bố trí nhân sự phối hợp giảng dạy các nội dung về kỹ thuật chuyên sâu, tiếp nhận sinh viên thực tập nhận thức, thực tập tốt nghiệp và phối hợp thực hiện đồ án tốt nghiệp phù hợp nhu cầu thực tiễn.

Ông Nguyễn Minh Lượng, Giám đốc VAECO cho biết, những nội dung phối hợp đang được VAECO triển khai theo lộ trình đào tạo của nhà trường. “Sau 1 năm ký kết chương trình hợp tác đào tạo, VAECO thường xuyên kết nối, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên và sinh viên tham gia các chương trình hội thảo về khoa học công nghệ được tổ chức ở mỗi bên nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn. Mỗi năm VAECO tuyển dụng hàng chục kỹ sư, thợ bảo dưỡng nội thất, sửa chữa dụng cụ thiết bị, gia công cơ khí, sản xuất vật phẩm hàng không với mức lương khởi điểm 10-20 triệu đồng, tạo cơ hội cho sinh viên ngành cơ khí hàng không tiếp cận việc làm khi ra trường”, ông Lượng nói.

Sinh viên Đỗ Nguyễn Như Lâm, lớp 20CKHK, chuyên ngành Cơ khí hàng không, khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa cho hay, bản thân cảm thấy may mắn khi được đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Bởi lẽ, ngoài theo học kiến thức chuyên sâu, nghiêng về thực hành, Lâm có cơ hội làm việc tại tập đoàn UAC hoặc các nhà máy, công ty liên quan đến cơ khí như Sông Thu, Thaco Trường Hải, VAECO… khi ra trường.

Hướng đến giải pháp công nghệ

Thông tin tuyển sinh năm 2023 hấp dẫn hơn khi các trường đại học thành viên Đại học Đà Nẵng mở thêm nhiều ngành học mới. Nguyễn Tuấn Anh, học sinh khối 12, Trường THPT Trần Phú cho biết, với thế mạnh các môn Toán, Vật lý, Hóa, tiếng Anh, em hy vọng sẽ trúng tuyển chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo tại Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VUK).

Tuấn Anh cho biết, thời gian gần đây thường xuyên truy cập internet tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo và bị thu hút bởi những tính năng vượt trội cùng sức ảnh hưởng rộng rãi. “Em chọn học ngành Trí tuệ nhân tạo để thuận theo xu thế phát triển của xã hội, nhất là khi các ngành, nghề hiện nay đều đang trong giai đoạn chuyển đổi số cũng như ứng dụng khoa học công nghề vào sản xuất, điều hành”, Tuấn Anh chia sẻ.

Là năm đầu tiên tuyển sinh ngành Trí tuệ nhân tạo với 60 chỉ tiêu, VKU kỳ vọng sẽ góp phần cùng Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm Kỹ thuật cung ứng cho thị trường lao động những kỹ sư, cử nhân có kiến thức toàn diện, chuyên sâu và tiên tiến về lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo.

PGS.TS Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng VKU khẳng định, nhà trường đã sẵn sàng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực chào đón tân sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo trong mùa tuyển sinh 2023. Để chương trình giảng dạy tiệm cận nhu cầu thực tế, VKU đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với Công ty CP NecScat (Nhật Bản) và Công ty CP Giáo dục NiX (NiXEducation). Sự liên kết này giúp sinh viên có thêm cơ hội cọ xát, trải nghiệm việc làm, tiếp cận công nghệ mới tại các doanh nghiệp công nghệ thông tin cũng như tạo cơ hội cho giảng viên nghiên cứu và nâng cao năng lực đào tạo.

Ngoài ra, PGS.TS Huỳnh Công Pháp chia sẻ, lý do VKU quyết tâm mở ngành Trí tuệ nhân tạo là do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ngành này hằng năm tại các trường đại học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cao gấp 4-5 so với chỉ tiêu. Điều này cho thấy nhu cầu của thí sinh lẫn xu hướng việc làm trong tương lai có sự dịch chuyển từ lao động chân tay sang ngành khoa học mũi nhọn, chất lượng cao, dựa trên những hệ thống, tiện ích thông minh.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật dự kiến mở thêm 2 ngành mới là Công nghệ kỹ thuật hóa học, Robot và Trí tuệ nhân tạo trong năm 2023. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh cũng mở thêm chuyên ngành Công nghệ Nano với định hướng xây dựng môi trường nghiên cứu và đào tạo những cử nhân, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên theo chuẩn chất lượng quốc tế.

Được biết, công nghệ nano là ngành công nghiệp liên quan đến việc thiết kế, phân tích, chế tạo, điều khiển và ứng dụng cấu trúc, thiết bị, hệ thống trên quy mô nanomet (nm). Công nghệ nano được đánh giá là công nghệ triển vọng tại thời điểm hiện tại lẫn tương lai khi tham gia vào quá trình xử lý môi trường, chăm sóc sắc đẹp, chữa trị ung thư, sản xuất linh kiện điện tử, pin mặt trời hay chip sinh học...

Tiến sĩ Nguyễn Linh Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật cho biết, để chuẩn bị ngành học mới, nhà trường xây dựng nội dung đề án với sự tham gia trực tiếp của 11 giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành phù hợp, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và chuyên gia về chương trình đào tạo ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo. Tiến sĩ Nguyễn Linh Nam khẳng định, việc tiếp thu có chọn lọc ý kiến góp ý của doanh nghiệp, chuyên gia về lĩnh vực robot, trí tuệ nhân tạo giúp nhà trường hoàn thiện nội dung giảng dạy theo hướng phù hợp, thích nghi, dựa trên nhu cầu thực tế cũng như xu hướng phát triển của thời đại 4.0.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.