KINH TẾ NÔNG THÔN

Nâng tầm nông sản sạch

.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, các nhà sản xuất nông nghiệp phải tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng. Là vùng nông nghiệp của thành phố, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất nông sản sạch trên các vùng chuyên canh của huyện Hòa Vang. Huyện đã xây dựng các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại các xã như vùng sản xuất rau quả an toàn Túy Loan, vùng sản xuất lúa hữu cơ Hòa Tiến, Hòa Phong và các mô hình nuôi cá thát lát, nuôi heo an toàn sinh học hoặc theo hướng hữu cơ. Từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp sạch so với sản xuất thông thường.

Sinh viên ngành nông nghiệp công nghiệp cao Trường Đại học Đông Á tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất rau quả sạch tại trang trại Afarm. Ảnh: Đ.H.L
Sinh viên ngành nông nghiệp công nghiệp cao Trường Đại học Đông Á tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất rau quả sạch tại trang trại Afarm. Ảnh: Đ.H.L

Tìm hướng đi hiệu quả

Câu chuyện trồng nấm sạch của anh Phan Văn Hùng ở thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong được xem là mô hình khá điển hình của nhiều cơ sở sản xuất nông sản sạch ở nông thôn hiện nay. Từ một người làm du lịch, năm 2014, anh Hùng tình cờ thấy trên mạng người ta sản xuất nấm sạch cho hiệu quả kinh tế cao, anh bắt đầu mày mò tìm hiểu rồi chuyển hẳn qua trồng nấm sò, nấm bào ngư, nấm linh chi và đông trùng hạ thảo ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Mới đầu, anh trồng thử nghiệm 2.000 phôi nấm bào ngư trên diện tích 50m2 và mang lại thu nhập cao, từ đó anh quyết định đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất lên 600m2, mỗi tháng thu hoạch hơn 1,5 tấn nấm sò, mỗi năm thu 300-500kg nấm linh chi và 10-15kg đông trùng hạ thảo. Tuy nhiên, khi khối lượng tăng lên, anh lại gặp khó khăn về vốn đầu tư sản xuất và trang trại cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chia sẻ về quá trình vượt khó của cơ sở nấm Quỳnh Tâm, anh Phan Văn Hùng, Giám đốc Cơ sở nấm Quỳnh Tâm cho biết: “Khi mở rộng sản xuất, chúng tôi gặp khó khăn về đất đai, trong khi đó lại nằm trong vùng trũng ngập lũ nên ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền xã, huyện và thành phố về thiết bị máy móc, nhà xưởng, cở sở đã vượt qua khó khăn ban đầu và phát triển thuận lợi hơn. Đến nay, các loại nấm của chúng tôi sản xuất đã được nhiều người biết đến và vươn ra thị trường trong nước, trong đó có nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành đặt mua nấm dược liệu. Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm. Sau khi có thương hiệu, cơ sở nấm Quỳnh Tâm tạo thêm niềm tin cho người tiêu dùng và được nhiều khách hàng đón nhận”.

So với các đơn vị sản xuất nông nghiệp sạch khác, hoạt động sản xuất rau quả sạch của Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao (CNC) Afarm khá hiện đại và chuyên nghiệp. Từ năm 2018, công ty mạnh dạn đầu tư hơn 10 tỷ đồng phát triển trang trại sản xuất theo hướng hiện đại với hệ thống nhà kính và điều khiển tự động, có quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh nghiêm ngặt tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú. Đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào hệ thống tưới tiêu, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng để đưa ra thị trường các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, công ty không chỉ là điểm tin cậy của khách hàng khó tính mà còn là điểm đến được các sinh viên ngành nông nghiệp tham quan, học hỏi.

Vừa qua, trang trại Afarm đón hơn 60 sinh viên ngành nông nghiệp CNC của Trường Đại học Đông Á đến tìm hiểu quy trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ khép kín. Qua đó, sinh viên nắm rõ các khâu sản xuất để ứng dụng vào thực tế công việc sau này.

Ông Nguyễn Tấn Phương, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp CNC Afarm cho biết, hiện công ty đang tiếp tục triển khai một dự án mới, dự kiến sẽ hoàn thành sau 2 tháng. Với phương châm “Sạch đủ sẻ chia”, Afarm luôn cố gắng đem đến cho người tiêu dùng những thực phẩm tốt nhất dựa trên nguyên tắc tự nhiên.

Theo UBND huyện Hòa Vang, trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2016-2025, huyện đã quy hoạch tổng thể và quy hoạch vùng cho sản xuất nông sản sạch như: Vùng sản xuất rau, quả an toàn; vùng lúa hữu cơ; vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn ứng dụng CNC; vùng nuôi trồng thủy đặc sản…

Ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, để tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, các cơ sở sản xuất không chỉ sử dụng phân bón, thuốc, thức ăn… bằng nguyên liệu hữu cơ, sinh học mà còn ứng dụng các tiến bộ khoa học CNC vào sản xuất. Việc ứng dụng CNC giúp giảm chi phí nhân công, tăng vụ và đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng hiện nay.

Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm

Để sản phẩm nông nghiệp sạch của địa phương được vươn xa, lãnh đạo huyện Hòa Vang luôn quan tâm đẩy mạnh liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước. Huyện tổ chức thành công Hội chợ Nông nghiệp Hòa Vang năm 2020 và năm 2022, mỗi hội chợ có khoảng 150 gian hàng với 30 địa phương, 90 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài thành phố tham gia; thu hút 50.000 lượt người tham quan, mua sắm với tổng doanh số ước đạt 3 tỷ đồng.

Nhằm giúp các mặt hàng nông sản sạch tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, trong năm 2022, huyện phối hợp Sở Công Thương triển khai khảo sát 75 cơ sở, doanh nghiệp về tình hình sản xuất thực tế, khả năng cung ứng sản phẩm, phân phối sản phẩm tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng; đồng thời làm việc trực tiếp với các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trên địa bàn thành phố để tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, huyện giới thiệu các đơn vị tham gia hội nghị kết nối sản phẩm của Đà Nẵng vào hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố. Thông qua hội nghị, có 6 cặp kết nối ký kết biên bản, thỏa thuận hợp tác, bao gồm kết nối giữa siêu thị với đơn vị sản xuất, kết nối giữa chuỗi cửa hàng tiện lợi với đơn vị  sản xuất, kết nối đưa hàng vào chợ và kết nối đưa vào bán tại các điểm bán sản phẩm OCOP. Từ đó mở ra nhiều cơ hội tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các cơ sở sản xuất là quy mô sản xuất còn nhỏ nên khó đáp ứng tiêu chuẩn và số lượng hàng hóa vào siêu thị. Một vài cơ sở muốn tổ chức các điểm bán hàng nhưng không đủ nhân lực, vật lực để vận hành. Một số khác thiếu kỹ năng phát triển thị trường, chưa xây dựng được chính sách bán hàng, tỷ lệ chiết khấu cho nhà phân phối.

“Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian đến, huyện đẩy mạnh phát triển một số điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm như nâng cấp, đầu tư quầy bán hàng của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan tại chợ Túy Loan thành điểm quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP. Đồng thời, hình thành khu trưng bày, giới thiệu nông sản, quảng bá du lịch và xúc tiến đầu tư nông nghiệp Hòa Vang tại thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Sau đó giao cho Ban quản lý các chợ huyện tổ chức đấu giá các gian, quầy hàng buôn bán, dịch vụ cho người dân, trong đó ưu tiên các mặt hàng nông sản, lưu niệm, sản phẩm OCOP”, ông Ngô Ngọc Trúc, Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện nhấn mạnh.

Sau khi thực hiện triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay huyện Hòa Vang có 21 sản phẩm đã được xét duyệt và công nhận. Trong năm nay, UBND huyện tập trung phấn đấu đánh giá, xếp hạng ít nhất 5 sản phẩm đạt 3 sao. Phấn đấu từ 1-2 sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và châu Âu. Đến năm 2025, huyện phấn đấu có khoảng 36 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 11/11 xã đều có sản phẩm được công nhận OCOP, đối với sản phẩm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu phải có sản phẩm đạt 4 sao.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.