Kiếm tiền từ nghề chụp ảnh ẩm thực

.

Những năm gần đây, việc chụp ảnh thực phẩm sôi động hơn khi nhiều doanh nghiệp trong ngành dịch vụ này ngày càng đầu tư về mặt hình ảnh. Tại Đà Nẵng, công việc chụp ảnh đồ ăn, thức uống đang trở thành “xu hướng” làm việc của nhiều bạn trẻ.

Trương Công Khoa (ngoài cùng, bên trái) và các thành viên trong nhóm chụp ảnh kỷ niệm cùng đối tác. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trương Công Khoa (ngoài cùng, bên trái) và các thành viên trong nhóm chụp ảnh kỷ niệm cùng đối tác. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tuy nhiên, để có chỗ đứng trong nghề, người làm phải có niềm đam mê với nhiếp ảnh và sáng tạo trong công việc.

Thu hút nhiều bạn trẻ

Đam mê nhiếp ảnh, Lương Phúc Thọ (SN 2000), sinh viên Trường Đại học Duy Tân cho biết, đang là sinh viên nhưng anh đã tham gia chụp ảnh thực phẩm được gần 2 năm. Hiện tại Thọ phụ trách vị trí nhiếp ảnh hậu trường và trợ lý nhiếp ảnh gia ở một studio chuyên chụp ảnh đồ ăn và thức uống.

“Nhiếp ảnh là sở thích của tôi, càng tìm hiểu sâu, tôi càng cảm thấy mình hợp với công việc này. Đối với tôi, nhiếp ảnh đồ ăn và thức uống là một công việc không hề dễ dàng, cần chuẩn bị rất nhiều từ tiền kỳ đến hậu kỳ”, Thọ chia sẻ.

Làm chủ một công ty chuyên chụp ảnh, Lê Dương Hoàng Anh (SN 1998, phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cho biết, công việc chụp ảnh đồ ăn, thức uống là một mảng phổ biến trong lĩnh vực nhiếp ảnh quảng cáo. Những bức ảnh được khách hàng sử dụng để thiết kế thực đơn, đăng lên các kênh mạng xã hội, một số thương hiệu sử dụng để in bao bì.

Hoàng Anh cho hay, bản thân tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa, Trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic Đà Nẵng, nên vận dụng được rất nhiều kiến thức vào công việc hiện tại như kỹ thuật chụp, bố cục, màu sắc và hậu kỳ ảnh. Công ty của Hoàng Anh thành lập đầu năm 2020, hiện có 13 thành viên. Mỗi thành viên phụ trách mỗi công việc như chụp ảnh, trang trí món ăn, thiết kế, ánh sáng, trợ lý...

Bên cạnh nhận chụp ảnh đồ ăn và thức uống, công ty còn chụp hình sự kiện, quảng cáo, hợp tác với nhiều thương hiệu lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng. Theo Hoàng Anh, tùy vào phân khúc khách hàng sẽ có những yêu cầu từ đơn giản cho tới khắt khe. Thông thường, thời gian bắt đầu nhận dự án đến lúc hoàn thành sản phẩm giao tới tay khách hàng thường diễn ra 7-15 ngày, tùy theo quy mô dự án.

Thông thường làm việc trong ngành dịch vụ sẽ có nhiều ý kiến đa chiều, do đó Hoàng Anh phải cố gắng làm đúng yêu cầu khách hàng đặt ra. Bên cạnh đó, nhiều hợp đồng công việc giao gấp, buộc công ty phải thực hiện trong khoảng thời gian ngắn. Ví như, có một dự án, khách hàng yêu cầu chụp 15 món ăn trong 2 ngày để kịp đưa hình ảnh vào chiến lược quảng cáo của họ.

Vì thời gian gấp nên sau khi nhận hợp đồng, nhóm lập tức lên ý tưởng, mua đồ trang trí, sắp xếp nhân sự và hôm sau bắt đầu chụp ảnh từ sáng đến tối. Ngày tiếp theo, 2 nhân sự của công ty bắt đầu chỉnh sửa hình ảnh để kịp tiến độ công việc. Vì tình yêu dành cho nghệ thuật nói chung, nhiếp ảnh đồ ăn nói riêng mà anh quyết định gắn bó lâu dài với công việc này.

Hiểu ẩm thực và luôn sáng tạo

Không học qua trường lớp về nhiếp ảnh nhưng với sở thích cầm máy, Trương Công Khoa (SN 1997, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) mạnh dạn mở studio chuyên chụp ảnh đồ ăn và thức uống. Nhờ nỗ lực không ngừng, nhóm của Khoa có cơ hội hợp tác với nhiều thương hiệu lớn, nhỏ trên địa bàn thành phố.

Khoa cho biết, người làm nghề chụp ảnh đồ ăn phải tìm hiểu về ẩm thực và văn hóa thưởng thức món ăn. Khi nhận chụp ảnh một món ăn, nhóm của Khoa đều tìm hiểu kỹ nguồn gốc món ăn, nguyên liệu, cách chế biến, thời điểm chín, màu sắc, thời điểm thích hợp để chụp ảnh và bối cảnh để đặt món ăn.

Chưa kể, trước khi bắt đầu chụp ảnh, nhóm còn nghiên cứu rất nhiều thông tin về mô hình kinh doanh, giá cả và phân khúc khách hàng của quán để lên ý tưởng phù hợp với thị hiếu khách hàng. Đầu bếp của nhà hàng chế biến, nhóm góp ý và trang trí để món ăn lên hình được đẹp mắt nhất.

Từng hợp tác với nhóm của Trương Công Khoa, chị Đặng Thanh Hà, Trưởng nhóm thương hiệu của nhà hàng Thái Market và Chuyên gia tiếp thị thương hiệu của The Cups Coffee, cho biết: “Nhóm Khoa tập trung vào công việc chụp ảnh ẩm thực nên các bạn rất biết cách tạo ra những bức hình kích thích vị giác người nhìn. Bên cạnh đó, công ty hầu hết là các bạn trẻ mạnh về ý tưởng, sáng tạo, biết nắm bắt nhu cầu của khách. Chúng tôi sử dụng hình ảnh nhóm chụp cho tất cả các công việc liên quan như thiết kế thực đơn, truyền thông”.

Trương Công Khoa cho rằng, để làm tốt công việc này, bạn trẻ cần tập trung phát triển kiến thức về nhiếp ảnh và cần hiểu biết về loại máy ảnh mình đang sử dụng để tận dụng tối ưu các tính năng, không cần phải đầu tư thiết bị đắt tiền.

Với anh, nghề chụp ảnh đồ ăn và thức uống đòi hỏi người làm phải sáng tạo, cập nhật, thay đổi liên tục để phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Hiện tại Khoa vẫn đang học thêm những khóa học chụp ảnh, chỉnh sửa hình ảnh để nâng cao tay nghề và có thêm nhiều cơ hội mới trong tương lai.

Mai Ly

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích