Cần thêm những điều đơn giản như thế!

.

Những ngày đầu tháng 4, nhiều du khách đến với Đà Nẵng tỏ ra bất ngờ và thích thú khi đọc được câu song ngữ "Thoải mái như ở nhà - comfort as home" trên một tấm giấy nhỏ gắn ở một số nhà hàng, quán ăn... trên đường phố quận Sơn Trà. Với những người không biết tiếng Việt lẫn tiếng Anh, vẫn không sao, trên tấm giấy nhỏ đó còn có cả hình vẽ ngộ nghĩnh - một khuôn mặt cười chễm chệ trên hình toilet.Đây là hình thức xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng để giảm tình trạng vệ sinh không đúng nơi quy định, góp phần quảng bá hình ảnh thân thiện của thành phố đến với du khách được nhiều khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú hưởng ứng.

Tưởng tượng, đang vui vẻ dạo phố mà du khách tìm đỏ con mắt cũng không thấy một nhà vệ sinh công cộng ở đâu, thì đọc được dòng chữ này quả là điều không thể nào tuyệt vời hơn. Khỏi cần bàn khi nhu cầu rất cơ bản của con người mà không được đáp ứng thì đó quả một trải nghiệm tồi tệ cho du khách. Và hẳn nhiên rồi, cuộc dạo chơi ngắm phố lúc đó sẽ không thoải mái như ban đầu. Một điểm cộng rất lớn cho thành phố, với chỉ bằng một ý tưởng nhỏ nhưng rất nhân văn như thế!

Sau thời gian dài Đà Nẵng thực hiện chỉnh trang nâng cấp, bộ mặt thành phố gần như thay đổi hoàn toàn theo hướng đẹp hơn, hiện đại hơn. Thế nhưng câu chuyện về nhà vệ sinh công cộng vẫn là bài toán chưa thể tìm được lời giải trọn vẹn vì không thể kiếm đâu ra đủ quỹ đất để bố trí hệ thống nhà vệ sinh trên địa bàn thành phố. Đó còn chưa kể đến nguồn kinh phí xây dựng, công tác bảo trì, duy trì hoạt động... 

Một ví dụ như tại quận trung tâm thành phố là Hải Châu, dù cố lắm đến nay mới có được 8 nhà vệ sinh công cộng, quả là một con số quá khiêm tốn. Trong khi đó các quận, huyện còn lại hầu như "trắng" nhà vệ sinh công cộng, nếu có cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Thế nhưng, giờ đây ý tưởng "Thoải mái như ở nhà - comfort as home" đã giải quyết được hết tất cái khó lâu nay trong việc đáp ứng tốt nhất du cầu của du khách. Gần như ngay lập tức trên địa bàn quận Sơn Trà và sắp tới đây là quận Hải Châu, Thanh Khê... sẽ có hàng trăm mô hình nhà vệ sinh công cộng để phục vụ du khách.

Có thể khẳng rằng, thương hiệu "Thành phố đáng sống" mà lâu nay du khách khắp nơi yêu mến dành tặng cho Đà Nẵng bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền trong việc xây dựng thành phố văn minh, an toàn, thân thiện, thì trong đó còn có sự đóng góp rất lớn từ lòng hiếu khách của mỗi người dân. Đây là vốn liếng vô cùng quý báu mà thời gian đến thành phố cần khơi gợi, phát triển để trở thành một "đặc sản" tăng thêm sức níu kéo bước chân du khách khắp nơi khi du lịch thành phố.

Đây là câu chuyện không hề mới. Nhìn sang đất nước Thái Lan láng giềng, từ lâu đã rất thành công với ngành du lịch nhờ khai thác yếu tố con người. Bên cạnh các yếu tố thiên nhiên đẹp, thức ăn đa dạng, giá cả cạnh tranh... Thái Lan còn có "bảo bối" được mệnh danh "Xứ sở của những nụ cười". Chính những nụ cười thường trực trên môi người dân Thái đã tạo nên rất nhiều cảm tình với du khách.

Hoặc như đất nước Bhutan - quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, luôn là địa điểm du khách muốn tìm đến nhờ điều giản đơn là lối sống an lạc, hài hòa với tự nhiên của người dân vương quốc này. Vậy thì với Đà Nẵng, với những người dân nổi tiếng hiền lành, chân thực và hiếu khách thì cần thêm thật nhiều những ý tưởng kiểu như "Thoải mái như ở nhà - comfort as home" để phát huy vốn quý đó. Đó là cách làm du lịch đơn giản, không tốn nhiều công sức, tiền của, nhưng hiệu quả chắc hẳn là rất cao.

BÙI THANH

;
;
.
.
.
.
.