Hôm nay may mắn

.

“May mắn” là từ đầu tiên mà Sofia Kenin nghĩ tới sau lúc buông chiếc vợt để ôm mặt mừng chiến thắng trước đối thủ sừng sỏ Ashleigh Barty của nước chủ nhà ở giải quần vợt Úc mở rộng. Nắng trưa hắt chiếc bóng mừng rỡ của tay vợt trẻ người Mỹ xuống mặt sân Rod Laver Arena và phủ màu lóng lánh trên cơ thể nhễ nhại mồ hôi. Lần đầu tiên tay vợt xếp thứ 14 thế giới vào chung kết một giải Grand Slam và sự kiện này đang làm kinh ngạc thế giới quần vợt.

Sofia Kenin. Nguồn: Guardian
Sofia Kenin. Nguồn: Guardian

Cô đã vượt qua ngôi sao đang xếp số một thế giới và là người giữ trong tay ngôi quán quân giải Pháp mở rộng. Đó là một chiến công vang lừng nhưng trên tất cả, là tay vợt đến từ Bắc Mỹ, để đạt kỳ tích này, cô còn phải gồng mình đương đầu với một “đối thủ” cũng đáng gờm không kém: cái nóng oi ả với nhiệt độ lên đến 40 độ C vốn không hề xa lạ với đối thủ chủ nhà.

Thắng cùng lúc hai đối thủ sừng sỏ ấy, Kenin nhận ra mình may mắn. Rõ nhất là các tình huống cô cứu được ba điểm break trước lối đánh hùng hổ dứt khoát của Barty ở set đầu, giúp cô gái trẻ lên tinh thần để rồi giành chiến thắng ở loạt tie-break. May mắn cho cô vì các cú dứt điểm mang tính quyết định của đối thủ không đủ uy lực. Barty - trong lần hướng đến đích trở thành tay vợt nữ đầu tiên của Úc vào chung kết từ sau thành quả của tiền bối Chris O’Neil năm 1978 - có vẻ bất an sau thất bại bất ngờ ở set thứ nhất. Cô để đối thủ giành break và kết thúc set thứ hai bằng chiến thắng 7-5 để hiên ngang đoạt vé vào chung kết.

Cô gái trẻ tự nhận mình may mắn nhưng những người ưa thích cái mới của quần vợt lại thích thú cảm nhận chiến thắng của Kenin xứng đáng với tài năng và nỗ lực của cô. Nhiều người Úc có thể không vui vì đại diện của mình đánh mất cơ hội ngay giữa sân nhà nhưng cũng không ít người nhận ra nét hào hứng mà sân chơi đỉnh cao đầu năm mang lại. Kenin đã chơi bằng tất cả sức lực và tài nghệ để chạm tay vào giấc mơ từ tuổi ấu thơ chứ nào phải may mắn!

Có may mắn chăng là Roger Federer, người đánh bại Tennys Sandren sau 5 set đấu để giành vé vào bán kết sau khi cứu đến những 7 điểm kết thúc trận đấu của đối thủ. Từ chối đến 7 cơ hội chiến thắng của đối thủ - trong đó có việc cứu những điểm số mà đối thủ giữ quyền giao bóng - quả là một kỳ công. Với 46 lần vào bán kết các giải Grand Slam - thành quả cao nhất trong đội ngũ các tay vợt đương đại - Federer có thể sẽ xem cuộc chiến ngoan cường của mình ở set thứ tư của trận tứ kết với Sandren là kỷ vật nhớ đời. Chắc chắn nó đáng nhớ hơn rất nhiều so với chuyện anh bực bội văng tục trên sân để nhận mức phạt 3.000 USD.

Bực bội, nản chí, mệt mỏi, có lúc tay vợt giữ trong tay 20 danh hiệu Grand Slam đứng bên bờ vực buông bỏ. Nhưng rồi vị thần may mắn xuất hiện để thình lình vừa cứu nguy vừa đồng hành đưa Federer đến chiến thắng, như lời anh thú thật sau trận đấu kéo dài gần 3 tiếng rưỡi đồng hồ. “Tôi không xứng đáng lắm với chiến thắng này nhưng làm sao khước từ sự ưu ái của may mắn. Thế cho nên tôi không thể không hạnh phúc!”, lời anh chân tình.

Cứ vui và cứ hào hứng tiếp nhận thêm sức mạnh từ chiến công. Trên thực tế, như một đúc kết mang tính vĩnh hằng trong thể thao, may mắn chỉ đến với những ai không ngừng nỗ lực. Trước khi nhận được điều may, bản thân Kenin lẫn Federer đã làm hết sức vì cái đích hướng đến. Gọi tên may mắn như một lời tri ân nhưng cũng là cái cách nhún nhường của người hiểu rằng mọi thứ hãy còn ở phía trước. Bởi vì hôm nay may mắn nhưng có thể liền đó mai này vị thần có đôi cánh bao dung kia lại ngoảnh mặt làm ngơ…

ĐÌNH XÊ

 

;
;
.
.
.
.
.