Về tục mừng thọ của người Việt

.

Theo phong tục cổ truyền, người Việt ngày xưa tuy không tổ chức sinh nhật hằng năm như người Việt đương đại nhưng không ai và không nơi nào không tổ chức mừng sinh nhật khi trẻ con trong nhà tròn một năm tuổi - gọi là thôi nôi, và một số lần mừng sinh nhật vào các năm chẵn/năm tròn cho người đã lên lão lục tuần - gọi là mừng thọ.

Trong những lễ mừng thọ của người xưa, nhất định không thể thiếu quả đào - được xem là biểu tượng của sự sống lâu.

Cả hai loại mừng sinh nhật mang tính truyền thống này vẫn được người Việt đương đại tiếp tục coi trọng, đặc biệt tục mừng thọ được xem là một nét đẹp văn hóa và là biểu hiện của tư tưởng tôn lão kính trưởng và của lòng hiếu thảo - phẩm chất từng được Phan Kế Bính đánh giá cao trong cuốn Việt Nam phong tục: “Ta đọc sách Thánh hiền, lấy sự hiếu với cha mẹ là mối luân thường rất lớn, làm đầu trăm nết hay của người”.

Ảnh minh họa Internet
Ảnh minh họa Internet

Ngày nay, thôi nôi vẫn được xem là việc riêng của mỗi gia đình có con tròn một tuổi, chưa từng thấy những lễ thôi nôi tập thể, trong khi đó mừng thọ thì chủ yếu cũng là việc riêng của mỗi gia đình nhưng nhiều trường hợp đã trở thành việc chung của cộng đồng và không hiếm những lễ mừng thọ tập thể - hoặc do tập thể tổ chức mừng thọ cho một người, chẳng hạn như Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố đã tổ chức đêm nhạc Còn mãi tình yêu để mừng thọ nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tròn 90 tuổi vào cuối năm 2014; hoặc do tập thể tổ chức mừng thọ cho nhiều người, chẳng hạn như đầu năm 2016, làng Hành Thiện xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định tổ chức lễ thượng thọ - còn gọi là lễ yến lão - để mừng thọ tập thể cho hơn 600 cụ tuổi tròn từ 70 trở lên…

Nhìn ra một số nước phương Đông như Nhật, có thể thấy người Nhật chọn ngày thứ hai trong tuần thứ ba của tháng chín làm Ngày Kính trọng Người cao niên/ Keiro no Hi (敬老の日). Đây là ngày người Nhật dùng để tạ ơn về những đóng góp của người cao tuổi cho xã hội và cũng là để mừng họ sống lâu. Vào ngày này, tại nhiều nơi người ta tổ chức các buổi tụ tập ca hát để vui cùng người cao tuổi và trẻ em được dạy làm các quà lưu niệm thủ công tặng cho ông bà/cha mẹ và các bậc trưởng lão trong nhà.

Trước đây ở Nhật, theo lệ cứ ai đến tuổi 100 sẽ được Chính phủ Nhật tặng một chiếc đĩa bạc làm kỷ niệm. Tập tục này bắt đầu từ năm 1963 khi cả nước Nhật chỉ có 153 người thọ tới 100 tuổi nhận đĩa.

Thế nhưng hiện nay theo thống kê, Chính phủ Nhật ước tính 39.000 người sẽ chạm ngưỡng 100 tuổi vào năm 2018 và đang cân nhắc giải pháp một dạng quà tặng nào khác hoặc thậm chí chỉ một lá thư chúc mừng để thay thế cho đĩa bạc có giá mỗi đĩa 64 USD dẫn đến khả năng tiêu tốn ngân sách rất lớn.

Thôi nôi thì chưa và chắc sẽ không được luật hóa, trong khi đó mừng thọ đã thành chế định bắt buộc gần chục năm nay. Điều 21 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định về chúc thọ, người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà; người thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúc thọ và tặng quà. Về mừng thọ, UBND cấp xã phối hợp với Hội Người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên vào một trong các ngày sau đây:

Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam (6-6 dương lịch), Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10 dương lịch), Tết Nguyên đán hằng năm và sinh nhật của từng người cao tuổi - việc tích hợp lễ mừng thọ vào sinh nhật là do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây.

   Có nhiều tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội hay tổ chức xã hội-nghề nghiệp được xem là mái nhà chung của những người cao tuổi như Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu giáo chức và đương nhiên không thể không kể Hội Người cao tuổi…

Những tổ chức này có thể chủ trì để tổ chức lễ mừng thọ tập thể cho hội viên của mình tròn 70 tuổi - thượng thọ, tròn 80 tuổi - đại thọ, tròn 90 tuổi - thượng thượng thọ vào những thời điểm thích hợp trong năm, chẳng hạn vào Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 tháng 12 dương lịch đối với các cựu chiến binh, vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 dương lịch đối với các cựu giáo chức, vào Ngày truyền thống Người Cao tuổi Việt Nam đối với các người cao tuổi nói chung… Đây là dịp để tôn vinh đóng góp xã hội của những hội viên cao tuổi trước và sau khi nghỉ hưu.

Đối với hội viên Hội Cựu giáo chức, lễ mừng thọ tập thể cô giáo/ thầy giáo có thể có sự tham dự của các thế hệ học trò cũ, bởi bản thân sự có mặt của học trò cũ cũng chính là bằng chứng về đóng góp của những người từng đứng trên bục giảng.

Đối với người cao tuổi là các văn nghệ sĩ hoặc các nhà hoạt động khoa học, lễ mừng thọ cũng chính là dịp vinh danh những thành tựu trong sự nghiệp sáng tạo văn học - nghệ thuật/ khoa học - công nghệ của từng người hoặc một số người cùng chuyên ngành, chẳng hạn có thể kết hợp lễ mừng thọ văn nghệ sĩ cao tuổi với tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật giới thiệu sáng tác âm nhạc/ sân khấu/ điện ảnh/ múa/ văn chương, hay các triển lãm mỹ thuật/ nhiếp ảnh nghệ thuật, hoặc có thể kết hợp lễ mừng thọ nhà hoạt động khoa học cao tuổi với tổ chức các sinh hoạt học thuật giới thiệu sách chuyên đề/ kết quả nghiên cứu khoa học… 

Tuy nhiên, dẫu được hay không được tập thể mừng thọ/ được mừng thọ tập thể thì được mừng thọ mang tính chất nội bộ gia đình vẫn là sự kiện có ý nghĩa nhất đối với người cao tuổi, bởi sống lâu đã quý, càng quý hơn là sống lâu trong niềm kính yêu và sự quan tâm chăm sóc của con cháu/ người thân. Cho nên ngày Tết Nguyên đán người Việt đương đại cũng thường mừng tuổi cho ông bà/cha mẹ và các bậc trưởng lão trong nhà với lời cầu chúc cho họ được may mắn, khỏe mạnh, sống lâu.

Đặc biệt khi ông bà/cha mẹ và các bậc trưởng lão trong nhà đến tuổi đại thọ trở lên, hằng năm nhiều gia đình người Việt đương đại tổ chức lễ mừng thọ đối với từng người. Điều mà người cao tuổi mong đợi nhất, mãn nguyện nhất trong các lễ mừng thọ mang tính chất nội bộ gia đình là sự quây quần, chính vì vậy lễ mừng thọ thành công nhất là lễ mừng thọ mà đông đủ con cháu đều có mặt để chung vui…

Cũng chính vì vậy mà hằng năm nhiều gia đình người Việt đương đại đã tổ chức mừng sinh nhật của ông bà/cha mẹ và các bậc trưởng lão trong nhà, không chờ đến tuổi đại thọ. Và cũng chính vì vậy mà không chờ đến sinh nhật hay ngày mừng thọ, không ít gia đình người Việt đương đại - bằng việc thường xuyên quan tâm hỏi han chăm sóc - đã tạo cho ông bà/cha mẹ và các bậc trưởng lão trong nhà cảm giác ngày nào cũng là sinh nhật hay ngày mừng thọ của mình, và cái cảm giác này chắc chắn sẽ bùng cháy thăng hoa đúng vào dịp sinh nhật hay vào ngày mừng thọ hằng năm.

Sẽ rất xa lạ với tục mừng thọ truyền thống của dân tộc cũng như với văn hóa hội nhập toàn cầu của người Việt đương đại nếu như người cao tuổi được con cháu tổ chức lễ mừng thọ rất “hoành tráng” nhưng quanh năm cứ phải đắm mình trong nỗi cô đơn. Đó là chưa kể không ít lễ mừng thọ “hoành tráng” kiểu ấy chủ yếu cũng không phải để… mừng thọ!

Bùi Văn Tiếng
 

;
.
.
.
.
.
.