Hướng đến sản phẩm chất lượng cao

.

Trong số hơn 20.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động tại Đà Nẵng, chỉ có 10 DN thuộc lĩnh vực sản xuất hàng dược, thực phẩm, tiêu dùng đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, 4 DN đạt Thương hiệu quốc gia. Đà Nẵng không thiếu các sản phẩm chất lượng cao, nhưng do công tác quảng bá còn yếu nên nhiều sản phẩm chưa được người tiêu dùng biết đến

Các sản phẩm làm từ quế của Công ty TNHH Hương Quế được thành phố lựa chọn là một trong những món quà tặng đại biểu tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Ảnh: Q.T
Các sản phẩm làm từ quế của Công ty TNHH Hương Quế được thành phố lựa chọn là một trong những món quà tặng đại biểu tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Ảnh: Q.T

Đầu tư chất lượng sản phẩm

Hiện tại, một số “địa chỉ đỏ” mua sắm dành cho khách du lịch ở Đà Nẵng có thể kể đến như chợ Cồn, chợ Hàn, các cửa hàng đặc sản miền Trung, đặc sản Đà Nẵng… Tuy vậy, các điểm bán hàng này bán đa dạng các loại hàng hóa từ khắp nơi đổ về, chưa bán chuyên về các mặt hàng là thế mạnh, đặc trưng do DN Đà Nẵng sản xuất như là các loại cá, tôm, mực làm chả; các dòng sản phẩm làm từ quế, mây tre; các loại bánh được làm thủ công, hay sản phẩm may mặc; điêu khắc đá…

Thực tế, vẫn chưa có một nơi nào đủ lớn để trưng bày, quảng bá hàng hóa mang thương hiệu Đà Nẵng. Đó cũng là một hạn chế trong công tác quảng bá du lịch địa phương.

Chị Thanh Tâm (người Đà Nẵng, hiện sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Mỗi khi đi du lịch, tôi đều mua quà về cho người thân. Những món quà tôi lựa chọn nhất định phải mang dấu ấn về vùng đất ấy. Thông qua món quà, người thân, bạn bè sẽ hiểu ít nhiều về vùng đất mới-nơi tôi đã đi qua.

Đặc biệt, mỗi khi về Đà Nẵng, tôi đều cất công lựa chọn đặc sản địa phương mang vào Nam làm quà. Đây cũng là cách tôi giới thiệu để nhiều người biết đến Đà Nẵng hơn nữa”.

Hiện nay, mua sắm là một trong những hoạt động “phải có” được các công ty lữ hành gắn kèm vào tour cho khách. Chị Mai Hiệp (tiểu thương quầy bánh kẹo ở chợ Hàn) cho biết, mỗi ngày, chợ Hàn đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, mua sắm. Du khách sẵn sàng chi tiền để mua được các mặt hàng chất lượng về làm quà.

Nếu khách không mua được món hàng tốt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu du lịch của thành phố. Vì vậy, tiêu chí bán hàng của tôi là luôn chọn nguồn hàng uy tín, chất lượng để chào bán. Đặc biệt, đặc sản của “Đà Nẵng quê mình” luôn được tôi ưu tiên bày biện tại vị trí đẹp, dễ thấy nhất”.

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế (gọi tắt là TNHH Hương Quế) cho rằng, dẫu Đà Nẵng chưa để xảy ra những vụ như Khải Silk thì cũng không thể khẳng định Đà Nẵng đang có một thị trường hàng hóa sạch.

Đâu đó thi thoảng vẫn có những vụ phát hiện hàng giả, hàng nhái trà trộn. Điều cần thiết là phải chọn ra những đơn vị có sản phẩm chất lượng để trưng bày, quảng bá. Đây sẽ là một kênh hữu hiệu để xuất hàng hóa của Đà Nẵng ra bên ngoài.

Đồng thời, một thị trường hàng hóa sạch, chất lượng sẽ góp phần củng cố vị thế thành phố “đáng sống” của Đà Nẵng. Khi làm được như vậy thì việc phát triển du lịch mua sắm là tương lai không xa.

Là một trong những DN 6 năm liền đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại BQ chia sẻ: “Để có được thành tích này, chúng tôi luôn đặt việc đầu tư chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Một khi sản phẩm đã được khách hàng tin dùng, nhớ mặt đặt tên thì tự khắc họ sẽ tìm đến.

Chính khách hàng là kênh quảng bá hữu hiệu nhất. Việc đạt được các chứng nhận uy tín là lợi thế cho sản phẩm của DN nhưng đó không phải là yếu tố quyết định cuối cùng đến vị thế của sản phẩm và thương hiệu DN trên thị trường.

DN cần đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng thông qua sản phẩm và dịch vụ mình cung cấp mới là điều quan trọng”.

Từng bước tiếp cận người tiêu dùng

Trong số hơn 20.000 DN đang hoạt động tại Đà Nẵng, mới chỉ 10 DN thuộc lĩnh vực sản xuất hàng dược, thực phẩm, tiêu dùng đạt danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao, 4 DN đạt Thương hiệu quốc gia.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đà Nẵng, Đà Nẵng không thiếu các sản phẩm chất lượng cao nhưng do công tác quảng bá còn yếu nên nhiều sản phẩm chưa được người tiêu dùng biết đến.

Có thể kể đến một số mặt hàng như các sản phẩm làm từ quế của công ty TNHH Hương Quế, các sản phẩm cá, tôm, mực của công ty TNHH Thanh Hồng Phúc hay cà-phê của công ty TNHH Danh An Phát… Nhiều năm nay, các DN sản xuất hàng hóa tại Đà Nẵng luôn đẩy mạnh phát triển thị trường, chú trọng xây dựng thương hiệu, khẳng định chất lượng sản phẩm… nhưng vẫn rất khó đạt các danh hiệu mong muốn.

Đơn cử như sản phẩm của công ty TNHH Hương Quế dù nhiều năm nay được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, không chỉ tiêu thụ nội địa, mà sản phẩm còn được xuất khẩu tại hơn chục quốc gia ở châu Á và châu Âu.

Thậm chí là xuất khẩu đi Mỹ-một thị trường rất khắt khe về chất lượng. Nhưng đến nay, công ty vẫn chưa đạt được danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ông Nguyễn Xuân Sơn cho hay, ông luôn khao khát sản phẩm của công ty đạt được chứng nhận quốc gia.

Tuy nhiên, khao khát tạo ra một sản phẩm đậm chất thiên nhiên, tốt cho sức khỏe con người, và thân thiện với môi trường còn quan trọng hơn là việc cứ loay hoay ứng cử danh hiệu.

Một ví dụ khác, các sản phẩm làm từ mực của công ty TNHH Thanh Hồng Phúc như chả mực chiên, chả mực hấp, chả mực sống hiện đã có mặt tại Siêu Thị Coopmart, Công ty CP Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng, các siêu thị đặc sản, và đang chuẩn bị đưa vào Metro, Big C, Vinmart…

Dù vậy, theo ông Trần Ngọc Thanh, Giám đốc công ty, sản phẩm chả mực của công ty vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều. Đây là một sản phẩm nói chung cũng thuộc hàng cao cấp, khách hàng dùng đều khen ngon và chất lượng nhưng giá hơi cao (trung bình 370.000 đồng/ký).

Qua nhiều lần dùng thử và kiểm tra chất lượng một số sản phẩm do DN Đà Nẵng sản xuất, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân nhận thấy các sản phẩm của những công ty kể trên đều đáp ứng các tiêu chí về chất lượng, mẫu mã, giá thành. Trung tâm Xúc tiến thương mại Đà Nẵng đã nhiều lần mời các đơn vị kể trên tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm đến khách hàng.

Tuy nhiên, các DN vừa và nhỏ ở Đà Nẵng hiện tại vẫn còn “rụt rè”, chưa dám vươn ra biển lớn. Cụ thể, nguồn kinh phí dành cho quảng cáo sản phẩm còn hạn hẹp, chưa bảo đảm điều kiện hỗ trợ DN thúc đẩy thương hiệu. Muốn xây dựng thương hiệu, chủ DN phải có tầm nhìn và chiến lược phát triển dài hạn, nếu muốn tồn tại lâu dài thì không thể làm ăn chụp giật. Sản xuất, kinh doanh phải trung thực, xây dựng uy tín, niềm tin ngày càng lớn để khách hàng nhận biết sản phẩm, từ đó mới “giữ chân” được người tiêu dùng.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.
.